Không còn là chuyện kinh khủng

 Nhưng đó là thực tế buồn và nó đã xảy ra ở Nga và Qatar này, khi Đức không thể làm chủ số phận của mình và rơi vào tình trạng đau đớn nhưng không thể được tha thứ vì những sai lầm của họ. Đã qua rồi cái thời mà như chân sút huyền thoại Gary Lineker nói: “Bóng đá là môn thể thao 11 người và Đức luôn chiến thắng”.

Bây giờ, bóng đá đã khác xưa nhiều và khi Nhật Bản có thể hạ gục cả Đức lẫn Tây Ban Nha trong một giải đấu mà thậm chí Argentina cũng thua Saudi Arabia, còn Bỉ bị loại như Đức, tất cả hiểu rằng, các ông lớn truyền thống đều có thể bị "bắn rơi" bất cứ lúc nào. Nếu như Italy còn phải ngồi nhà xem World Cup thì việc Đức lần thứ hai văng khỏi vòng bảng cũng không còn là chuyện kinh khủng nữa.

leftcenterrightdel
       Chức vô địch World Cup tiếp tục là nỗi ám ảnh với bóng đá Đức.

Kể từ năm 2014, sau chiếc Cúp vàng đoạt được ở Brazil, Đức không còn tạo ra những điều tuyệt diệu nữa. Việc vào đến bán kết của EURO 2016, sau khi đánh bại một Italy không có tên tuổi lớn dưới tay Antonio Conte, là thành công gần nhất của Đức, và có lẽ vì thành công ấy, người ta đã phớt lờ những dấu hiệu nguy hiểm đã đến gần. Huấn luyện viên (HLV) Joachim Loew không còn đưa ra những điều mới mẻ nữa, lẽ ra đã phải ra đi sau khi Đức bị đánh văng khỏi World Cup 2018 từ vòng bảng, sau những trận thua tệ hại trước Mexico và Hàn Quốc. Nhưng không, ông vẫn ở lại, một phần vì Liên đoàn Bóng đá Đức chưa tìm được ai xứng đáng thay thế, và những thất bại tiếp tục đến, trong đó có trận thua mất mặt 0-6 trước Tây Ban Nha ở UEFA Nations League năm 2020.

Việc bổ nhiệm HLV Hansi Flick, người trước đó mới chỉ có 15 tháng dẫn dắt Bayern Munich, được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi chóng vánh. Điều đó không hề xảy ra và những kết quả tệ hại như World Cup này vẫn diễn ra. Tại sao? Bởi đội tuyển Đức vẫn không có những thay đổi triệt để. Một ví dụ điển hình: Thomas Muller được cho là không xứng đáng đá chính, nhưng anh không vắng trận nào ở Qatar; Manuel Neuer vẫn được coi là không thể thay thế. Trong khi đó, đất nước của những tiền đạo siêu hạng trước đây như Muller, Voeller, Klinsmann hay gần nhất là Klose đã không sản sinh cho đội tuyển Đức một chân sút tốt nào ở World Cup này. Giờ đây, họ sẽ làm gì cho tương lai, khi hai năm nữa, chính họ sẽ là chủ nhà của EURO 2024?

Cảnh báo cần thiết

Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, Đức rơi vào khủng hoảng, và sau mỗi thất bại đau đớn, họ lại đứng lên. Sau thảm bại ở World Cup 1994, họ đã vô địch EURO 1996. Sau thảm bại ở EURO 2000, họ đã vào chung kết World Cup 2002. Sau đó là vấp ngã và đứng dậy liên tục, cho đến khi họ đăng quang World Cup 2014. Nhưng sau đó là những khoảng trống rất khủng khiếp về thành tích. Dù vậy, vẫn có thể tin rằng, họ sẽ sớm trở lại, vì trong đội hình của họ có những cá nhân xuất sắc và trẻ trung như Musiala, Sane, Gnabry hay Havertz và họ có truyền thống mạnh mẽ về tinh thần. Một nhà báo Đức tôi gặp ở Qatar nói rằng, thất bại ở World Cup 2022 này không làm anh bị sốc, bởi đơn giản anh không kỳ vọng gì nhiều ở một HLV và một đội bóng đang ở thời kỳ chuyển giao thế hệ. Người Đức đã lên kế hoạch tất cả mọi thứ và rồi sẽ thực hiện được, anh nói. HLV Hansi Flick cũng khẳng định ông sẽ không từ chức sau thất bại. Quả thật, nếu đổ lên đầu ông mọi tội lỗi thì quá bất công và Đức sẽ tiếp tục đi cùng với ông trong thời gian tới, hướng đến EURO 2024.

Những gì xảy ra trên đất Qatar là một cảnh báo cần thiết cho chính chiến dịch ấy. “Cái chết” của đội tuyển Đức ở Qatar đã được báo trước, và họ không hề muốn thất bại này cũng là một “cái chết” được báo trước nữa cho EURO 2024. Để tránh điều đó, họ phải làm cách mạng triệt để. Hãy cùng chờ xem. Họ chỉ còn hai năm nữa thôi.

Bài và ảnh: THƯ ANH (từ Doha, Qatar)