Trước đây, Osas chưa bao giờ tự lái xe đi một quãng đường dài đến vậy. Thế nhưng với Osas thì chuyện này chẳng có gì đáng phải phàn nàn cả. Anh đang ngồi sau tay lái chiếc xe của anh. Trên xe còn có cả hộ chiếu mang tên anh. Mẹ sẽ rất tự hào! Trước đây, anh đã tới Legos mang theo những lời chúc phúc của mẹ, mấy tờ bạc một nghìn nai-ra nhàu nát đã đôi chút ngả màu sau chuyến đi xa, và chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo, vài chiếc trong số đó đã trở nên quá chật. Giờ thì mọi thứ đã khác, cuộc sống đã khấm khá hơn với Osas rất nhiều.
Lagos đã đối xử khá tàn nhẫn với Osas những ngày đầu anh mới tới. Thành phố lớn nhất Ni-giê-ri-a này đã đổ xuống đầu anh biết bao rủi ro, bất hạnh với tất cả sự chối bỏ của nó. Đêm đầu tiên ở Lagos, Osas ngủ dưới gầm một cây cầu nào đó. Đêm đó, Osas không sao chợp mắt được trong tiếng vo ve râm ran của đàn muỗi và cái mùi hôi hôi, khai khai của cần sa và nước tiểu. Sáng hôm sau, số tiền giấu trong chiếc tất dưới đáy ba lô đã không cánh mà bay. Chiếc tất trống không! Vậy đấy, biết bao nhiêu nước đã chảy qua dưới chân cầu từ cái hôm đầu tiên không ngủ đó! Khi đó, hằng ngày Osas lang thang trên những con phố của Lagos mong tìm được một công việc phù hợp với năng lực có hạn của mình. Đêm xuống, Osas lại đi rửa xe thuê. Osas sẽ chẳng bao giờ quên những chiếc xe buýt Danfo màu vàng cáu bẩn và cả cái biển số chiếc xe đầu tiên mình rửa: AG904IKJ. Tài xế là người Yoruba, thân hình lực lưỡng, hai nách rậm rì nhưng đầu chỉ lơ phơ vài sợi tóc, lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu gin. Những tờ nai-ra anh ta trả Osas xấu xí và cũ kỹ đến độ đã nhạt cả màu.
Ở Lagos có một điều an ủi là anh chẳng bao giờ thiếu chỗ nghỉ. Nếu có thứ gì Lagos luôn sẵn có thì đó chính là những cây cầu. Những cây cầu cứ nhú lên từ mặt đất như những chiếc nhọt đã chín và mỗi đêm Osas lại tìm tới ngủ ở dưới gầm một chiếc cầu khác nhau. Tiếng lốp nghiến lên mặt cầu, tiếng còi chói tai ngay trên đầu khiến anh chẳng bao giờ có được giấc ngủ trọn vẹn. Sang tuần thứ hai ở Lagos, tiền bắt đầu cạn. Osas quyết định cắt bánh mì và đồ uống khỏi danh mục bữa sáng. Bánh bô-li, mấy loại hạt sống và hai túi nước đổ vào dạ dày lúc 5 giờ sáng là đủ. Cái đói càng làm tăng thêm quyết tâm tìm kiếm việc làm trong Osas, dẫu công việc đó có nặng nhọc, thấp kém đến đâu. Hằng ngày, Osas khởi hành sớm hơn và đi xa hơn. Thế rồi, đôi chân mệt mỏi đã đưa Osas đến với khu chợ ô tô La-đi-pô và anh được nhận vào làm việc tại một cửa hàng buôn bán phụ tùng. Công việc đã giúp Osas tồn tại ở Lagos dẫu phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày. Việc của Osas là phân loại hàng mới, kiểm tra các lô hàng cũ và xem xét sổ sách kế toán vốn đã từng là một mớ hỗn độn kinh hoàng trước khi anh đến. Nhiều năm được nghe mẹ mặc cả giá tiêu, giá cà chua và quần áo cũ ở chợ đã trở nên hữu ích, giúp anh không bị lấn lướt, ép giá bởi những gã khách buôn vốn chỉ sống nhờ vào việc mặc cả cho thật thấp, mua tận gốc, bán tận ngọn. Anh thường làm việc muộn về đêm và buổi sáng sớm. Cửa hàng phụ tùng ở La-đi-pô là nơi đầu tiên ở Lagos có mái che mà Osas được ngủ qua đêm. Viên giám đốc bán hàng, vốn chẳng thích thú gì với công việc kinh doanh hơn món rượu cọ và xúp tiêu, đã ngay lập tức vui vẻ đồng ý với yêu cầu được ngủ lại cửa hàng vào buổi đêm của Osas.
