Sự hợp tác, chia sẻ kiến thức từ Australia và quốc tế thông qua ACIAR đã góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu cho Việt Nam, mang lại tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Nhân kỷ niệm 25 năm đồng hành hợp tác giữa ACIAR và Việt Nam, phóng viên Báo QĐND Điện tử đã có cuộc trao đổi với Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam để hiểu hơn về các dự án của ACIAR tại Việt Nam.
Phóng viên (PV): Sau 25 năm hợp tác giữa ACIAR và Việt Nam, xin ông cho biết thành công nổi bật của hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp?
Đại sứ Craig Chittick: Australia và Việt Nam đều là những nước nông nghiệp lớn, vì vậy hai nước đã có sự thông hiểu lẫn nhau. Australia đã cam kết vì sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm và nông nghiệp là một phần quan trọng của cam kết đó như đã được nhắc tới trong bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua.
 |
Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam. |
ACIAR là cơ quan quản lý và tài trợ hợp tác nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ Australia, đã bắt đầu chương trình ở Việt Nam từ năm 1993 và từ đó đến nay luôn giữ vai trò quan trọng. Tôi tự hào vì ACIAR đã sát cánh cùng Việt Nam 25 năm qua, cùng tạo ra nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp, tạo ra những đổi mới trong ngành nông nghiệp. Hoạt động của ACIAR đã và đang tìm kiếm sự đổi mới đó suốt 25 năm qua, Chính phủ Australia đã đầu tư hơn 100 triệu đô la Australia (tương đương 1.700 tỷ đồng) cho 170 dự án nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp; mang lại nhiều cải tiến cho ngành thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, quản lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và chính sách nông nghiệp. Những tiến bộ đó đã có tác động đến nền kinh tế ở nhiều cấp độ và tác động có ý nghĩa nhất là giúp thay đổi sinh kế cho người nông dân.
Mối quan hệ này đang có những bước tiến vững chắc, mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành xuất khẩu của Việt Nam. Tôi đã đến thăm một số dự án của ACIAR tại Việt Nam và rất ấn tượng với những gì chứng kiến. Đó là những nghiên cứu rất thực tế, chúng tôi đã làm việc với người nông dân không chỉ những nơi thuận lợi cho nông nghiệp mà còn tập trung ở các khu vực nghèo nhất của Việt Nam. Do đó hợp tác nghiên cứu của ACIAR với Việt Nam không chỉ đơn thuần là nông nghiệp, mà còn góp phần nâng cao mức sống cho người dân Việt Nam, cũng như đảm bảo rằng sự thay đổi sẽ mang tới cho Việt Nam một nguồn lương thực an toàn hơn.
PV: Theo quan điểm của ông thì cần phải làm gì để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao?
Đại sứ Craig Chittick: Chúng tôi rất phấn khởi với kết quả thu được từ những đổi mới trong nông nghiệp của Việt Nam. Như tôi đã nói ACIAR đã tham gia vào quá trình này 25 năm nay và chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực này. Trước những thành công mà dự án mang lại, ACIAR đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu cùng Việt Nam thêm 10 năm nữa.
 |
Nông dân thu hoạch khoai tây từ dự án của ACIAR tại Sơn La. Ảnh: ACIAR. |
Tôi đã hội kiến với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sau đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ đều cho rằng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu. Do đó việc ACIAR kéo dài hợp tác thêm 10 năm nữa với Việt Nam là một công cụ chính sách rất quan trọng với lĩnh vực hợp tác này của hai nước.
Tôi hy vọng khi Việt Nam trở thành một nước có nền kinh tế mạnh hơn, mối quan hệ giữa Việt Nam với ACIAR có thể thay đổi, từ chỗ chủ yếu nhận tài trợ sẽ chuyển sang chủ động phát triển bởi chính nguồn lực trong nước và tận dụng tốt nhất nguồn hỗ trợ từ Australia.
PV: Đã có nhiều ký kết hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, vậy hai bên sẽ làm gì để thúc đẩy hoạt động hợp tác này?
Đại sứ Craig Chittick: Nông sản là một trong những sản phẩm giúp nền kinh tế vốn đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam càng phát triển nhanh hơn nữa. Vì thế tôi hoàn toàn tự tin mà nói rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai sau khi thủ tướng hai nước ký kết văn bản về đối tác chiến lược Việt Nam – Australia trong chuyến thăm tới Australia vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Điều này có nghĩa chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa.
 |
Nông dân và các đại biểu tại Hội chợ-Kỷ niệm 25 năm hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam-Australia. |
ACIAR đã hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam trong 25 năm qua, thông qua đó tôi đã có nhiều mối quan hệ quan trọng ở Việt Nam. Khi nói về hợp tác đổi mới nông nghiệp với Việt Nam thì ACIAR là một trong những tổ chức hàng đầu. Vừa qua ACIAR đã ký Ý định thư với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Biên bản ghi nhớ với Bộ Khoa học và Công nghệ, theo đó sẽ nâng cấp hợp tác về công nghệ nông nghiệp.
PV: Ông có thể chia sẻ một số dự án mà ACIAR sẽ thực hiện tại Việt Nam trong thời gian tới?
Đại sứ Craig Chittick: Chương trình 10 năm tới sẽ tập trung vào những khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã và đang hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như ngành thủy sản, xuất khẩu trái cây. Thông tin và công nghệ mới trong nông nghiệp của Australia được chia sẻ thông qua dự án nghiên cứu của ACIAR sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chúng tôi cho rằng chương trình hợp tác này đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Các nhà khoa học Australia sẽ được làm việc tại Việt Nam, còn các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ ứng dụng được công nghệ tiên tiến trên thế giới để giải quyết vấn đề nông nghiệp nước mình, vốn là những trở ngại trong quá trình phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
Tôi cũng vui mừng chia sẻ rằng Australia đã giúp đào tạo 92 nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam thông qua các chương trình học bổng của ACIAR và khoảng 400 nhà khoa học nông nghiệp khác thông qua các chương trình học bổng khác nhau của Chính phủ Australia, đó là lý do hiện nay chúng tôi có một nhóm cựu học viên rất hiểu biết về Australia và vô cùng tâm huyết với nông nghiệp Việt Nam. Họ là lực lượng vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam và là cầu nối vững chắc cho quan hệ của hai nước chúng ta.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!
THU HÀ – THU THỦY (thực hiện)