Mẫu vật từ khỏe thành... chết!

Trở lại vụ việc ngày 4-8 vừa qua, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, thu giữ 17 con hổ đang bị nuôi nhốt trái phép tại hai nhà dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Khi bị phát hiện, cả 17 con hổ (mỗi con nặng khoảng 200kg) đều khỏe mạnh. Thế nhưng, trong quá trình xử lý mẫu vật để vận chuyển đến khu chăm sóc, nuôi dưỡng, đã có 8 con hổ bị chết. Việc có tới gần một nửa cá thể hổ quý hiếm (8/17 cá thể) thay vì được "giải cứu" đã mất đi cơ hội sống không những ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm mà còn gây bức xúc trong dư luận. Vụ việc này đã khiến nhiều người nhớ tới câu chuyện "cười ra nước mắt" xảy ra tháng 9-2020. 11 con bò F1 lai giống bò tót rừng sau khi được tập trung nuôi, nhân giống tại Trại khảo nghiệm Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) trong khuôn khổ một dự án bảo tồn ĐVHD thì bị "bỏ quên", do thiếu ăn nên đàn bò gầy gò đến mức thảm hại. Chứng kiến hình ảnh những con bò lai quý, hiếm gầy "trơ xương", thiếu sức sống, không chỉ những người trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD mà ngay cả người dân bình thường cũng thấy xót xa. Hay thời gian qua, tại một số vườn thú, công viên, vẫn xảy ra tình trạng những cá thể động vật gầy xác xơ, ốm yếu do không được chăm sóc cẩn thận...

Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh thịt động vật hoang dã tại một quán ăn, tháng 4-2020. Ảnh do Trung tâm Con người và Thiên nhiên cung cấp 

Các sự việc không còn là cá biệt như nêu trên phần nào phản ánh những thiếu sót, sự thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, thậm chí không loại trừ các biểu hiện tiêu cực để tư lợi. Điển hình như tháng 8-2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên toàn xét xử vụ án tham ô tài sản đối với Phạm Minh H. (36 tuổi, trú tại TP Hà Nội) và một số đối tượng liên quan. Theo cáo trạng, Phạm Minh H. nguyên là cán bộ Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan TP Hà Nội. Trong thời gian công tác (năm 2016), lợi dụng nhiệm vụ được giao, Phạm Minh H. đã đánh tráo ngà voi giả để lấy ngà voi thật trong kho tạm giữ-là tang vật buôn lậu bị cơ quan chức năng thu giữ để bán cho người khác, chiếm đoạt số tiền gần 3 tỷ đồng.

Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 10, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ quy định về xử lý mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm sau khi tịch thu cụ thể như sau: Đối với mẫu vật sống, phải chăm sóc mẫu vật, tránh rủi ro để mẫu vật chết. Ngay sau khi xử lý mẫu vật theo quy định của pháp luật phải bàn giao cho cơ quan kiểm lâm sở tại để tổ chức chăm sóc và bảo quản mẫu vật. Việc xử lý mẫu vật theo thứ tự ưu tiên: Thả lại môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của loài nếu mẫu vật khỏe mạnh; chuyển giao cho cơ sở cứu hộ động vật, vườn động vật nếu mẫu vật yếu cần cứu hộ. Đối với mẫu vật khác (bao gồm mẫu vật chết), nếu thuộc các loài nhóm IB thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; nếu thuộc nhóm IIB thì chuyển giao cho các tổ chức khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn; bán đấu giá cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; trong trường hợp không thể thực hiện được các biện pháp nói trên thì tiến hành tiêu hủy. Điều 90 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành cũng quy định rất rõ việc bảo quản vật chứng cũng như trách nhiệm khi để vật chứng thất thoát, hư hỏng... Bởi vậy, với các vụ việc liên quan đến mẫu vật, vật chứng chết, hư hỏng, điển hình như vụ việc 8 cá thể hổ bị chết trong quá trình thu giữ ở Nghệ An cần phải được điều tra rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm minh để vừa tránh tình trạng tham ô, tư lợi, thất thoát, vừa góp phần bảo vệ ĐVHD.

Tang vật là động vật hoang dã buôn bán trái phép bị các lực lượng chức năng thu giữ. 

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc xử lý tang vật, vật chứng là động vật rừng đã được quy định cụ thể bởi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhằm cụ thể hóa các điều luật, nghị định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT ngày 31-12-2019 "Quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước". Trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến động vật rừng, các cơ quan, lực lượng chức năng cần căn cứ vào các quy định nói trên để thực hiện nghiêm, đồng thời, để việc triển khai thực hiện có hiệu quả, tránh các biểu hiện vi phạm, cần có sự kiểm tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền.

 Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

(Theo Điều 90, Bộ luật Tố tụng Hình sự)

PHƯƠNG HIỀN

(còn nữa)