Bài 1: Mảng sáng và mảng tối
Bên cạnh việc gây nuôi thương mại đúng quy định, mang lại hiệu quả tích cực thì tình trạng nuôi nhốt, săn bắt, vận chuyển, giết mổ, sử dụng trái phép sản phẩm ĐVHD, bao gồm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm còn diễn ra phức tạp.
Nhiều mô hình gây nuôi thương mại hiệu quả cao
Gây nuôi thương mại ĐVHD là hoạt động nuôi ĐVHD sinh trưởng và sinh sản trong môi trường có kiểm soát vì mục đích lợi nhuận. Việc gây nuôi ĐVHD, trong đó có một số loài ĐVHD quý, hiếm vì mục đích thương mại diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết, tính đến đầu tháng 6-2021, toàn tỉnh Phú Yên có 190 cơ sở nuôi ĐVHD và ĐVHD quý, hiếm với tổng số 4.031 cá thể, chủ yếu là các loài: Cầy vòi hương, rắn ráo trâu, rắn hổ mang thường, rùa Trung Bộ, nai. Việc gây nuôi thương mại ĐVHD nói trên được thực hiện đúng quy định của pháp luật, được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, ĐVHD sinh sản tốt... do vậy vừa góp phần tạo sinh kế, mang lại thu nhập cho người dân, vừa góp phần vào công tác bảo tồn.
Cũng như Phú Yên, tại nhiều địa phương trên cả nước, không ít hộ gia đình đã và đang phát triển, vươn lên khá giả, thậm chí làm giàu từ nghề nuôi ĐVHD, như ở "làng rắn" Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang)... Theo ông Trần Thanh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện có hơn 130 cơ sở nuôi ĐVHD, ĐVHD quý, hiếm với gần 210.000 cá thể thuộc 18 loài, chủ yếu là cua đinh, trăn đất. Những năm trước, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, các mô hình này mang lại cho bà con thu nhập bình quân 100-200 triệu đồng/hộ/năm. Cá biệt có hộ (trang trại Nguyệt Lâm) thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm...
 |
Tê giác được nuôi hợp pháp tại vườn thú Vinpearl Land Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: TRUNG HIẾU |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, việc gây nuôi thương mại ĐVHD phải tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật. Theo thống kê chưa đầy đủ của trung tâm, hiện cả nước có khoảng 15.000 cơ sở nuôi ĐVHD, với hơn 150 loài ĐVHD, ĐVHD quý, hiếm. Một số loài ĐVHD được nuôi phổ biến như: Cá sấu nước ngọt, rắn hổ mang, rắn ráo trâu, trăn mốc, trăn vàng, khỉ đuôi dài, nhím, trĩ đỏ khoang cổ, cầy vòi hương, lợn rừng... Nhiều sản phẩm từ ĐVHD của Việt Nam được xuất khẩu hợp pháp mang lại giá trị kinh tế cao.
Còn những mảng tối
Nếu như gây nuôi thương mại ĐVHD theo đúng quy định của pháp luật là một trong những mảng sáng trong công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD thì tình trạng nuôi nhốt, săn bắt, giết mổ, vận chuyển, sử dụng trái phép các sản phẩm từ ĐVHD, nhất là với các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng, nằm trong Phụ lục I CITES và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2007 như: Hổ, tê giác, voi... lại đang rất đáng báo động.
Ngày 4-8 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện tại hai nhà dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành nuôi nhốt 17 con hổ. Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội và theo phân tích của các chuyên gia bảo tồn ĐVHD của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn ĐVHD (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), việc nuôi nhốt này là vi phạm pháp luật vì nguồn gốc hổ không hợp pháp (nhập lậu từ nước ngoài); điều kiện chuồng trại không đúng quy định; trốn tránh sự quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng... Các cá thể hổ phải sống trong lồng chật hẹp nên mất khả năng săn mồi, sinh tồn ngoài tự nhiên, vì vậy hầu như không có cơ hội sống sót khi thả về rừng. Đặc biệt, trong trường hợp nuôi nhốt, hổ chỉ có thể sinh trưởng chứ không sinh sản và mục đích của việc nuôi nhốt là để giết thịt nấu cao, lấy răng, móng... hoàn toàn không vì mục đích bảo tồn.
Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác quản lý, đấu tranh nhưng tình trạng nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm vẫn diễn biến phức tạp. Tháng 9-2018, Hải quan TP Đà Nẵng đã phát hiện một lô hàng trong container có 200 bao chứa 6.000kg vảy tê tê và 2.000kg ngà voi. Mới đây, khoảng 4 giờ ngày 1-8, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép 7 cá thể hổ khi các đối tượng đang trên đường vận chuyển từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) về Nghệ An để tiêu thụ...
 |
Một cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép để lấy mật. Ảnh do Trung tâm Con người và Thiên nhiên cung cấp.
|
Khảo sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên được thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong hai năm 2019, 2020 (tập trung vào các cơ sở, tụ điểm buôn bán ngà voi, hổ, rùa và chim hoang dã) cho thấy, mặc dù nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23-7-2020 "Về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD" yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai những giải pháp bảo vệ ĐVHD; tăng cường kiểm soát các hành vi khai thác, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ĐVHD; đấu tranh triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán ĐVHD trái pháp luật... nhưng tình hình chưa có chuyển biến tích cực. Một số chợ ĐVHD vẫn hoạt động công khai, thậm chí buôn bán các loài động vật quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, vấn nạn buôn bán các sản phẩm từ ngà voi vẫn rất phức tạp, xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước...
Điều kiện nuôi các loài ĐVHD nguy cấp thuộc Phụ lục CITES vì mục đích thương mại: Bảo đảm nguồn giống hợp pháp; chuồng trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng dịch; loài nuôi là loài được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam công bố có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát; việc nuôi sinh sản, sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài có liên quan trong tự nhiên...
(Theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ)
|
(còn nữa)
PHƯƠNG HIỀN