Vẻ đẹp của nghệ thuật chuyển động được tôn vinh
Phóng viên (PV): Lần đầu tiên Tuần lễ múa Việt Nam 2023 được tổ chức, hội tụ đông đảo các tài năng nghệ thuật múa chuyên nghiệp lẫn không chuyên, ở mọi độ tuổi. Ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn của nghệ thuật múa cũng như sự phát triển của loại hình này trong đời sống hiện nay?
NSND Hà Thế Dũng: Tuần lễ múa Việt Nam 2023 là bước tiến mới trên hành trình lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghệ thuật múa vào đời sống, góp phần xây dựng hệ giá trị cộng đồng xã hội, tạo ra chương trình, sân chơi hấp dẫn cho nghệ thuật nhảy, múa Việt Nam.
Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng của gần 500 thí sinh, trong đó có các nghệ sĩ quốc tế đến từ nhiều quốc gia, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ... Đặc biệt, sự kiện đã mở rộng đến các đối tượng là các nhà nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình tham gia. Các nghệ sĩ bằng niềm đam mê, khát khao sáng tạo đã cống hiến gần 140 tiết mục múa đặc sắc, mang đến cho người xem những cảm nhận tinh tế, hấp dẫn, ly kỳ và vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật múa. Đây là sự kiện khởi động cho nhiều hoạt động thiết thực, với mong muốn hồi sinh những giá trị văn hóa và nghệ thuật đích thực đang dần mai một trong nhịp sống hối hả của thời cuộc. Đây cũng là cơ hội để công chúng cả nước tiếp cận và nhận dạng muôn sắc thái của các hình thức sáng tạo nghệ thuật múa với nhiều thể loại khác nhau; phong phú về tính chất, đổi mới về nội dung, tìm tòi và khai thác vốn múa truyền thống của dân tộc, nhằm tôn vinh nghệ thuật múa trong bối cảnh phát triển chung đa chiều và toàn cầu hóa.
PV: Tuần lễ múa Việt Nam 2023 có được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam định hướng sẽ trở thành điểm hẹn nghệ thuật thường niên không, thưa ông?
NSND Hà Thế Dũng: Sự kiện đã đạt được mục tiêu của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhiệm kỳ VII, đó là tập hợp lực lượng, kiểm đếm lực lượng chuyên nghiệp, không chuyên và cả đội ngũ phong trào. Nhưng cần thiết hơn là những cuộc như thế này phải tăng lên để làm sao tạo nên những sân chơi hấp dẫn, chuyên nghiệp nhằm thu hút, kết nối tài năng cho nghệ thuật múa. Rõ ràng từ những sự kiện như thế này đã thấy các nghệ sĩ múa, tài năng múa rất mong muốn được tham gia, sáng tạo, thể hiện.
Chúng tôi đặt kỳ vọng sau thành công của lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ múa Việt Nam 2023 sẽ định hình điểm hẹn nghệ thuật tổ chức thường niên, để làm sao giới làm nghề hằng năm, mỗi dịp mùa thu lại háo hức tập luyện, dàn dựng, sáng tạo, thăng hoa trong nghệ thuật chuyển động của cơ thể. Để được như vậy, họ sẽ phải chuẩn bị tinh thần khởi động khá sớm, khá kỹ càng trước đó, tạo nên không khí làm nghệ thuật sôi động, chuyên nghiệp như nhiều loại hình nghệ thuật khác đã và đang làm rất thành công, như điện ảnh mỗi dịp tháng ba chào đón Cánh diều Vàng; sân khấu mỗi dịp tháng tám (âm lịch) có lễ giỗ Tổ nghề với hàng loạt hoạt động, cuộc thi...
Xây dựng hệ sinh thái cho múa
PV: Ở hầu hết các chương trình nghệ thuật, nhất là các cuộc thi, liên hoan ca múa nhạc, dễ nhìn thấy nghệ thuật múa có vị trí quan trọng và phổ biến, khi làm nền cho tiết mục biểu diễn của ca sĩ, khi là màn biểu diễn hoành tráng, hay tiết mục múa độc lập... Tuy nhiên, dường như “tiếng nói” của múa vẫn còn khá yếu ớt?
NSND Hà Thế Dũng: Đây chính là điều mà những người làm nghề như chúng tôi luôn trăn trở. Bất cứ chương trình nghệ thuật nào, múa cũng có vai trò, không chỉ trên sân khấu ca múa nhạc mà ngay ở các sân khấu, vở diễn, múa vẫn thể hiện màu sắc của mình, nhưng múa vẫn chỉ được coi là phụ họa.
 |
Tuần lễ múa Việt Nam 2023 tạo sức lan tỏa và thu hút đội ngũ tài năng múa trên mọi miền đất nước tham gia. Ảnh: CHÂU XUYÊN
|
Vì sao “tiếng nói” của nghệ thuật múa vẫn yếu ớt? Tôi cho rằng có nhiều vấn đề, từ quản lý của nghệ thuật múa, cụ thể là tại các đơn vị nghệ thuật hiện nay đang hoạt động nhiều mô hình, nơi tách, nơi sáp nhập, diễn viên phải đóng nhiều “vai” do chính sách tinh giản biên chế.
Tài năng múa chúng ta có, tính chuyên biệt nghệ thuật có, hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, bài bản... Có những giai đoạn, nghệ thuật múa được coi trọng khi có những tài năng nghệ sĩ, gương mặt tạo dấu ấn đậm nét và thể hiện nhiều phong cách. Còn ngày nay, vị thế của nghệ thuật múa lại chưa xứng tầm. Như thế có nghĩa nhìn vào tương lai, nếu múa không xốc lại đội ngũ, khơi gợi nét mới thì vô hình trung sẽ bị thui chột; lứa trẻ ngày nay đang nhiều ảo tưởng làm được một chút thôi, kết hợp pha trộn phong cách và được cổ vũ một chút đã tưởng mình tài năng.
PV: Vâng, như nghệ sĩ đề cập vấn đề kết hợp, pha trộn phong cách. Dễ nhận thấy trong các cuộc thi, liên hoan, phong cách múa dân gian dân tộc vẫn luôn được coi là dòng chủ lưu và được nhiều nghệ sĩ tìm tòi, khám phá, sáng tạo. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng sự sáng tạo này đang mang nhiều màu sắc vay mượn, lai căng, pha tạp...?
NSND Hà Thế Dũng: Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia có nền nghệ thuật múa phát triển đều dựa vào tính dân gian dân tộc. Rõ ràng trong các cuộc giao lưu văn hóa quốc tế đến Việt Nam, các quốc gia đều mang những tiết mục múa dân gian dân tộc đặc trưng của họ đến trình diễn. Cụ thể như tại Tuần lễ múa Việt Nam 2023, các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore... đều mang những điệu múa đặc trưng đến để khoe sắc. Chính vì thế mà ngay trong sự kiện, Ban tổ chức đã tổ chức nội dung quan trọng là cuộc thi tác phẩm múa dân gian dân tộc.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại cuộc thi, nhiều biên đạo bị sa vào mục đích bộc lộ tài năng, kỹ thuật diễn viên mà thiếu đi chiều sâu và tư duy nghệ thuật biên đạo trong phần biểu hiện nội dung, ý nghĩa nghệ thuật bao quát của tác phẩm. Vô hình trung chúng ta mới nhìn thấy các nhà biên đạo chứ chưa thấy nghệ thuật biên đạo-điều cốt lõi và làm nên màu sắc riêng có của nghệ thuật múa.
Nhiều tác phẩm nghiêng về hiện đại hoặc tỷ lệ ngôn ngữ múa dân gian dân tộc quá ít, không bám vào nội dung màu sắc của từng tộc người được giới thiệu trong tác phẩm, khiến nhiều nhà nghệ thuật cảm thấy muộn phiền. Đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận và lên tiếng cảnh báo về sự lạm dụng vay mượn, lai căng trong các tác phẩm múa. Làm nghệ thuật, sáng tạo là điều cần thiết, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào vay mượn ngôn ngữ, phong cách và sắc phục thì không thể gọi là làm tác phẩm về dân tộc nào, cộng đồng nào cả.
Gần 20 năm qua, chúng tôi nỗ lực quy hoạch chương trình, kế hoạch đào tạo, bộ khung chương trình giảng dạy múa dân gian dân tộc khá phong phú và các chương trình tốt nghiệp cũng khá nổi trội. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là ở chỗ, có rất nhiều cuộc thi đã và đang diễn ra, nhưng múa dân gian dân tộc chưa thực sự bứt phá; hoặc nếu có thì cũng rất ít và đều mang yếu tố đương đại. Do đó, ở các cuộc thi, nhiều tác phẩm nhưng chưa thực sự có giải thưởng cao, tròn trịa.
Đây cũng chính là vấn đề khiến Ban tổ chức là Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận và bàn thảo để tìm phương hướng thúc đẩy, nhằm phát triển mảng sáng tác múa dân gian dân tộc trong những năm tới. Múa cần thiết phải có những tham vấn, hành động đích thực và cụ thể chứ không phải chỉ nói nọ kia. Như vậy mới mong xây dựng được hệ sinh thái mang đầy đủ màu sắc, phong cách cho nghệ thuật múa phát triển trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.