Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956, tại Sơn Ninh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông từng là chiến sĩ Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, sau đó chuyển sang làm báo, viết văn. Ông có nhiều năm công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội trước khi nghỉ hưu, là người anh, người bạn, người đồng đội, đồng nghiệp thân thiết của nhiều thế hệ nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội.

Những năm tháng lăn lộn trên chiến trường, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu chính là chất liệu thực tế sống động, giúp ông thể hiện thành công nhiều cuốn tiểu thuyết như “Biên giới”, “Bên rừng thốt nốt”, “Người đàn bà khóc mướn”, “Đất không đổi màu”... và các tập truyện ngắn: “Người đàn bà hồn nhiên”, “Đêm trừ tịch”, “Trong tiết thanh minh”, “Người đến từ nước Mỹ”, “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”, “Dòng sông bên chùa”...

Trong ký ức của bạn bè, đồng nghiệp, ông là một nhà văn tài năng, tâm huyết, say mê với đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, người chiến sĩ hôm nay và thân phận những con người nghèo khổ. Bất cứ câu chuyện, hoàn cảnh điển hình nào từ đời thường mà ông quan sát được đều có thể trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học.

leftcenterrightdel
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phát biểu.
leftcenterrightdel
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ cảm xúc.

Tháng 8-2021, nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời vì đại dịch Covid-19 sau những nỗ lực cứu chữa tận tình nhưng bất thành của các y, bác sĩ tại bệnh viện Quân y 175. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều nỗi tiếc thương, bàng hoàng, đau xót trong lòng gia đình, bạn bè và đồng chí, đồng nghiệp.

Tháng 5-2023, Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tác phẩm “Đất không đổi màu”. Trước đó, ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng văn học có giá trị của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Văn học sông Mê Kông và các cuộc thi sáng tác văn học của nhiều tờ báo, tạp chí uy tín trong cả nước.

leftcenterrightdel
Gia đình đón nhận bức chân dung nhà văn Nguyễn Quốc Trung do nhà văn Huỳnh Dũng Nhân vẽ tặng.

 

leftcenterrightdel
 Nhà văn Lê Quang Trang, một người bạn thân thiết của nhà văn Nguyễn Quốc Trung.
leftcenterrightdel
 Nhà văn Đào Văn Sử xúc động kể về những ngày tháng cuối đời của nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

 

leftcenterrightdel
 Nhà báo Phan Tùng Sơn cho biết, nhà văn Nguyễn Quốc Trung còn là một cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội nhân dân.

 

leftcenterrightdel
 Nhà văn Lại Văn Long xúc động kể về những kỷ niệm sâu sắc với nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

 

leftcenterrightdel
 Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đánh giá cao tài năng của nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

 

leftcenterrightdel
Nhà văn Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ những tình cảm sâu sắc với nhà văn Nguyễn Quốc Trung. 

 

leftcenterrightdel
 Em trai nhà văn Nguyễn Quốc Trung xúc động trước những tình cảm của mọi người dành cho anh trai mình.

 

leftcenterrightdel
 Con gái lớn của nhà văn Nguyễn Quốc Trung thay mặt gia đình cảm ơn Ban tổ chức chương trình và các đại biểu.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh xúc động bày tỏ: Không chỉ thấu hiểu về người chiến sĩ trên chiến trận và người nông thôn, Nguyễn Quốc Trung còn có óc quan sát tinh tế và kiến giải sâu sắc về người thành thị trong cuộc chuyển đổi kinh tế thị trường. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Trung, giữa cái xấu và cái ác đan cài như muốn đè bẹp nhân tính, độc giả vẫn thấy sự kiên trì, hiện diện của cái thiện, chất nhân văn ở mỗi nhân vật, ở từng hoàn cảnh.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhớ về người anh, người đồng nghiệp là người sống lặng lẽ, khiêm nhường, chừng mực nhưng cũng rất quyết liệt. Mọi người quý trọng Nguyễn Quốc Trung vì cách sống chân tình, chất phác, hiền và lành. Người xưa có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Tiếng thơm mà nhà văn Nguyễn Quốc Trung để lại cho đời chính là các tác phẩm sâu lắng, chứa đựng những câu chuyện thời cuộc đầy ý nghĩa.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Chương trình còn có những chia sẻ xúc động của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như: Đào Văn Sử, Nguyễn Minh Ngọc, Lê Quang Trang, Đàm Chu Văn, Phan Tùng Sơn, Trần Mai Hường, Lại Văn Long, Nguyễn Thanh Tâm… cùng tâm sự của người em trai và con gái lớn của nhà văn. Những ký ức sâu lắng ấy giúp đồng nghiệp và công chúng hiểu rõ hơn về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quốc Trung thông qua những góc nhìn cận cảnh, những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên.

Tại tọa đàm, đồng nghiệp, bạn bè cũng được xem bộ sưu tập hình ảnh về nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Đó là những hình ảnh tư liệu quý được cung cấp bởi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và được nhà thơ Nguyên Hùng thiết kế, dàn dựng thành một đoạn video ý nghĩa, thể hiện tình yêu thương, niềm tiếc nhớ sâu sắc đối với Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

Bài và ảnh: THIÊN THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.