Đó là biểu tượng mà người Qatar tự hào về một đất nước giàu có đang ngày một khẳng định vị thế trên thế giới. Nhưng từ Corniche ngoảnh lại phía sau, người lao động nhập cư nơi đây vẫn oằn mình tìm kế sinh nhai cho giấc mơ đổi đời.

Muslam đang ngồi tựa lưng vào thành cầu. Ông hướng đôi mắt nặng trĩu sầu tư hướng về bờ biển, cái nhìn xa xăm đem theo nhiều nỗi lòng. Muslam là người lao động nhập cư đến từ Ấn Độ. 15 năm qua, số lần ông về thăm quê hương rất ít. Vậy nên, gọi Muslam là người Qatar cũng được. Không ít người như Muslam. Họ rời quê nhà tới Qatar, nơi được xem như chốn thiên đường của người lao động nhập cư với hoài bão tìm kiếm một giấc mơ đổi đời. Chưa biết họ có thay đổi được cuộc đời hay không nhưng đến lúc này, cuộc đời đưa họ vô tình thành một phần của Qatar, mà chưa biết bao giờ mới quay lại quê hương.

leftcenterrightdel
       City Centre là khu xa hoa, giàu có bậc nhất ở Doha.

World Cup 2022 là cơ hội không thể tốt hơn để họ tìm kiếm thêm việc làm. Ban tổ chức giải đấu tự hào tuyên truyền đây là dịp để tạo điều kiện cho nguồn lao động nhập cư, với 3.000 người có thể tham gia vào công tác xây dựng, phát triển cho World Cup. Muslam cũng không bỏ lỡ cơ hội đó. Nay đã 65 tuổi, Muslam tham gia vào việc lát gạch, dựng những cửa hàng nhỏ dọc bờ biển Corniche. Ngón trỏ và ngón giữa kẹp chặt điếu thuốc lá của Muslam chai đi, sần sùi, tróc vẩy và đôi lúc, bỗng run lên theo một phản xạ tự nhiên của tuổi già.

Rít một hơi dài, Muslam nhả làn khói hòa với gió biển Corniche, chậm rãi bảo tôi: “Phía xa mà bạn đang thấy là City Centre, nơi phồn hoa của Qatar. 15 năm trước, khi tôi đến đây, nó vẫn chỉ là một mảnh đất bình thường với những tòa nhà thấp tầng. Nhưng chỉ hơn một thập niên, nó đã đổi thay trở thành nơi giàu sang tột cùng. Chỉ có tôi, sau 15 năm xa quê vẫn vậy”.

Ở Corniche, sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại hiện diện rõ nhất. Corniche nhìn về phía trước là City Centre xa hoa, sôi động; nhìn về phía sau là những con tàu cũ kỹ, bên cạnh khu chợ cổ Souq Waqif trầm mặc. Trước kia, người Qatar dùng thuyền đi mò ngọc trai, bắt cá. Hiện tại, họ giàu lên nhờ dầu mỏ. Có tiền, giới nhà giàu Qatar thích hưởng thụ theo kiểu không chỉ tầm 5 sao, mà phải 6 sao mới ưng. Nhờ đó, những người nhập cư như Muslam sẽ được thuê để làm những công việc khác tại đất nước này. Tất nhiên, số tiền mà giới chủ bỏ ra thuê nhân công cũng phân hóa theo từng mức độ. Afif, một nhân viên bán hàng tại cửa hàng đồ lưu niệm mùa World Cup ở ga Al Sadd kiếm tới 5.000 Riyal Qatar/tháng, tương đương 35 triệu đồng Việt Nam. Có bằng cấp tại Ấn Độ cùng với vốn tiếng Anh lưu loát, Afif lập tức được nhận một công việc tốt với chế độ đãi ngộ ổn khi sang Doha. Nhưng cũng có những trường hợp như Muslam, chỉ biết làm việc tay chân, ông thừa nhận đủ ăn, đủ tiêu là may chứ chẳng thể dư dả để hy vọng làm giàu ở quốc gia này.

Đôi mắt Muslam ưu tư nhìn về phía City Centre. Ước mơ của biết bao người nhập cư có lẽ cũng hướng đến đó, một biểu tượng giàu sang của Qatar. Nhưng biểu tượng ấy không phải ai cũng có thể với tới.

Bài và ảnh: HẠNH NGUYỄN (từ Doha, Qatar)