Rất nhiều nhà... “nuôi hỏa tặc”!

Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, nguyên nhân gây cháy nhà chủ yếu là do bất cẩn trong sử dụng điện dẫn đến chập cháy (quên tắt thiết bị điện sau khi sử dụng, dùng nhiều thiết bị khiến quá tải dây và ổ cắm, đấu nối tùy tiện, hệ thống điện chằng chịt, cũ nát...); hoặc bất cẩn khi đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã, vứt tàn thuốc lá, rò rỉ khí gas... Cùng với đó là tình trạng nhiều ngôi nhà bị biến thành kho để hàng hóa và vật chất dễ cháy, nên rất dễ bén lửa.

Điều đáng nói là những nguyên nhân gây cháy đã được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, nhất là sau khi xảy ra những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chưa được nhiều gia đình chú trọng thực hiện, thậm chí còn như “điếc không sợ súng”! Một số cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC nói với chúng tôi, đó là tình trạng “nuôi giặc lửa trong nhà”, bởi những ngôi nhà ấy có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

Dọc các tuyến phố ở đô thị, chúng ta đều thấy nhiều nhà ở có cửa hàng tại tầng trệt, nhiều nhà còn để hàng chật cả tầng hai và cầu thang. Nguy hiểm nhất là những cửa hàng bán đồ dễ cháy như: Quần áo, đồ may mặc, tạp hóa, đồ chơi trẻ em, giày dép, túi ví da, sách báo...

Nhà mặt phố ở nước ta thường sử dụng tầng trệt để sản xuất, kinh doanh, chất đầy hàng hóa dễ cháy, trong khi không có lối thoát hiểm phòng tình huống hỏa hoạn (ảnh chụp trên phố Đội Cấn, TP Hà Nội). 

Vào những ngôi nhà kinh doanh dịch vụ karaoke còn đáng sợ hơn, bởi từ nền nhà đến xung quanh tường, trần, bàn ghế... toàn dán thảm vải hoặc nhựa, xốp với hệ thống điện trang trí, loa đài chằng chịt, phòng kín như bưng. Chỉ cần có nguồn lửa là đám cháy bùng nhanh, trong khi khách đi hát karaoke thường đã “phê” bia rượu, lại hay hút thuốc lá. Chỉ cần sơ ý là có thể gây cháy.

Tại các khu phố cổ ở Hà Nội, hầu hết những ngôi nhà mặt đường đều bày kín hàng hóa, chủ yếu là hàng dễ cháy. Trong khi nhiều ngôi nhà rất chật, lâu ngày không tu sửa nên nguy cơ bén lửa từ đun nấu, chập điện, sơ suất khi thắp hương... rất cao. Dù hiện nay hầu như cửa hàng nào cũng đã trang bị bình cứu hỏa, nhưng không phải ai cũng biết sử dụng. Nếu đám cháy bùng phát vào ban đêm, khi cửa hàng đã đóng cửa thì khả năng chữa cháy tại chỗ càng hạn chế. Chưa kể, những ngôi nhà “kiêm” cửa hàng thường để “ban thờ thần tài” cạnh cửa ra vào. Việc thắp hương, đốt nến sát với hàng hóa khiến nguy cơ hỏa hoạn cao và nếu cháy xảy ra thì lửa cũng chắn luôn lối thoát của người trong nhà...

Thực tế, ngay những ngôi nhà không kết hợp sản xuất, kinh doanh, chỉ dành để ở thì nhiều chủ nhân cũng ít quan tâm đến việc phòng cháy. Lâu nay, ở đa số “nhà ống”, tất cả xe máy, xe đạp, ô, mũ, áo mưa, áo chống nắng... thường để ngay trước cửa nhà hoặc cho vào phòng ngoài của tầng trệt, sát với bếp nấu. Toàn bộ tầng trệt thường được bố trí làm nơi để xe và nhà kho nên tại đây chất đầy vật dụng, cùng với hệ thống điện đã cũ, chuột trú ngụ cắn phá rất dễ gây chập cháy. Đa số vụ cháy nhà đã khởi phát từ tầng trệt vì lý do này. Thế nhưng nhiều gia đình vẫn ít kiểm tra và dọn dẹp ở tầng trệt.

Đến chiếc aptomat có vai trò rất quan trọng giúp ngăn chặn sự cố chập cháy điện, nhưng không hiếm ngôi nhà cũ vẫn chưa lắp aptomat và chủ nhà cũng không để ý việc này; cứ vô tư mua đồ điện về dùng nhưng không kiểm tra khả năng chịu tải của hệ thống dây điện, ổ cắm.

Nhức nhối với “nhà không lối thoát” 

Nhìn lại những vụ cháy nhà gây thiệt hại lớn về người, chúng ta thấy đại đa số đều rơi vào khu vực đô thị với kiểu "nhà ống" không có lối thoát hiểm.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, mặc dù biết nhà không có lối thoát hiểm là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người thiệt mạng khi xảy ra cháy, song do đất ở đô thị đắt đỏ, chật hẹp, chi phí xây dựng tốn kém nên đa số người dân không thể mua đất rộng để làm nhà có khoảng rỗng xung quanh, đành làm “nhà ống”. Các tầng trên cũng tận dụng đua ra cho rộng và chỉ mở cửa sổ; hoặc bịt kín ban công bằng khung rào sắt chắc chắn để làm nơi phơi quần áo và chống trộm đột nhập (người dân thường gọi là “chuồng cọp”). Thực tế cũng có một số nhà để cửa thoát hiểm trên tầng thượng nhưng cửa được làm bằng sắt kiên cố, khóa rất cẩn thận và cất kỹ chìa, hiếm khi mở ra, nên khi xảy ra cháy thì không tìm thấy chìa khóa hoặc là không thể mở được vì khóa đã han gỉ. Bên cạnh đó, rất nhiều ngôi nhà còn gắn biển quảng cáo bán hàng chắn hết đường thoát hiểm...

Vụ cháy tại nhà số 311 Tôn Đức Thắng (Hà Nội) ngày 4-4-2021, lực lượng chữa cháy đã chứng kiến cảnh vô cùng xót xa khi cả 4 người trong gia đình cùng ở trên tầng tum với thi thể biến dạng. Nếu có cửa thoát hiểm thì chắc không có cảnh tang thương đó.

Rất nhiều ngôi “nhà ống” để xe máy kín trước cửa nhà, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy, vừa chắn lối thoát nạn nếu xảy ra hỏa hoạn. 

Sự nguy hiểm của nhà không có lối thoát hiểm đã rõ, thế nhưng, theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội), hiện nay, toàn thành phố có khoảng 70% nhà ở thuộc dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh, chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào. Trong khi theo khuyến cáo, mỗi ngôi nhà ở của hộ gia đình cần ít nhất 2 cửa thoát hiểm, không tính cửa ra vào chính của ngôi nhà, để phòng tình huống nếu khói lửa chặn mất hướng cửa thoát hiểm này thì còn có cửa khác để thoát thân.

Còn rất nhiều vấn đề bất cập khác trong công tác phòng cháy ở các hộ gia đình, như: Biết đồ điện, bếp gas đã có biểu hiện hư hỏng, nhưng không sửa mà vẫn cố sử dụng; không quan tâm kiểm tra để khắc phục kịp thời những nguy cơ gây cháy; tích trữ những đồ vật đã hỏng, nhất là chất liệu dễ cháy trong nhà; không chuẩn bị các thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa và không có phương án ứng phó khi cháy xảy ra... Chính sự chủ quan, đơn giản đó là nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy gây hậu quả rất nghiêm trọng, đau lòng mà người trong cuộc, nếu may mắn được sống sót, sẽ vô cùng hối hận, nhưng không thể sửa sai được nữa.

Phải làm gì để phòng tránh hiểm họa cháy nhà và giảm tối đa thiệt hại khi cháy xảy ra là nội dung chúng tôi đề cập ở bài viết sau.

Ngày 18-5-2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 02-KL/TW về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, trong đó nêu rõ: Tiếp tục đẩy mạnh, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của phòng, chống cháy nổ, hậu quả nghiêm trọng của cháy, nổ, từ đó tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản, phổ thông và thường xuyên tổ chức diễn tập, thực hành cho nhân dân về PCCC, cứu nạn, thoát nạn. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ, loại bỏ những yếu tố, điều kiện phát sinh cháy nổ, nhất là tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ...

(còn nữa)

Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN QPAN