QĐND - LTS: Những vụ cháy nhà liên tục xảy ra gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Điều rất đáng báo động là không ít vụ cháy khiến cả gia đình thiệt mạng. “Hỏa tặc” luôn rình sẵn ở mọi nhà và có thể bất ngờ bùng phát. Làm thế nào để phòng cháy và hạn chế thương vong khi xảy ra cháy trong điều kiện nước ta có rất nhiều nhà đô thị, kiểu “nhà ống” không có lối thoát hiểm 3 bên?

 Loạt bài này hy vọng sẽ góp phần giải đáp câu hỏi trên, giúp mọi người phòng, chống “hỏa tặc” cho gia đình mình; và chính thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 hiện nay là thời cơ để các gia đình tự kiểm tra, rà soát, bàn về việc phòng, chống cháy. 

Bài 1: Đau thương vô hạn vì đơn giản, chủ quan

Theo dõi thông tin trên báo chí, mạng xã hội, hầu như ngày nào chúng ta cũng thấy vài vụ hỏa hoạn. Không ít vụ cháy gây bàng hoàng, ám ảnh dư luận bởi chỉ trong phút chốc cả gia đình 2-3 thế hệ cùng thiệt mạng, toàn bộ tài sản thành đống tro tàn mà nguyên nhân chỉ do chủ quan, đơn giản trong công tác phòng cháy...

Liên tục những vụ cháy khiến cả gia đình thiệt mạng

Những năm qua, báo chí đã đăng tin về nhiều vụ cháy nhà khiến cả gia đình thiệt mạng mà trong phạm vi bài viết này không thể kể hết. Chỉ trong quý II-2021 vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy nhà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình là vụ cháy lúc rạng sáng 15-6 tại ngôi nhà 3 tầng ở số 146, đường Đinh Công Tráng, TP Vinh (Nghệ An) khiến cả 6 người đang ở trong nhà thiệt mạng (gồm vợ chồng chủ nhà và hai con, cùng hai mẹ con của người thuê trọ).

Trước đó, vào chiều 7-5, vụ cháy tại căn nhà kết hợp xưởng sản xuất nến, xi đánh bóng gạch trong hẻm 47, đường Lạc Long Quân (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng khiến 8 người thiệt mạng (gồm 7 người có mối quan hệ gia đình và một cô giáo đến dạy thêm).

 Các chiến sĩ cứu hỏa phải trèo lên mái nhà để phun nước dập lửa trong vụ cháy tại căn nhà trong hẻm 47, đường Lạc Long Quân (quận 1, TP Hồ Chí Minh), ngày 7-5-2021. Vụ cháy khiến 8 người thiệt mạng vì không có lối thoát hiểm.

Ngay trung tâm TP Hà Nội, rạng sáng 4-4, căn nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) là nơi ở kết hợp kinh doanh đồ sơ sinh bất ngờ bốc cháy, khiến cả 4 thành viên trong gia đình thiệt mạng (nữ chủ nhà còn đang mang thai).

Chỉ cách đó 4 ngày (rạng sáng 30-3), vụ cháy nhà dân tại số 899 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức cũng khiến 6/7 người trong một gia đình thiệt mạng, một người bị thương khi cố gắng thoát được ra ngoài.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) thuộc Bộ Công an: Tình hình cháy trong khu dân cư, nhất là cháy nhà ở kết hợp kinh doanh diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm 2021, cả nước đã xảy ra 1.126 vụ cháy, đa số là cháy nhà dân, làm chết 53 người (tăng 11 người so với cùng kỳ năm 2020), 75 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính gần 290 tỷ đồng. Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Cháy ở những ngôi nhà dạng ống, kết hợp vừa để ở, vừa sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thường gây hậu quả nghiêm trọng về người, có vụ làm chết và bị thương nhiều người.

Hậu quả kinh hoàng từ nguyên nhân... đơn giản

Tìm hiểu nguyên nhân các vụ hỏa hoạn ở nhà dân, chúng tôi được Đại úy Nguyễn Danh Luân, cán bộ Phòng Tuyên truyền và Xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH) cho biết: "Nguyên nhân trực tiếp gây cháy chủ yếu là do chập điện, quên tắt thiết bị điện sau khi sử dụng, thắp hương, đốt vàng mã, vứt tàn thuốc lá bất cẩn, rò rỉ khí gas và sơ suất khi đun nấu... Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà vừa làm nơi ở, vừa sản xuất, kinh doanh, bị biến thành kho để hàng hóa, vật chất dễ cháy nên dễ bén lửa, bốc cháy nhanh và dữ dội, rất khó chữa.

Đặc biệt, hiện đa số nhà đô thị và nhà mặt đường ở nước ta là kiểu “nhà ống”, hai bên và phía sau bịt kín, thường chỉ có lối ra vào ở tầng trệt nên khi xảy ra cháy, người bên trong rất khó thoát ra ngoài. Nhiều căn nhà lại dùng loại cửa cuốn, khi cháy thì điện bị mất, không mở được cửa, vừa khó thoát hiểm vừa gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn. Vì thế, số người thiệt mạng trong các vụ cháy “nhà ống” thường cao”.

 Lực lượng chức năng tham gia cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường vụ cháy nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, TP Hà Nội), ngày 4-4-2021. Vụ cháy khiến 4 người trong gia đình thiệt mạng vì không có lối thoát hiểm.

Nghiên cứu về những vụ cháy nhà trong thời gian qua, chúng tôi thấy đều có nguyên nhân như Đại úy Nguyễn Danh Luân cung cấp. Thực tế, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân cần đề phòng, khắc phục những nguyên nhân gây cháy này. Ngay trong những vụ cháy gây hậu quả kinh hoàng kể trên cũng có nguyên nhân rất đơn giản như vậy. Cụ thể: Vụ cháy nhà 3 tầng ở số 146, đường Đinh Công Tráng, TP Vinh được cơ quan chức năng xác định là do chập điện tại tầng trệt (nơi cho thuê kinh doanh phòng trà). Hiện trường vụ cháy còn sót lại hệ thống dây điện đấu nối chằng chịt, lắp đặt điện trang trí tòa nhà quá tải và không bảo đảm quy chuẩn an toàn PCCC. Ngôi nhà này cũng không có thiết bị báo cháy tự động; xung quanh nhà là kính chịu lực, không có lối thoát cho các nạn nhân. Khi xảy ra cháy, cửa cuốn của ngôi nhà bị khóa, lực lượng cứu hỏa mất nhiều thời gian mới phá được.

Vụ cháy tại căn nhà 311 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cũng do chập điện từ tầng trệt, lửa bén vào hàng hóa là đồ dùng cho trẻ sơ sinh, bốc cháy nhanh. Ngôi nhà chỉ có một lối ra vào ở tầng trệt làm bằng cửa cuốn, bị lửa chặn nên cả gia đình buộc phải chạy lên tum, nhưng không có lối nào để thoát hiểm ra ngoài...

Còn vụ hỏa hoạn ở đường Lạc Long Quân (quận 1, TP Hồ Chí Minh) khiến 8 người thiệt mạng, nguyên nhân gây cháy là một người đang bê nồi nến sáp thì trượt ngã, làm nến sáp chảy vào bếp lửa gần cửa ra vào. Những người ở trong nhà không có lối thoát ra bởi căn nhà có một cửa phụ bên hông nhưng lại bị khóa, chỉ một người đứng phía ngoài cửa chính là chạy ra kịp.

Những vụ cháy “nhà ống” thường gây hậu quả kinh hoàng, nhiều người thiệt mạng, nhưng xuất phát từ nguyên nhân rất đơn giản, có khi chỉ một phút chủ quan, sơ suất nhỏ là cả gia đình không ai còn cơ hội sống sót.

Vẫn biết trong cuộc sống có rất nhiều việc phải làm, phải lo, nhưng với những việc không có cơ hội sửa sai, nếu sai một ly có thể... đi nhiều nhân mạng, thì các gia đình cần phải quan tâm thường xuyên, chú ý đặc biệt, trong đó có việc phòng cháy. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập ở những bài viết sau.

Tại Hội nghị sơ kết hai tháng cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, do Bộ Công an vừa tổ chức, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: Nguyên nhân các vụ cháy gây thiệt hại về người là do nhiều khu tập thể, "nhà ống" không có lối thoát nạn thứ hai; mặt bằng nhà ở thường được sử dụng tối đa vào việc để vật liệu, hàng hóa phục vụ kinh doanh, che chắn, cản trở lối thoát nạn... Tại khu đông dân cư, đặc biệt ở thành phố lớn, ban công nhà ở thường gia cố rất chắc chắn nên khi cháy xảy ra không có lối thoát nạn dự phòng...


(còn nữa)

Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN QPAN