Nói đến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), hiện nay, người dân Hà Nội mới chỉ biết đến một loại hình là xe buýt, mới đây có thêm tuyến xe buýt nhanh BRT được sử dụng làn đường riêng. Không thể phủ nhận vai trò của hệ thống xe buýt trong mạng lưới giao thông ở Hà Nội, nhưng so với nhu cầu đi lại của người dân thì khả năng đáp ứng của xe buýt còn nhiều hạn chế.

 Xe buýt lợi nhưng chưa tiện

Công việc hằng ngày bận rộn, tuy nhiên chị Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc vẫn thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. Không chỉ vậy, khi Hà Nội đưa vào khai thác tuyến xe buýt mới, chị cùng với ban giám đốc của công ty đã đi thử nghiệm để từ đó điều chỉnh giờ làm của công ty, khuyến khích nhân viên sử dụng phương tiện GTCC này. Đáng mừng, vài năm trở lại đây, nhiều nhân viên văn phòng của Công ty Việt Phúc đã sử dụng xe buýt thay thế phương tiện cá nhân để đi làm. Chia sẻ lý do vì sao lại khuyến khích nhân viên lựa chọn xe buýt, chị Hương cho hay, đây là loại hình vận tải công cộng văn minh, có tính an toàn cao, thay vì vật lộn giữa dòng ô tô, xe máy trên đường. Đi xe buýt giúp nhân viên khi đến công ty cảm thấy thư thái hơn, tránh khói bụi, ô nhiễm, từ đó hiệu quả công việc cao hơn. Tuy nhiên, ngoài lịch trình cố định từ nhà đến công ty, chị Hương nhìn nhận, xe buýt không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đi lại, vẫn phải sử dụng xe cá nhân. Chị Hương băn khoăn rồi tự lý giải: “Vì sao người Hà Nội sử dụng xe máy nhiều, vì tiện dụng, dễ luồn lách, cứ tiện là người dân sẽ ưu tiên sử dụng. Nếu có thể di chuyển thông suốt các hành trình bằng xe buýt thì người dân sẽ ưu tiên lựa chọn phương tiện này”.

 Là người có nhiều năm sống ở Nhật Bản, thường xuyên sử dụng xe buýt để đi học, đi làm hay đi chơi nhưng khi về sống tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Ngọc (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) lại lựa chọn xe máy, ô tô cá nhân làm phương tiện di chuyển chính của mình. Lý giải về sự thay đổi này, chị Ngọc cho hay, ở Hà Nội xe buýt thường chậm giờ, nhất là vào giờ cao điểm, đặc biệt, sự kết nối giữa các phương tiện GTCC chưa có, nên không còn cách nào khác chị phải chọn đi xe cá nhân.

leftcenterrightdel
Xe buýt nhanh BRT hoạt động trên tuyến Yên Nghĩa-Kim Mã. Ảnh: TRỌNG HẢI. 
Mới đáp ứng được hơn 12,8% nhu cầu

Theo chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy, GTCC hiệu quả khi tổng hợp được các yếu tố như: Hạ tầng hiện đại, được quan tâm đầu tư, phương pháp quản lý, điều hành thông minh... Tuy nhiên, hiện nay VTHKCC của Hà Nội vẫn còn yếu kém, chưa có tính đồng bộ, kết nối nên số lượng phương tiện cá nhân gia tăng là điều tất yếu. Thừa nhận VTHKCC mới đáp ứng được một phần đi lại của người dân, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, hiện nay, xe buýt đã được đầu tư nhiều hơn cả về cơ sở vật chất và phương pháp quản lý, điều hành. Đến nay, mạng lưới tuyến xe buýt đã đạt mức độ bao phủ 100% tới 30 quận, huyện của thành phố và kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 109 tuyến buýt, trong đó có 74 tuyến buýt trợ giá; vận tải trung bình 1,2 triệu lượt khách/ngày. Tuy nhiên, báo cáo của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hiện nay VTHKCC mới chỉ đáp ứng được 12,8% nhu cầu của người dân, đa số người dân vẫn di chuyển bằng xe máy. Ðây chính là nguyên nhân làm cho hạ tầng quá tải, ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra.

Trên thực tế, sau một thời gian tăng trưởng liên tục, sản lượng khách đi xe buýt tại Hà Nội có xu hướng giảm từ năm 2015. Ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, phần lớn người sử dụng xe buýt là học sinh, người có thu nhập thấp; các nhóm đối tượng rất tiềm năng là người làm việc ở các công sở, văn phòng, khách du lịch thì xe buýt lại chưa thu hút được. Thời gian chuyến đi kéo dài, không đúng giờ, chưa phù hợp với đặc thù công việc, đi lại bằng xe buýt thường chậm hơn xe cá nhân; mạng lưới kết nối với các khu vực ngoại thành, khu đô thị mới, tiếp cận các điểm dừng chưa tốt; giao thông đi bộ chưa thuận tiện, an toàn; lái xe và nhân viên phục vụ chưa được quản lý đào tạo tốt, chưa thân thiện; còn hiện tượng trộm cắp, móc túi... là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên.

 TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, cần những chính sách ưu tiên, trợ giá xe buýt và các phương tiện VTHKCC khác để người dân thấy rõ chênh lệch chi phí giữa phương tiện cơ giới cá nhân so với VTHKCC. Từ đó, mỗi người cần phải suy nghĩ để lựa chọn phương tiện phù hợp nhất cho hành trình của mình. Theo kinh nghiệm từ các nước phát triển, để giải quyết ùn tắc giao thông, chỉ có một phương pháp duy nhất là phải phát triển hệ thống GTCC. Mà muốn vậy, cần phải vừa nâng cao chất lượng, sự tiện lợi của VTHKCC, vừa phải làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về sử dụng loại phương tiện này.

MẠNH HƯNG - VŨ DUNG      

(còn nữa)