Sở dĩ lục bát được ưa chuộng trong dòng thơ viết về thương binh, liệt sĩ ngoài những lý do về “chuyên môn” như đậm chất trữ tình và giàu nhạc điệu rất thích hợp để giãi bày tâm tư, tình cảm của người viết, theo tôi còn có một nguyên nhân sâu xa khác. Lục bát là một trong những thể thơ truyền thống của dân tộc.
Thiết nghĩ, trong thơ ca, việc sử dụng một thể thơ của người Việt, do người Việt sáng tạo nên để viết về những liệt sĩ, thương binh chính là sự tri ân trọn vẹn nhất của các nhà thơ đối với những người đã không tiếc máu xương mình cho Tổ quốc.
 |
Tác phẩm "Đọc báo cho thương binh" của tác giả Trần Hữu Tê. |
Xót thương và ngợi ca là hai cảm hứng chủ đạo trong thơ lục bát viết về đề tài thương binh, liệt sĩ. Ở cảm hứng xót thương, nổi bật lên hình ảnh ngôi mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Những vần thơ lục bát đã theo các nhà thơ đi dọc chiều dài đất nước, theo từng bước quân hành, đến với nghĩa trang Trường Sơn: “Chắp tay cầu với hư vinh/ Trường Sơn thành nghĩa trang xanh bạn nằm” (Thai Sắc-Về thăm bạn ở Trường Sơn), đến với những ngôi mộ nằm nơi đất khách quê người: “Cánh đồng Chum phía ngàn lau/ Mối đùn mộ bạn xây màu cỏ cây” (Nguyễn Công Bình-Dấu gậy Trường Sơn), với những “mộ gió” giữa biển: “Ngã vào biển những chiến binh/ Sóng vun thành mộ lặng thinh bao đời” (Nguyễn Hữu Quý-Lính biển). Ngôi mộ trong văn hóa người Việt thuộc về cõi âm, mang nhiều ý nghĩa tâm linh, tượng trưng cho sự chia cắt giữa người sống và người đã mất. Sự xuất hiện với tần suất dày đặc của hình ảnh ngôi mộ vì vậy gợi nên bao xót thương, đau đớn, mất mát của dân tộc trước sự ra đi vì nước, vì dân của những liệt sĩ.
Bên cạnh hình ảnh ngôi mộ, nghĩa trang, sự cảm động, xót thương còn được biểu hiện qua những vần lục bát khắc họa bao tổn thương về thể xác và tinh thần của người thương binh. Nhiều người lính đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường: “Áo đạn xé, người đâu lành/ Trường Sơn một cánh tay anh gửi rừng” (Hồ Anh Tuấn-Ra sông giặt áo cho chồng), hay phải chịu những vết thương “cứ trở mình lại đau nhức nhối” làm đau lòng bao người chứng kiến: “Cậu Thao nửa tỉnh nửa điên/ Lúc thì hò hét, lúc nghiêng ngả cười” (Ninh Đức Hậu-Cậu Thao).
Ở một hướng tiếp cận khác, nhiều nhà thơ tập trung khắc họa những nỗi đau da cam đối với những thương binh, trong đó nhấn mạnh đến nỗi đau của họ khi chứng kiến con mình phải hứng chịu các di chứng da cam nghiệt ngã. Lệ Bình đã nói lên cái ngậm ngùi, nghẹn ngào không biết tỏ cùng ai của vợ chồng người thương binh khi biết con mình nhiễm chất độc da cam: “Bão giông thương phận cánh chuồn/ Đừng làm thức dậy nỗi buồn da cam/... Trở về từ chiến trường xa/ Ước mơ người lính làm cha chòng chành” (Lục bát ru trăng). Trong “Ru cát”, Nguyễn Trường Thọ đã kể một câu chuyện buồn về gia đình người lính nhiễm chất độc da cam. Mười hai lần sinh nở là mười hai lần vợ chồng người lính từ hy vọng đến thất vọng, từ niềm vui chuyển qua nỗi đau. Mười hai giọt máu của họ đã không thể cất tiếng khóc chào đời, đành nằm lại bên cồn cát trắng chơ vơ: “Một nấm cát, một cục đau/ Mười hai nấm cát đẫm màu khói nhang”.
Ở cảm hứng ngợi ca, các nhà thơ đi vào hai chủ đề chính. Trước hết, đó là khắc họa vẻ đẹp của những thương binh, liệt sĩ. Đó là vẻ đẹp ngoại hình: “Ngực chị trắng mướt cánh cò/ Môi em chín mọng một bờ sông trôi” (Mai Anh Tuấn-Miền vô danh), là vẻ đẹp trong chiến đấu: “Hy sinh chẳng chút ngại ngần/ Tuổi xanh đổi lấy ngày xuân khải hoàn” (Đàm Chu Văn-Giấc rừng). Bên cạnh đó là bất tử hóa sự hy sinh của các chiến sĩ. Để làm được điều đó, các nhà thơ sử dụng một “công thức chung”: Kết hợp giữa 4 lớp từ vựng. Thứ nhất là các từ, cụm từ chỉ thời gian ở thời tương lai như mai sau, ngàn năm...“Trắng ngần da thịt dòng La/ Ngàn năm vẫn hát câu ca ru người” (Trần Vũ Long-Đồng Lộc).
Thứ hai là những từ, cụm từ chỉ thiên nhiên như mây, trời, sông, hoa... “Khát bàn tay khẽ nhẹ êm/ Bồng bềnh mây khỏa trắng thêm màu trời” (Vũ Quang Tần-Ở ngã ba Đồng Lộc). Thứ ba là những từ, cụm từ mang tính đối lập tương phản hay tương hỗ có tác dụng tạo thành một vòng tròn tuần hoàn khép kín như “vuông tròn”, “hư thực”: “Vững bền hơn dãy Trường Sơn/ Những người lính hóa vuông tròn mai sau” (Nguyễn Thiên Sơn-Trưa ở nghĩa trang Trường Sơn). Thứ tư là những từ, cụm từ chỉ sự biến chuyển, thay đổi trạng thái như “hóa”, “thành”, “biến”: “Vô danh! Đâu phải không còn/ Tuổi tên quê quán... hóa hồn núi sông” (Ninh Đức Hậu-Xóm mộ liệt sĩ vô danh). Với sự kết hợp của 4 lớp từ vựng này, những liệt sĩ trong các vần lục bát đã hóa thành những tượng đài bất tử trong lòng đất nước, được nhân dân đời đời tưởng nhớ, tôn thờ: “Mời hồn lính trẻ về đây/ Mái nhà thanh đạm sum vầy khói hương” (Lê Đình Cánh-Đền thờ người lính).
Có thể nói, những vần lục bát về đề tài thương binh, liệt sĩ là tấm lòng biết ơn, là sự tri ân sâu sắc của các nhà thơ nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung gửi đến những người lính đã hy sinh máu xương mình cho Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, trường tồn.
Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM