Hoàn thiện khung pháp luật

Hiện nay, nước ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ nhằm quản lý, bảo vệ, bảo tồn ĐVHD nói chung, ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nói riêng, như: Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản... cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20-6-2017) đã quy định “Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD” tại Điều 234 và “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” tại Điều 244 với các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD, nhất là ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, mặc dù đã ban hành khá nhiều luật, bộ luật nhưng công tác bảo vệ ĐVHD chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân quan trọng là nội dung về quản lý, bảo vệ ĐVHD nằm rải rác trong các luật khác nhau, còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thống nhất, nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng luật chưa theo kịp để điều chỉnh... Bởi vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐVHD là rất quan trọng, thậm chí cần tính đến phương án xây dựng một luật riêng về bảo vệ ĐVHD.

Đồ trang sức bán tại một cửa hàng được quảng cáo chế tác từ ngà voi. 

Về chính sách pháp luật liên quan đến nuôi một số loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo vệ, như: Hổ, báo... trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, pháp luật chỉ cấm việc nuôi vì mục đích thương mại (nuôi để giết mổ, buôn bán...) vì đây là những loài không có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát. Đối với nuôi vì mục đích phi thương mại, Nhà nước khuyến khích mọi thành phần tham gia, miễn là đáp ứng được các yêu cầu: Nguồn gốc con giống hợp pháp; cơ sở nuôi phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài nuôi; bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi, vệ sinh môi trường và phòng dịch; có phương án nuôi phù hợp...

Thực tế cũng đã có nhiều tổ chức, cá nhân nuôi phi thương mại các loài động vật này thành công, góp phần vào công tác bảo tồn ĐVHD. Cũng theo bà Bùi Thị Hà, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức nuôi phi thương mại các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương cần quản lý chặt hơn nữa hoạt động gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại. Bởi nếu không kiểm soát tốt sẽ làm giảm hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD do khó có thể phân biệt được tính hợp pháp của một cá thể ĐVHD cũng như sản phẩm của chúng khi đưa ra thị trường, nhất là khi không ít cơ sở nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại đang bị lợi dụng như một vỏ bọc để hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc tự nhiên. Mặt khác, hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD hầu như không mang lại giá trị bảo tồn khi tình trạng giao phối cận huyết và lai tạp nguồn gen diễn ra phổ biến tại các cơ sở gây nuôi...

Giảm "cầu" để từng bước bớt "cung"

Trao đổi với chúng tôi, TS Vương Tiến Mạnh, Phó giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho biết, những năm gần đây, tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD tại nhiều quốc gia trên thế giới diễn biến rất phức tạp, giá trị buôn bán trái phép đạt hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, vấn nạn khai thác, buôn bán, tiêu thụ ÐVHD trái phép khiến nhiều loài ÐVHD đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD, bao gồm cả các loại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vẫn diễn ra khá phổ biến là do không ít người có thói quen sử dụng ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp vào nhiều mục đích, như: Làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh, làm đồ trang sức hoặc thậm chí chỉ để làm cảnh...

Tại Hội thảo "Hoàn thiện khung khổ pháp luật về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm" (hội thảo) do Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu tổ chức ngày 20-11-2020, nhiều đại biểu đồng quan điểm với TS Vương Tiến Mạnh khi cho rằng tình trạng săn bắt, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ ĐVHD trái phép đang diễn ra không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ở cả những thành phố lớn, có một phần nguyên nhân từ tâm lý của nhiều người cho rằng tiêu dùng một số loài ĐVHD quý, hiếm sẽ tốt cho sức khỏe, nhiều sản phẩm từ ĐVHD tạo "phong thủy" đem lại may mắn...

 Động vật hoang dã nhồi bông để làm đồ trang trí. Ảnh do Trung tâm Con người và Thiên nhiên cung cấp

Theo TS Vương Tiến Mạnh và nhiều đại biểu dự hội thảo, nhằm góp phần hạn chế, từng bước ngăn chặn tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân từ bỏ thói quen sử dụng trái phép ĐVHD quý, hiếm; đấu tranh xóa bỏ lối sống khoe khoang sự giàu sang, "quyền quý" qua việc sử dụng những sản phẩm cấm như ngà voi, nanh hổ; hổ, báo nhồi bông... "Một số sản phẩm từ ĐVHD quý, hiếm cũng có những công dụng nhất định cho sức khỏe nhưng chủ yếu ở giá trị dinh dưỡng, chúng không phải là "thần dược", không có tác dụng chữa bệnh như đồn thổi. Hiện nay, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, bữa ăn hằng ngày cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho mỗi người, điều kiện khám, chữa bệnh cũng tốt hơn rất nhiều so với trước thì càng có cơ sở khẳng định hoàn toàn không đáng để đánh đổi sự sống của ĐVHD quý, hiếm nhằm tạo ra những sản phẩm không có hoặc tác dụng chữa bệnh chưa rõ ràng. Hiểu được điều này để mỗi người cân nhắc, từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm"-TS Vương Tiến Mạnh chia sẻ.

PHƯƠNG HIỀN