Đây có phải là điều bất thường khi mà không ít người nhận định Việt Nam là “cường quốc” thơ ca? Nhân dịp Ngày thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái, Phó chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam về thơ ca Việt Nam đương đại.
 |
Nhà thơ Trần Anh Thái. |
Phóng viên (PV): Một nhận định có sự nhất trí, đồng tình cao: Nước ta là “cường quốc” thơ ca. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Nhà thơ Trần Anh Thái: Vị thế “cường quốc” được hiểu theo phương diện người Việt Nam rất yêu thơ ca, có khát vọng tư duy bằng thơ ca.
Mỗi người Việt Nam sinh ra, từ lúc trẻ thơ đã nghe tiếng à ơi, điệu hát ru êm đềm, giàu vần điệu của bà, của mẹ. Từ ngữ và vần điệu ngấm vào máu, đi vào tiềm thức lúc nào không biết. Người Việt Nam trao đổi, phát âm, có lúc vui vẻ cao hứng bật lên những lời nói rất vần điệu. Tinh thần yêu thơ ca của người Việt Nam thể hiện mong ước vẻ đẹp bình dị, cuộc sống hòa bình, yên ổn.
Thơ ca vốn dĩ hướng thiện, thể hiện khát vọng về cái đẹp của con người. Cho nên người dân ở nhiều quốc gia cũng rất yêu thơ ca. Tôi có dịp sang Séc, người dân nước bạn cũng yêu thơ như người Việt Nam. Họ coi thơ ca là tư tưởng, là phát ngôn về lẽ sống. Hay như ở Hàn Quốc, người dân cũng rất thích thơ ca, tôn trọng những người làm thơ. Có lần tôi tham quan đảo Jeju, phiên dịch giới thiệu tôi là nhà thơ, chủ khách sạn đặc biệt niềm nở, giảm giá dịch vụ.
Còn xét về khía cạnh chuyên môn, “bếp núc” thì khó có thể nhận định nền thơ ca Việt Nam là “cường quốc” được. Bằng chứng là các giải thưởng danh giá như giải thưởng Nobel Văn học thì chưa nhà thơ nào nước ta giành được. Các khuynh hướng, trường phái thơ ca có ảnh hưởng trên thế giới cũng không xuất phát từ nước ta.
Tóm lại, tôi nghĩ nhận định Việt Nam là “cường quốc” thơ ca là chính xác nhưng nên hiểu theo nghĩa là tình yêu thơ ca; thể hiện nước ta là đất nước rất yêu, rất quý trọng văn hóa, văn chương, nghệ thuật.
PV: Nếu nền thơ ca nước ta không phải là “cường quốc” xét theo nghĩa chuyên môn, tầm ảnh hưởng như nhà thơ vừa nhắc đến, vậy thành tựu thơ ca Việt Nam cần được đánh giá như thế nào, thưa ông?
 |
Công chúng tham quan triển lãm về các nhà thơ tiêu biểu trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2018 tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).Ảnh: VÂN HÀ |
Nhà thơ Trần Anh Thái: Tiến trình phát triển mỗi dân tộc khác nhau, tạo ra các nền văn hóa khác nhau. Vẻ đẹp văn hóa thì không có hơn kém, chỉ có khác biệt mà thôi. Thơ ca cũng tương tự như vậy. Cho nên không nên đánh giá thơ ca Việt Nam hơn hay kém các nước trên thế giới. Mỗi quốc gia, dân tộc nếu có những sáng tạo làm giàu có thơ ca nhân loại đều có quyền tự hào. Đã là tinh hoa thì không phân định đẳng cấp, dân tộc...
Nếu xét về khía cạnh lập thuyết, sáng tạo lý thuyết thơ ca tạo ảnh hưởng toàn cầu thì rõ ràng không phải điểm mạnh của nền thơ ca nước ta.
PV: Chưa bao giờ như bây giờ, ở nước ta lại cùng tồn tại nhiều thể loại, khuynh hướng thơ ca đến vậy. Điều này có tác động đến sự phát triển của thơ ca Việt Nam như thế nào?
Nhà thơ Trần Anh Thái: Việc nhiều thể loại, nhiều khuynh hướng cùng tồn tại là điều tốt đẹp, điều may mắn cho thơ ca. Nó thể hiện tinh thần dân chủ trong sáng tạo, khuyến khích đa dạng về biểu đạt. Có diện rộng mới mong kết tinh đỉnh cao.
