Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều loại vũ khí, trang bị thế hệ mới trên nền tảng công nghệ hiện đại, đặc biệt là có tính hệ thống và tích hợp cao được đưa vào trang bị cho Quân đội. Điều đó đòi hỏi những yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ KTQS trong nghiên cứu, khai thác, làm chủ hệ thống trang bị kỹ thuật.

Học viện KTQS tự hào là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của Quân đội ta, trung tâm đào tạo cán bộ KTQS hàng đầu của Quân đội và đất nước; có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực phát triển ngành khoa học KTQS Việt Nam. Học viện được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là một trong những cơ sở nòng cốt cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng. Thực hiện chủ trương đó, Học viện đã xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Học viện thành trường đại học nghiên cứu nằm trong tốp đầu về khoa học kỹ thuật và công nghệ của đất nước.

Học viên trưng bày sản phẩm khoa học tại Hội nghị tuổi trẻ sáng tạo khoa học do Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức năm 2024. Ảnh: THANH HOAN 

Với đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao (hơn 500 tiến sĩ, gần 100 giáo sư, phó giáo sư), hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại (với 135 cơ sở kỹ thuật; 80 phòng thí nghiệm; 40 phòng học trang bị, phòng học chuyên dùng; 15 trạm, xưởng)... hiện nay, Học viện KTQS đang triển khai đào tạo 43 chuyên ngành kỹ sư quân sự, 28 chuyên ngành thạc sĩ, 23 chuyên ngành tiến sĩ. Trong đó, một số chuyên ngành mới xây dựng gắn với các lực lượng được ưu tiên phát triển theo hướng tiến thẳng lên hiện đại, như: An toàn thông tin, tác chiến không gian mạng, tự động hóa chỉ huy, phân tích dữ liệu, địa hình quân sự, thiết bị bay không người lái... cùng các chuyên ngành thiết kế, chế tạo gắn với phát triển công nghiệp quốc phòng, gồm: Thiết kế, chế tạo vũ khí, đạn; công nghệ chế tạo vũ khí, đạn; thiết kế chế tạo tên lửa, hệ thống điều khiển tên lửa, trang thiết bị thông tin, ra-đa...

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Học viện KTQS tập trung đổi mới mạnh mẽ, chủ động, quyết liệt và sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, NCKH. Trước hết, tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, rà soát chuẩn đầu ra chương trình đào tạo bảo đảm tính hiệu quả, bám sát sự phát triển của khoa học-công nghệ và trang bị kỹ thuật tại các đơn vị. Tiếp tục triển khai đào tạo các chuyên ngành thiết kế, chế tạo phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo như: Tăng tỷ lệ học viên tốt nghiệp có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; đẩy mạnh giảng dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ; khuyến khích học viên viết đồ án, luận văn, luận án bằng ngoại ngữ; gắn đào tạo với NCKH và nâng cao chất lượng NCKH của học viên; tăng cường đưa học viên đi thực tập, thực tế tại đơn vị. Xây dựng và tổ chức đào tạo các lớp kỹ sư quân sự chất lượng cao về thông tin, an ninh hệ thống thông tin, thiết bị bay không người lái; mở mới chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo, thiết kế chip, công nghệ bán dẫn...

Chủ động chuẩn bị nguồn lực, tăng cường nắm bắt thực tiễn, tích cực đề xuất và tham gia hiệu quả các chương trình, đề án khoa học-công nghệ của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhất là các hướng hiện đại hóa Quân đội. Kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giữa NCKH với đào tạo. Đẩy mạnh hoạt động khoa học-công nghệ định hướng sản phẩm gắn với đơn vị, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm kỹ thuật, hiện đại hóa công tác chỉ huy, quản lý điều hành. Chú trọng phát triển các hướng nghiên cứu mũi nhọn và liên ngành; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy tiềm năng của các nhóm nghiên cứu mạnh; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc gia. Tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa hình thức hợp tác về khoa học-công nghệ; khai thác tối đa nguồn lực cho khoa học-công nghệ từ các quỹ, tổ chức trong và ngoài nước.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Học viện KTQS tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, năng lực chuyên môn cao, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và NCKH. Tăng cường cử cán bộ, giảng viên đi thực tế, tham quan tìm hiểu trang bị kỹ thuật được biên chế tại các đơn vị, đặc biệt là trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Triển khai các chương trình cử giảng viên đi thỉnh giảng, giảng dạy kết hợp nghiên cứu ở các trường đại học uy tín trên thế giới.

Trong bối cảnh, tình hình mới, Học viện tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, NCKH và chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo, như: Xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật trong từng giai đoạn cụ thể theo lộ trình quy hoạch các bộ môn đến năm 2025 và những năm tiếp theo, ưu tiên các chuyên ngành mới và trọng điểm; xây dựng phòng thí nghiệm liên ngành định hướng ứng dụng dùng chung. Triển khai hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đáp ứng khung kiến trúc chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng, dự án đầu tư xây dựng nhà trường thông minh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ huy, quản lý, điều hành.

Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị kỹ thuật hiện có; chú trọng đào tạo chuyển giao công nghệ cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên kỹ thuật trẻ trong làm chủ khai thác các trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị công nghệ cao. Xây dựng, phát triển các viện đào tạo, nghiên cứu mang tính liên ngành; phát triển lực lượng vận hành trực tiếp hệ thống nhà trường thông minh. Nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm của hệ thống thông tin tích hợp trên cơ sở hạ tầng, dùng chung cơ sở dữ liệu nhà trường thông minh. Mở rộng và sử dụng hiệu quả các ứng dụng trên cổng thông tin điện tử phục vụ công tác chỉ huy, điều hành, công tác đào tạo... Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ, nhất là những lĩnh vực Học viện có thế mạnh, với các đối tác sở hữu công nghệ nguồn về trang bị kỹ thuật, khoa học-công nghệ quân sự; nâng cao hiệu quả hợp tác với đội ngũ giáo sư, nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học, viện uy tín trên thế giới...

Thiếu tướng, GS, TS TRẦN XUÂN NAM, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.