“Con có khóc mẹ mới cho bú”-ấy là nhu cầu, là cách thể hiện của người xin và cách nhận biết, đáp lại của người cho. Ấy vậy nhưng nghe tiếng con khóc thì người mẹ nựng: "Mẹ xin! Mẹ xin!". Trước đứa con bé bỏng dứt ruột đẻ ra thì vậy, mà trong ứng xử xã hội cũng vậy. Người ăn xin, ăn mày ngửa tay: "Xin ông đi qua, xin bà đi lại làm ơn bớt chút lòng lành ban phúc cho kẻ nghèo khó". Nhận được sự bố thí, người ăn xin đáp lễ bằng hành động cúi đầu kèm lời: “Xin cảm ơn ông (bà, anh, chị, cháu)”. Đã dâng lời “cảm ơn” lại còn phải có chữ “xin” trước hết. Không phải chỉ là lời nói và động tác của người ăn xin mà trước hay sau mọi sự xin và cho (đưa tặng, tiếp nhận) dân ta đều thường dùng chữ “xin”-“xin bác nhận cho”, “xin cảm ơn bác”. Mới thấy các cụ truyền lại cho con cháu sự khiêm nhường, nhã nhặn và tử tế đến thế nào. “Của cho không bằng cách cho” là vậy.
Thế nên cũng là lề thói đúng mực khi viết “Đơn xin việc làm”, "Đơn xin học”… hay cả nói và viết “xin được đóng góp”, “xin được nhận lại”, “xin gia nhập”… Muốn làm việc gì kể cả là dâng hiến cũng cứ phải kèm chữ “xin”. Chẳng phải là tự hạ mình, chẳng phải hèn đớn, dân Việt mình cư xử lễ phép với nhau như vậy.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày càng nhiều hoạt động giao tiếp quan hệ, khổ nỗi nhiều người chẳng hiểu thứ lễ phép khiêm nhường ấy. Trước những lời, những đơn thư xin gì đó, họ đều đồng nhất cho là “xin xỏ”, “cầu xin”, cậy nhờ và tự cho mình quyền “cho”, ban phát. Người đến chốn công sở xin giấy chứng nhận, xin sao chép hồ sơ, xin giải đáp thắc mắc, giải quyết việc nọ việc kia là chuyện bình thường, là nhu cầu chính đáng và trách nhiệm của người thay mặt công quyền là phải giải quyết, phải đáp ứng. Đằng thẳng pháp quyền, nghĩa vụ là vậy, song dẫu gì thì người đi “xin” cũng ở thế yếu và với nhiều người còn là sự tự ti trước cửa công quyền. Đó là kẽ hở lớn cho tệ tham nhũng vặt, nạn phong bì nếu đạo đức công vụ không nghiêm. Rộng ra và lớn hơn, khi cơ chế “xin-cho” còn tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, khi xét duyệt mọi dự án, chương trình không công khai, minh bạch thì cứ còn người đưa hối lộ và người nhận hối lộ, cứ còn người cậy quyền cậy thế tác yêu tác quái.
Nhưng không thể gạt bỏ chữ “xin” ra khỏi truyền thống văn hóa. Điều chúng ta cần và phải làm là luôn hâm nóng trái tim đồng cảm, sẻ chia của những công bộc phục vụ nhân dân và nắm chắc "thanh gươm" pháp luật trước những hành động, thủ đoạn cả xin và cho phi pháp.
SA MUỘN