Con đường sáng tác thơ ca rất cực nhọc, công phu, trong khi kết quả có thể đạt được lại rất mù mờ, không thể dự báo. Có cây bút xuất hiện đầy triển vọng, phát triển được ít năm rồi “mất tích”. Trở thành một nhà thơ rồi để lại thành tựu cho đời thì cần thời gian kiểm nghiệm. Tôi rất thích ý kiến của một nhà phê bình cho rằng: Hàng triệu người yêu thơ, nhưng chỉ có hàng vạn người thuộc thơ, trong đó lại chỉ vài trăm người làm được thơ. Trong hàng trăm người làm được thơ, chỉ có tầm chục người lưu danh hậu thế. Sự phát triển thơ ca phải được kết tinh qua tên tuổi các tài năng với tác phẩm hay mà người người còn đọc mãi.
PV: Trong đội ngũ các nhà thơ trẻ hiện nay, liệu chúng ta có thể hy vọng về những tài năng sẽ có bước tiến vượt bậc trong tương lai không?
Nhà thơ Trần Anh Thái: Nếu theo quy ước của Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra là nhà văn trẻ dưới 35 tuổi, tôi thấy đội ngũ cây bút khá đông đảo. Nếu các bạn trẻ dấn thân, quyết liệt, hết mình với thơ ca thì sẽ đạt được thành tựu nhất định. Tôi hy vọng các bạn trẻ làm thơ bằng tình yêu thơ ca thuần túy, phi vụ lợi; nếu làm thơ để nổi danh, để tiến thân tôi e khó viết được tác phẩm hay.
PV: Người trẻ bao giờ cũng thích cái mới, thích thể nghiệm. Đọc một số tác phẩm của các cây bút trẻ, ông có nhận xét thế nào?
Nhà thơ Trần Anh Thái: Tôi thấy các bạn trẻ hiện đang làm thơ theo hai khuynh hướng. Thứ nhất, vẫn đi theo khuynh hướng truyền thống, chăm chút vần điệu, lấy cảm xúc là trung tâm. Thứ hai là khuynh hướng cách tân đổi mới, không quá quan tâm đến vần điệu, tập trung đến ý, ngôn ngữ, những vấn đề thuộc phạm trù hình thức.
Đa số các nhà thơ trẻ thích tìm tòi đổi mới. Họ đi vào thẳng các vấn đề đời sống xã hội cũng như cá nhân, không hề úp mở, cốt nói rõ thông điệp. Cảm giác đọc không tránh khỏi khó đọc, khó nhớ, khó thuộc. Thường thơ cách tân không chú ý đến vần điệu nhưng rất quan tâm đến nhịp điệu. Có thể một số khuynh hướng cách tân hơi xa lạ với đông đảo công chúng nhưng cần trân trọng, cần khuyến khích. Cũng có một số cách thức làm thơ cực đoan, sa vào hình thức thái quá. Dường như họ quên mất từ tính hiện đại đến thơ hay là cả một vực thẳm không dễ để vượt qua.
Bản thân thơ hay có những mẫu số chung! Cá nhân tôi cho rằng thơ hay phải có hình ảnh đẹp, sự tưởng tượng phong phú, chiều sâu thăm thẳm nội tâm, chứa đựng nhiều suy tư, nghĩ ngợi. Nó khiến người đọc phải đọc đi đọc lại, có khi đọc lại nhiều lần mới thích bởi tính ẩn dụ, tượng trưng trong đó.
Thơ hay phải có tính nhân loại, phản ánh tâm hồn con người. Đòi hỏi nhà thơ phải có trải nghiệm, tri thức, phải đằm mình vào cuộc sống, sáng tạo bằng tinh huyết của mình. Tất nhiên thơ hay phải có vẻ đẹp ngôn từ nữa.
PV: Những năm qua, nhiều giải thưởng văn học để trống hạng mục thơ, mới nhất là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Ông giải thích về điều này như thế nào?
Nhà thơ Trần Anh Thái: Cần lưu ý các giải thưởng văn học Trung ương hay địa phương là giải thưởng trao hằng năm. Mỗi năm có rất nhiều tập thơ xuất bản nhưng nổi trội chất lượng không có nhiều, chưa đạt được các tiêu chí của hội đồng xét chọn đưa ra.
Cả đời người viết có khi chỉ được một câu thơ, một bài thơ hay. Thực tế chứng minh, hàng trăm năm mới xuất hiện một thiên tài thơ ca. Thế nên, 2-3 năm không có tập thơ nổi trội để trao giải cũng là bình thường. Có ý kiến cho rằng thơ "mất mùa" nhưng những người am hiểu về thơ ca lại cho đó là nhận xét... buồn cười. Chúng ta không nên lo lắng, sốt ruột; thay vào đó nên vui mừng vì người Việt Nam luôn yêu quý thơ ca, thích làm thơ và thích đọc thơ ở thời buổi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ!
TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)