Dân vận đi trước một bước

Biết tin đoàn công tác cơ quan báo chí đến tìm hiểu việc thực hiện chủ trương hiến đất làm đường của huyện Quỳnh Phụ, ngay từ sáng sớm, lãnh đạo xã An Ấp đã mời đại diện nhiều gia đình có đất thu hồi trong đợt này đến trụ sở UBND xã.

Rót chén trà mời khách, đồng chí Nguyễn Đình Hằng, Chủ tịch UBND xã An Ấp tâm sự: “Một trong những yếu tố góp phần thành công trong việc kêu gọi người dân hiến đất làm đường giao thông đó là nhờ công tác tuyên truyền, vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách công khai, minh bạch. Biết các anh đến, chúng tôi muốn bà con qua báo đài chính thống mà nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình”.

Xã An Ấp có 3 tuyến đường huyện đi qua thì có 2 tuyến đường cần thu hồi đất để GPMB. Theo số liệu, toàn xã có 151 hộ thuộc diện GPMB, gồm cả đất nông nghiệp và thổ cư, trong đó nhiều gia đình phải thu hồi hàng trăm mét đất. Theo đồng chí Hằng, từ khi có thông báo về chủ trương của Huyện ủy Quỳnh Phụ việc hiến đất làm đường giao thông, địa phương xác định đây là vấn đề khó. Cái khó đầu tiên là bởi động chạm tới đất đai hương hỏa là tài sản và quyền lợi muôn đời của người dân. Mặt khác, lâu nay một số dự án chưa được thông tin đầy đủ, minh bạch, gây nên những hiểu lầm, ý kiến thiếu đồng thuận trong nhân dân.

Thế nhưng xã An Ấp cũng xác định, chủ trương của huyện là cơ hội hiếm có để địa phương nâng cấp hệ thống giao thông lâu nay vốn đã xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến dân sinh. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, xây dựng nông thôn mới nếu chỉ dựa vào nguồn vốn của trên cấp thì rất khó, mà phải dựa vào sức dân. Trên tinh thần ấy, với quyết tâm cao nhất, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề; giao UBND xã xây dựng kế hoạch, quy trình các bước vận động bà con hiến đất để dự án triển khai sớm nhất có thể.

 Cán bộ huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đến tuyên truyền, vận động các hộ dân hiến đất làm đường. Ảnh: PHẠM KIÊN

Lật dở cuốn sổ đầy con chữ, ghi lại quy trình các bước vận động dân hiến đất, đồng chí Nguyễn Đình Duân, Trưởng thôn Đông Thành, xã An Ấp chia sẻ: "Quy trình vận động nhân dân cơ bản được tiến hành theo 3 bước: Bước thứ nhất, tại hội trường thôn, đại diện UBND xã báo cáo chủ trương của Huyện ủy về hiến đất GPMB; lấy ý kiến và giải quyết các thắc mắc của nhân dân. Bước thứ 2, UBND xã thiết lập văn bản giao cho cấp ủy, ban công tác mặt trận dân cư, các đoàn thể cùng lãnh đạo xã đến từng nhà ký biên bản. Bước thứ 3 là tổ công tác đến các hộ dân chưa đồng thuận để tuyên truyền, vận động, giải quyết các vướng mắc".

Với cách tuyên truyền, vận động hiệu quả, đến nay 100% hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho dự án. Ông Nguyễn Tiến Đạt, ở thôn Ðông Thành chia sẻ: "Thấy các xã khác sau khi bà con hiến đất thì đường sá được mở ra rộng rãi, giá trị đất cũng được nâng lên. Chúng tôi thấy chủ trương của huyện là cơ hội thuận lợi, nên gia đình tôi đồng ý hiến cả đất ruộng lẫn đất thổ cư để làm đường”.

Chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã An Thanh, đã gần trưa nhưng vẫn có khá đông bà con đến xem thông tin về GPMB trên tấm bảng tin của xã. Được biết, để phục vụ tuyến đường ĐH.72C dài 1,7km, xã An Thanh có 145 hộ dân thuộc diện thu hồi.

Đồng chí Chu Công Dượng, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: "Quy trình vận động, tuyên truyền được xã cụ thể hóa bằng văn bản nhưng thực tế phát sinh, xử lý rất nhiều tình huống. Ví như: Cụm dân cư đình làng Thanh Mai có khoảng 20 hộ dân thì còn 5 hộ chưa đồng thuận. Xã An Thanh đã thành lập tổ công tác tuyên truyền đến từng gia đình để vận động. Đồng thời yêu cầu cụm dân cư tổ chức họp bàn để các hộ dân tự vận động lẫn nhau. Với cách làm ấy, đến nay 5 hộ còn lại đã đồng thuận".

Hay, xã Quỳnh Hội lại có cách làm riêng và hiệu quả. Sau khi họp bàn, Đảng ủy xã chọn thôn Đông Xá để làm điểm và rút kinh nghiệm. Kết quả thôn Đông Xá có 56/56 hộ gia đình tự nguyện hiến đất. Kinh nghiệm là: "Trong quá trình làm, Đảng ủy xã Quỳnh Hội liên tục thông tin kết quả GPMB và biểu dương các hộ gia đình tự nguyện hiến đất làm đường. UBND xã họp rút kinh nghiệm, phát huy vai trò ban chỉ đạo, tổ vận động dân tại các thôn", đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội chia sẻ.

Dễ nhận thấy, Thông báo số 220-TB/HU, ngày 13-7-2021 của Huyện ủy Quỳnh Phụ thể hiện rõ quan điểm, những hộ có đất thu hồi thực hiện các dự án làm đường giao thông là đã “hy sinh” quyền lợi riêng vì lợi ích chung. Trong quá trình thực hiện công tác GPMB, đồng chí Nguyễn Văn Nhiễm, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Phụ quán triệt phải thực hiện nhất quán, công khai, minh bạch chính sách; thực hiện phải có lợi nhất cho người dân theo đúng quy định của pháp luật. Với tinh thần ấy, các cấp chính quyền khi triển khai chủ trương hiến đất đều thông báo rõ ràng trước dân; đưa dân bàn, dân thống nhất thấu đáo về mọi mặt rồi mới làm.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm phát triển đất đai huyện Quỳnh Phụ cho biết: "Khi các hộ dân đã đồng thuận chủ trương, ban GPMB sẽ kiểm đếm, đo đạc, triển khai dự án mở đường giao thông. Để công khai minh bạch dự án, hằng ngày trên hệ thống loa phát thanh của xã, thôn đều phát đi các thông tin, tiến độ GPMB các dự án đường giao thông. 

Để giải quyết dứt điểm vướng mắc, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vừa làm, vừa tăng cường đối thoại, gặp gỡ trực tiếp người dân. Chính sự minh bạch trong thông tin đã giúp các hộ dân tự đối chiếu, so sánh với nhau. Có thôn, lúc đầu còn chia làm 3 luồng ý kiến, nhưng sau khi thấy chủ trương hợp tình, hợp lý, thì chính các hộ đồng thuận đi vận động lại các hộ chưa đồng thuận, với cách làm ấy, 100% hộ dân đều ký vào biên bản, không có đơn thư khiếu nại".

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Là người chủ trì ở xã trong triển khai nghị quyết về hiến đất làm đường, lại có nhiều ngày lăn lộn về cơ sở trực tiếp tuyên truyền, vận động dân, đồng chí Nguyễn Đình Hằng, Chủ tịch UBND xã An Ấp tâm sự: “Nghị quyết chuyên đề là cơ sở cho mọi hành động trong quá trình vận động nhân dân; tuy nhiên đội ngũ cán bộ các xã, thôn... cũng phải linh hoạt xử lý nhiều tình huống phát sinh”.

Xã An Ấp có 5 thôn, trong quá trình tuyên truyền, vận động lúc đầu còn 4/151 hộ chưa đồng ý ký biên bản vì chưa nắm đầy đủ thông tin dự án. Ngoài ra, có một vài hộ dân ở thôn Đông Thành yêu cầu phong tuyến, cắm mốc phải công bằng. Đồng chí Hằng và cán bộ thôn trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích để các hộ dân hiểu: Đây là cơ hội hiếm có để nâng cấp hệ thống giao thông địa phương. Về vấn đề cắm mốc phong tuyến, đồng chí Hằng lý giải với dân: "Ngay từ đầu, con đường không phải thẳng như sợi chỉ, quá trình làm có uốn nắn, hơn nữa đây là đường mở rộng. Nhưng đáp ứng nguyện vọng của dân, tổ công tác đề xuất ban GPMB chỉnh sửa". Các hộ dân nghe cán bộ xã, thôn động viên đã đồng thuận.