Thoát khỏi những cây cầu ồn ào xe cộ của Lagos, Osas vẫn chưa có được giấc ngủ ngon. Hầu như hằng đêm khi Osas vừa đặt lưng xuống chỗ nằm được ghép lại từ hai tấm bìa cát-tông đặt trên băng ghế thì tiếng nhà truyền giáo nào đó cùng tiếng trống, tiếng lục lạc lại rít lên, như muốn tuyên bố với tất cả bàn dân thiên hạ quanh mình rằng thế giới sắp đến ngày tận diệt. Thứ âm thanh chói lói đó xuyên vút qua cái tĩnh lặng của buổi sớm, khiến cơn buồn ngủ bay biến. Một năm sau, lần đầu tiên sau sáu năm, cái chi nhánh phụ tùng của Công ty Chimezie tại chợ La-đi-pô có một hệ thống sổ sách rõ ràng và thậm chí còn thu được một khoản lợi nhuận nhỏ. Mười hai tháng tiếp theo, Osas được thăng thưởng hai lần và đến cuối năm thứ hai thì anh được chuyển tới làm việc tại trụ sở chính của công ty ở Apapa, hết sức xứng đáng với những nỗ lực Osas bỏ ra. Từ đó, mọi thứ anh chạm tay vào đều bắt đầu biến thành vàng và đem lại rất nhiều lợi nhuận.
Anh huýt sáo bài “Nàng tiên cá” để xua đi sự nhàm chán và để khỏi phải nghĩ tới hai cánh tay đang mỏi nhừ vì lái xe. Xa nhà cũng đã khá lâu và cũng đã tám năm nay anh không gặp mẹ. Ba năm gần đây anh không còn nghe được tin gì từ mẹ. Hỗn loạn khắp nơi và lịch công tác nước ngoài thường xuyên của Osas khiến anh không còn thời gian về thăm nhà và cũng mất liên lạc với mẹ. Hành trình về quê lần này cũng đã trễ hẹn nhiều lần. Lẽ ra chuyến đi đã phải được thực hiện từ Giáng sinh năm trước, nhưng đợt kiểm kho cuối năm và rắc rối nhỏ vào phút chót khiến Osas không thể rời Lagos.
Cuộc đời Osas chẳng khác nào một chuyến phiêu lưu, nhưng anh cũng kịp lưu ký ức về những năm tháng đã qua vào cuốn album bọc da màu trắng đang nằm trên chiếc ghế phụ kia. Osas đã hình thành thói quen chụp ảnh trong mỗi chuyến đi. Những tấm ảnh trong chuyến đi đầu tiên tới nước Anh giúp Osas nhớ tới những khi phải gồng người vô vọng để bắt cho được mấy từ đang bay ra như chớp từ miệng mấy vị khách hàng. Còn đây là những tấm hình chụp trong các chuyến đi tới Nhật Bản, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a và Mỹ. Đến thành phố nào, Osas cũng tìm mua cho được một món quà kỷ niệm để dành tặng mẹ. Ở Anh là một dải đăng-ten, một đôi giày ở Mi-lan, nước hoa Thổ Nhĩ Kỳ, các loại gia vị ở Ấn Độ, khăn trùm đầu ở Ma-rốc... Osas thấy mình chẳng khác nào thủy thủ Xin-bát.
Các phương tiện giao thông chạy chậm dần để chuyển làn vào đường Mission. Không khí Giáng sinh đã ngập tràn khắp nơi. Giai điệu thánh ca đã vang lên rộn ràng. Các bà mẹ cũng đang dắt díu lũ con hối hả đi mua sắm từ hàng này sang hàng khác, chẳng gì ngoài mục đích tìm cho được nơi nào giá tốt. Có cảm giác thời gian như ngừng trôi. Rất lâu sau anh mới chạy hết đường vành đai và nhập vào con đường sẽ chạy thẳng về đến nhà mình. Mé bên kia là đường sân bay. Đang lướt qua cửa kính ô tô là lằn sáng của những ánh đèn mờ ảo, những dãy khách sạn sang trọng, những quán bar ồn ĩ và cả những cái bóng ngả nghiêng của người đi làm xa nhà. Thị trấn Oko, nơi Osas đã dành phần lớn thời gian đời mình ở đó, giờ trông vẻ xa lạ. Những con đường đất đỏ nứt nẻ giờ đã được trải nhựa. Công cuộc hiện đại hóa cuối cùng cũng tìm được đường tới chỗ này và đặt dấu chấm hết cho những khung cảnh làng quê mộc mạc. Đất nông trang đã được thay thế bằng các tòa nhà tinh chế sản phẩm công nghiệp, đem lại nguồn tiền mới cho người dân. Lối dẫn vào con đường về nhà có tấm biển hiệu sặc sỡ chào đón, cho biết sự có mặt của một khách sạn nào đó. Hai bên đường có thể thấy những người đàn ông đang huyên thuyên đủ thứ bằng cái chất giọng khàn khàn, nhừa nhựa của mình bên mấy chiếc bàn lăn lóc vỏ bia. Một người đàn ông dáng vẻ mệt mỏi treo toòng teng mấy nậm rượu cọ dưới ghi-đông xe đạp loạng choạng suýt ngã khi mải nhìn xem ai là người đang ngồi bên trong xe. Trống ngực bỗng đập dồn! Osas đã có thể ngửi thấy mùi của khu nhà mình ở phía trước!
Osas mường tượng ra mẹ đang đón đợi. Anh tự hỏi không biết mẹ sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy mình. Mẹ có rơi nước mắt vì mừng vui không? Hay mẹ sẽ vừa nhảy vừa hát, ngợi ca đấng sáng tạo tít tận cao xanh? Cũng có thể mẹ sẽ nổi giận bởi đã lâu lắm rồi anh chưa về nhà? Osas nhấn còi trước cánh cổng mà lần cuối cùng nhìn thấy nó là khi anh vẫn còn thiếu niên, còn chưa biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Cánh cổng cọt kẹt mở ra. Một thằng bé cỡ khoảng bảy tuổi trong chiếc áo sơ-mi cáu bẩn, thủng lỗ chỗ thò đầu ngó nghiêng. Chắc là con nhà hàng xóm kế bên! Osas vẫn nhớ khi anh đi Lagos thì cô Ehondor đang có bầu. Osas không mấy để tâm đến tình trạng xuống cấp của ngôi nhà bởi anh đã có dự định đưa mẹ tới Lagos ở cùng.
Ánh đèn pha ô tô khiến người phụ nữ đang ngồi trên hè phải đưa tay che mắt. Nheo mắt một lúc, người phụ nữ chợt reo lên: “Osas, Osas về rồi này!”.
Có tiếng chó sủa từ xa vẳng lại. Người phụ nữ ôm chầm lấy anh trong vòng tay ấm áp. Chính là cô Ehondor. Cô rối rít quanh Osas, đưa từng ngón tay lên vuốt ve mái tóc và véo lên hai má anh, miệng xoắn xít những âm thanh tưởng chỉ dành đón chào một đứa trẻ hơn là một chàng trai ba mươi tuổi. Thằng bé trong bộ quần áo cáu bẩn nhìn Osas chằm chằm, không hiểu sao mẹ mình lại quan tâm quá đỗi đến người đàn ông xa lạ kia đến vậy. Cô Ehondor thì liên tục hỏi Lagos trông như thế nào và trách Osas đã không nhớ đến mọi người ở quê. Osas hỏi: “Mẹ cháu có nhà không?”.
Câu hỏi làm cô Ehondor chững lại. Osas hoang mang và bối rối.
“Cô xin lỗi. Có, nhưng mẹ cháu không ở trong nhà. Mẹ cháu... ở phía sau vườn”.
Osas vội vã chạy ra sân sau, nơi có một khu vườn nhỏ mẹ anh vẫn thường chăm bón. Anh lướt nhìn qua cả khu vườn. Cô Ehondor mất trí rồi chăng? Có ai ở đây đâu chứ? Nhưng Osas chợt chững lại khi bắt gặp cây thánh giá làm từ cành cây đẽo vội, cắm trên một ụ đất đỏ lẻ loi giữa vườn. Cảnh tượng trước mắt nhòe đi! Muộn mất rồi! Osas sẽ không bao giờ còn gặp lại mẹ nữa!
Truyện ngắn của Daniel Igiekhumhe (Ni-giê-ri-a)
THANH SƠN (dịch)