Dành thời gian “thưởng thức” nội dung cuốn sách, người đọc thêm thấm thía lời nhận xét của họa sĩ Trần Văn Cẩn về cuộc đời và nghệ thuật của danh họa Nguyễn Phan Chánh: “Không khác nào “hương thơm của đất cày”, hương của đất đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của con người, hương ấy không bao giờ phôi phai, luôn thường trực, lan tỏa và thấm đượm hồn người Việt Nam...”.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984), bút hiệu Hồng Nam, quê ở xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà (nay là TP Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1925, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội và là một trong 10 thí sinh được tuyển chọn chính thức. Tại đây, chính Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương là họa sĩ Vích-to Ta-đi-ê đã khuyến khích Nguyễn Phan Chánh sáng tác tranh lụa. Ông là người duy nhất của khóa đầu tiên này chuyên về tranh lụa cho đến tận cuối đời và hình thành một phong cách riêng, độc đáo. Những tác phẩm đầu tay như: “Chơi ô ăn quan”, “Em bé cho chim ăn”, “Rửa rau cầu ao”, “Lên đồng”... xuất hiện một cách đặc sắc tại cuộc Triển lãm đấu xảo năm 1931 tại Pa-ri (Pháp) khi Nguyễn Phan Chánh đang ở tuổi 39 đã ngay lập tức đưa tên tuổi ông trở thành “tiên chỉ” của nghề vẽ lụa, của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách “Nguyễn Phan Chánh-Nhật ký những bức tranh”. 
Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với hơn 170 tác phẩm. Và hầu hết ông đều có những kiến giải về bối cảnh, cảm xúc, nhân vật, bố cục, màu sắc... của những đứa con tinh thần này. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử đất nước cũng như do thời gian, những ghi chép của ông bị thất lạc không ít.

Với sự trân trọng dành cho người cha kính yêu cũng như lòng say mê với môn nghệ thuật mà cha mình cả đời theo đuổi, nhà văn Nguyệt Tú dù đã ở tuổi ngoài 90, từ hàng chục năm nay đã cất công lưu giữ, tìm kiếm, sưu tầm những ghi chép, cảm xúc về mỗi bức tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Cuốn sách “Nguyễn Phan Chánh-Nhật ký những bức tranh” là tập hợp những ghi chép của chính danh họa về các bức tranh của mình và được nhà văn Nguyệt Tú biên soạn một cách công phu. Đọc sách, người xem hiểu hơn về quá trình sáng tạo, sự ra đời của các tác phẩm hội họa của Nguyễn Phan Chánh. Cùng với đó, cuốn sách còn tập hợp giới thiệu những tác phẩm tranh lụa, những bài thơ ít được phổ biến của danh họa, người được mệnh danh là bậc thầy nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Cuốn sách do NXB Kim Đồng phát hành và chỉ trong thời gian ngắn, cuốn sách đã nhận được sự đón nhận của đông đảo bạn đọc ở nhiều lứa tuổi, nhất là những người yêu nghệ thuật tranh lụa.

Bài và ảnh: BÍCH TRANG