 Các giáo dân thuộc giáo xứ Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đều tích cực tham gia hiến đất làm đường.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nhiễm: Hiểu được vai trò, tầm quan trọng của cán bộ làm dân vận, những người được cấp ủy, chính quyền chọn tham gia các tổ tuyên truyền, vận động đều là những cán bộ, công chức có năng lực, tâm huyết; có đạo đức trong sáng; phương pháp làm việc khoa học, dân chủ. Họ tiếp xúc với nhân dân và thẳng thắn trao đổi, giải đáp công khai các kiến nghị. Điều này cũng đã góp phần xóa bỏ định kiến của người dân về việc không ít cán bộ, lãnh đạo vận dụng chính sách có lợi cho mình, người thân của mình; không công tâm, khách quan trong quá trình thực hiện chính sách.

Mặt khác, địa phương lựa chọn Hội Cựu chiến binh và các chức sắc trong giáo xứ xã làm lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động các hội viên và bà con giáo dân tự nguyện hiến đất để mở rộng đường. Từ nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhiều hội viên cựu chiến binh và bà con giáo dân đã gương mẫu đi đầu trong phong trào hiến đất, tạo sự lan tỏa đến các hộ dân khác.

Là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Phụng Công, xã Quỳnh Hội, khi biết chủ trương hiến đất làm đường, mặc dù gia đình có hoàn cảnh không khá giả gì nhưng ông Nguyễn Xuân Toàn đã tiên phong hiến hơn 1,3 sào ruộng để làm đường. Ông Toàn suy nghĩ: “Mình là cán bộ, đảng viên, thực hiện chủ trương của Đảng, việc của thôn mà mình không gương mẫu thì nói khó có người nghe”. Nhờ vậy, toàn bộ hộ dân thôn Phụng Công có hơn 50 hộ dân đồng thuận hiến đất. 

Là người hiến hơn 100m2 đất thổ cư và hơn 100m2 đất canh tác, ông Phạm Văn Vạn, 72 tuổi, thương binh 3/4, ở thôn Đông Châu, xã Quỳnh Ngọc, cho biết: "Nếu để huyện phải bồi thường GPMB thì chưa biết đến bao giờ mới đầu tư mở rộng được đường ĐH.78. Gia đình tôi sẵn sàng tháo dỡ tường rào, cổng dậu, hiến đất ở để Nhà nước làm đường". Nhờ những hộ dân tiên phong như gia đình ông Vạn, chỉ trong 5 ngày, từ khi xã bắt đầu tổ chức tuyên truyền, vận động, toàn bộ 161 hộ trong xã Quỳnh Ngọc có diện tích đất thu hồi phục vụ dự án đã đồng thuận.

Khảo sát kỹ thực tế trong dân, chúng tôi nhận thấy: Nơi nào cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì dân thì nơi đó nhân dân luôn đồng thuận cao và ngược lại. Ở đâu, vẫn còn cán bộ chưa thật sự gương mẫu thì người dân còn chần chừ, ngần ngại khi tham gia phong trào. Đó cũng là lý do, tháng 10-2021, Huyện ủy Quỳnh Phụ có công văn về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện. Từ việc xử lý kiên quyết, triệt để những vi phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tạo hiệu ứng tốt trong quần chúng nhân dân, là cơ sở để người dân hiểu và tin vào sự lãnh đạo của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Công tác GPMB là một khâu, một công đoạn quan trọng, cấp bách, phải đi trước, thực hiện trước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Bằng sự đột phá, đổi mới trong cách làm, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp huyện Quỳnh Phụ tháo gỡ "điểm nghẽn" GPMB lâu nay. Đây là một việc làm chưa có trong tiền lệ và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho các địa phương khác, đó là nội dung chúng tôi đề cập ở bài viết tiếp theo trong tuyến bài này.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND