Tăng sức hấp dẫn cho xe buýt

Có dịp trải nghiệm tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa-Kim Mã, theo quan sát của chúng tôi, loại hình vận tải này đã bắt đầu thu hút được đông đảo người dân, trong đó có nhiều hành khách sử dụng hằng ngày. Do được dành làn đường ưu tiên nên vào giờ cao điểm xe BRT vẫn di chuyển khá dễ dàng. Hệ thống xe buýt nhanh BRT có đầy đủ tiện nghi, giá vé tương đương xe buýt hiện hành là 7.000 đồng/lượt. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của xe buýt nhanh BRT là đi-đến đúng giờ với tần suất 5 phút/chuyến.

leftcenterrightdel
Giám sát hoạt động xe buýt tại Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị. Ảnh: HƯNG MẠNH 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau hơn 10 tháng đưa vào hoạt động, tỷ lệ chạy đúng giờ của buýt nhanh BRT đạt gần 99%, thu hút được nhiều đối tượng hành khách đi xe buýt như cán bộ công chức, người cao tuổi, trẻ em. Sản lượng hành khách trung bình đạt 14.000 khách/ngày, cao điểm đạt 18.000 khách/ngày. Từ tháng 8-2017 đến nay, khi học sinh, sinh viên nhập học, số hành khách thường xuyên đạt 110-120 khách/lượt xe.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, đưa ra 5 tiêu chí hấp dẫn của xe buýt đô thị mà nhiều nước trên thế giới xây dựng, đó là: Nhanh, rẻ, an toàn, tiện nghi và độ tin cậy cao. TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, khi nào Hà Nội bảo đảm được các tiêu chí này thì xe buýt mới trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân, nhất là đối với người đi làm. “Cần phát triển VTHKCC để loại hình này cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Người dân thấy phương tiện công cộng tốt, đáp ứng được các tiêu chí sẽ tự động chuyển dần từ việc đi xe máy, ô tô cá nhân sang đi phương tiện công cộng”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.   

Khẳng định việc triển khai tuyến buýt nhanh BRT là một chủ trương đúng, ông Phạm Đình Đoàn, đại biểu HĐND TP Hà Nội gợi ý, thành phố cần tăng tần suất buýt nhanh BRT vào các khung giờ cao điểm và giảm tần suất ở giờ bình thường. Đề cập tới các giải pháp dài hạn, ông Phạm Đình Đoàn đề nghị thành phố cần đẩy nhanh việc xây dựng đô thị vệ tinh, di dời các bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội đô, cùng với hệ thống giao thông công cộng kết nối thuận tiện.

Thêm tiện ích nhờ ứng dụng công nghệ

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, nằm trong kế hoạch phát triển và nâng cao chất lượng xe buýt, thời gian qua Transerco đã hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ của 41 tuyến xe buýt, mở mới 22 tuyến, đưa hơn 300 xe buýt mới vào vận hành, hơn 50% số lượng xe buýt được trang bị wifi… Đặc biệt, Transerco đã đầu tư áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, với việc vận hành Trung tâm điều hành xe buýt và ứng dụng phầm mềm tìm xe buýt. “Trung tâm điều hành xe buýt là đầu não điều hành mọi hoạt động của 92 tuyến buýt với hơn 1.100 xe của Transerco. Tất cả xe buýt đều được lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình, truyền dữ liệu trực tuyến về tình trạng hoạt động của xe đến trung tâm điều hành. Riêng với tuyến buýt nhanh BRT còn được kết nối cả thông tin hình ảnh trên xe và hình ảnh tại các camera lắp đặt dọc hành trình. “Các thông tin về vị trí xe, tình trạng vận hành, giao thông trên đường… đều được phần mềm cập nhật, phân tích, giúp bộ phận ứng trực tại đây có sự điều phối, phản ứng kịp thời với tình trạng xe gặp sự cố, tắc đường, ngập úng…”, ông Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ.

Với ứng dụng tìm xe buýt thông qua tên miền “timbuyt.vn” mới được Transerco triển khai, người dân có thể tìm xe buýt bằng điện thoại thông minh, ngay cả trong trường hợp điện thoại di động không có kết nối internet. Ứng dụng này cho phép người dân có thể tra cứu thông tin các tuyến buýt về lộ trình, điểm dừng đỗ, thời gian, tần suất hoạt động.

Định hướng xây dựng giao thông thông minh đang được Hà Nội từng bước cụ thể hóa. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, lĩnh vực giao thông được Hà Nội ưu tiên phát triển. Những hợp phần đầu tiên của hệ thống giao thông thông minh đã được hình thành. Hiện nay, thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị với 500 camera trên các tuyến giao thông trọng điểm để giám sát, điều hành; triển khai ứng dụng quản lý hành trình hơn 100 tuyến xe buýt với hơn 1.600 xe... Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, các đơn vị vận hành sẽ tiếp tục cải thiện mạng lưới, xử lý trùng tuyến, các tuyến lộ trình dài bất hợp lý, tiếp tục mở các tuyến tới ngoại thành và các khu đô thị mới. Đồng thời, cải thiện giao thông tiếp cận như vỉa hè, lối qua đường, cầu đi bộ, điểm gửi xe; xây dựng điểm trung chuyển tại các đầu mối giao thông; tạo điều kiện để có làn đường dành riêng cho xe buýt tại những tuyến có từ 3 làn xe trở lên. Thành phố cũng quan tâm nâng cao chất lượng tài xế xe buýt với việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt cho tài xế xe buýt đô thị, thành lập trung tâm đào tạo lái xe buýt Hà Nội. Những giải pháp này giúp xe buýt ngày càng đi vào nền nếp, quy củ, trở thành phương tiện văn minh, hiện đại, chiếm được thiện cảm của người dân.

MẠNH HƯNG - VŨ DUNG      

(còn nữa)