Những ngày tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước mắt đoàn Quân giải phóng là hình ảnh hoang tàn trên mọi vùng đất nước. Các thành phố, thị xã, thị trấn, các làng mạc, mọi cây cầu, nhà ga xe lửa cùng từng đoạn đường... tất cả đều đổ nát, nhuốm màu đen xỉn của bom đạn và thời gian. Cả rừng Trường Sơn cũng màu đen bởi những thân cây lớn bị cháy rụi. Trong các vùng địch chiếm đóng là những vòng dây thép gai, bao cát, bê tông đen giăng dày trên các phòng tuyến trận địa địch khắp vòng ngoài, vòng trong... Và im lìm, bóng tối, lạnh lẽo. Chúng tôi vào Huế trong đêm, cả hai trục đường lớn hai bờ sông Hương và Thành nội không một bóng người, không một bóng đèn. Đường Bạch Đằng ven sông Hàn (Đà Nẵng) cũng vậy.

Nhưng chỉ vài ngày sau khi quân ta tiến vào, những tốp người dân di tản lẻ tẻ, nghi ngại, dần trở về. Ngay sau đó là lũ lượt, tấp nập những gia đình chở nhau trên xe lam, xe máy. Giải phóng thật rồi, hòa bình thật rồi! Huế rồi Đà Nẵng bừng lên những gương mặt người, những rừng cờ. Bước qua những đống quân phục và vũ khí lính ngụy vứt bỏ trên đường; nhìn cảnh họ cởi trần hay mặc chiếc áo dân sự, tôi hiểu chính họ cũng đã là người được giải phóng. Kia nữa, kia nữa, những tốp người ở Duy Xuyên, Tam Kỳ, ở Quảng Ngãi, Bình Định... kéo nhau ra đường vẫy chào đoàn xe chúng tôi tiến về phía Nam. Phía sau họ là những khoảng trống mênh mông cỏ mọc um tùm, là những túp lều dựng tạm bằng vài tấm tôn cũ. Đất đã được giải phóng, trở về đúng với đất đá quê hương sau những năm tháng dài bị bỏ hoang, bị giam hãm bởi những ấp chiến lược, khu dồn dân bị cày xới bởi đạn bom, bị nhiễm độc vì chất da cam/dioxin.

Minh họa: MẠNH TIẾN 

 

***

Chiến tranh là máu đổ, là chia ly, tàn phá. Gần mười năm chống thực dân Pháp, rồi hơn hai mươi năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, mấy thế hệ người, thời gian dài, dài lắm. Với nhiều người trong vùng địch, chiến tranh dường như vô tận. Nhưng với tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người dân yêu nước, với hàng triệu chiến sĩ ta ngay trong những năm tháng khốc liệt nhất vẫn luôn vững tin sẽ đến ngày giành thắng lợi cuối cùng. Niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt lên mọi gian khổ, hy sinh đã nhân lên sức mạnh vô biên của chiến tranh nhân dân để giành được từng chiến thắng lớn, nhỏ trong suốt cuộc trường chinh cứu nước. Có ba mươi năm kiên cường, bất khuất mới có tháng Ba, tháng Tư thần tốc mùa Xuân đại thắng 1975. Có đòn điểm huyệt chiến lược Buôn Ma Thuột, có những bước chân chạy bộ truy đuổi giặc thần tốc, có những đoàn chiến xa đại quân thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa, vừa hành tiến vừa tiến công địch mới làm rung chuyển, sụp đổ toàn bộ thế trận địch trên toàn miền Nam. Đêm nay ở Quảng Nam, đêm mai đã đến Quảng Ngãi. Đêm qua ở Phan Rang, đêm nay đã đến Nam Phan Thiết...

Ngồi cùng các chiến sĩ trên xe tiến quân trong đêm đến mờ sáng thì khung cảnh các thị xã, làng mạc hiện ra trước mắt chúng tôi. Tất cả đều còn nguyên vẹn. Dù máy bay địch vẫn quần thảo trên trời, tàu chiến địch vẫn nã pháo vào tuyến đường tiến công của quân ta dọc trục Quốc lộ 1, song bộ đội ta bị thương vong không nhiều. Đến quân địch cũng vậy, nhìn lũ tướng tá địch ở “phòng tuyến Phan Rang” giơ tay hàng trong khi quân phục vẫn y nguyên, chúng tôi hiểu chúng đã không kịp trở tay. Và rồi Sài Gòn, dinh Độc Lập cũng vậy.

Thế đấy, thần tốc làm nên những chiến thắng đẹp, giảm đến tối đa sự thiệt hại về sinh mạng con người và thành phố. Đó là cách đánh, là nghệ thuật kết thúc chiến tranh mà cũng là tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của những người cầm súng chính nghĩa. Đó cũng là ý nghĩa trọn vẹn của mùa Xuân đại thắng, của Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30-4 toàn thắng; ý nghĩa trọn vẹn, toàn thắng càng đầy đủ hơn khi chúng ta giải phóng, làm chủ quần đảo Trường Sa cùng các vùng biển, đảo Đông Nam, Tây Nam Tổ quốc.

***

Không ngẫu nhiên, những điều bà con Sài Gòn hỏi thăm tôi nhiều nhất là quanh chuyện học hành ở miền Bắc. Ngày đầu tiên sau giải phóng, tôi đến được một số điểm tập trung nhiều người, trong đó có khu vực các trường đại học được mệnh danh là “tam giác sắt”, bởi tại đây đã là điểm nóng đấu tranh của học sinh, sinh viên chống chế độ ngụy. Ở Trường Đại học Văn khoa, sinh viên mời tôi đứng lên bục giảng để trả lời các câu hỏi của họ cùng các giảng viên, trí thức khác. “Mỹ ném bom cả ngày cả đêm thì các anh học thế nào? Ăn, ở ra sao?”; “Ngoài đó có được học nhiều về khoa học, kỹ thuật, có học ngoại ngữ, có được đi học nước ngoài?”... Giải phóng rồi, hòa bình, thống nhất đất nước rồi, mọi người quan tâm đến tiến bộ, phát triển đất nước là điều đương nhiên. Nhiều công chức chế độ ngụy và trí thức Sài Gòn còn nói với tôi, họ tin rằng Việt Nam sẽ giàu có, thịnh vượng vì nhiều người giỏi, tài nguyên dồi dào. Người Bắc, người Nam hợp trí, hợp sức, đất nước sẽ đi lên.

Suy nghĩ ấy, ước mơ ấy đúng và đẹp lắm. Có điều vận nước lại lắm quanh co. Là phóng viên Báo Quân đội nhân dân nên tôi sớm được biết thông tin quân Pol Pot đã đánh chiếm một số đảo của ta ở phía Tây Nam. Trong khi đó, đất nước chưa thể phục hồi sau chiến tranh, lại bị bao vây, cấm vận, khó khăn, thiếu thốn nhiều bề, người dân TP Hồ Chí Minh cũng phải chia sẻ từ gạo, thực phẩm đến từng chút bột giặt, từng mét vải. Rồi khói lửa lại bùng lên ở các vùng biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Lại đổ máu chiến sĩ và nhân dân. Lại chắt chiu gom góp chi viện từng bao gạo, tải cá khô cho mặt trận. Và nữa, khi cơ chế quan liêu bao cấp kiểu thời chiến vẫn tồn tại, chuyện “ngăn sông cấm chợ” vẫn diễn ra...

Nhưng vận nước đã trong tay ta, mọi điều đều lần hồi được khắc phục, giải quyết. Để rồi công cuộc đổi mới đã đến. Chỉ sau một hai vụ lúa, cả nước đã đủ ăn. Tem phiếu lui vào kỷ niệm để chợ búa dần bung ra khắp các ngõ ngách, phố xá, xóm làng. Có gì đó như nhiệm màu, thần tốc. Đổi mới đưa đất nước ta bước vào thế kỷ 21 với tư thế một quốc gia ổn định trong bối cảnh thế giới quá nhiều thay đổi, biến động; một quốc gia có nền kinh tế hàng hóa, xuất khẩu đủ thứ mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp; một quốc gia có kết nối, bình thường hóa và quan hệ bình đẳng với các nước gần xa trên khắp thế giới.

***

Thực ra, dù đã được đi nhiều nơi ngoài Bắc, trong Nam trong những năm tháng dài chiến tranh giải phóng và các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, song hầu như tôi chưa được biết đến bao vẻ đẹp của những vùng, miền đất nước. Phải là những ngày sau này, những chuyến đi công tác hay du lịch thời bình, tôi mới được ngắm nhìn những miền quê xanh ngút ngát, những vùng biển đảo mênh mang... Vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên được sức người, được cái nhìn khoa học của thời đại tô điểm mà trở nên quyến rũ thêm nhiều phần. Những vùng cát trắng miền Trung biến thành những cánh đồng thanh long, cánh đồng điện gió, điện mặt trời. Lại có thêm các khu công nghiệp, các khu du lịch hiện đại. Những vùng sỏi đá, nghèo xơ xác nay thành nhà máy, công xưởng, thành khu đô thị hay dân cư ấm áp. Côn Đảo, khi tôi được cùng Bộ đội Hải quân đến đón anh em tù chính trị trở về sau ngày giải phóng không thể gọi là đẹp được, bởi chỉ là dãy dãy các trại giam bức bối, nghẹt thở. Phú Quốc cũng vậy. Và rồi, ngày nay những hòn đảo giam cầm đã thành thiên đường mộng mơ. Và góc nhìn Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đẹp nhất là đâu? Một ngày đầu tháng 5-1975, tôi không có cảm nhận ấy ở lần đầu tiên đi trên chiếc tàu chiến Mỹ, chiến lợi phẩm của quân ta, để cùng các nhà làm phim thu vào ống kính hình ảnh dọc sông Sài Gòn. Nhiều lần sau này cũng vậy. Phải là bây giờ, khi những tòa nhà cao tầng lộng lẫy in hình lên trời xanh. “Hòn ngọc Viễn Đông” hiện ra là đây...

Hạnh phúc thay những ngày này, "cánh lính già đầu bạc” chúng tôi vừa được kể về mùa xuân đại thắng, vừa được nói đến nỗi lòng mình trước những đổi thay lớn lao của đất nước 50 năm qua. Có những điều như trở lại trên mỗi hành trình. Cách mạng kháng chiến là không ngừng tiến công. Đổi mới là không ngừng nghỉ. Nếu như thần tốc năm xưa chính là tranh đoạt thời cơ, biến “thời gian là lực lượng” thì ngày nay trở lại với nhịp điệu thời bình, trở lại với nghĩa gốc câu ngạn ngữ “thời gian là tiền bạc”. Để bứt vượt những lạc hậu, trì trệ và chiếc bẫy thu nhập trung bình thì dứt khoát phải và có thể đẩy mạnh hơn nữa tốc độ đổi mới. Giải phóng bây giờ là giải phóng tiềm năng, sức người, sức của. Một ngày bây giờ là có thêm bao nhiêu mét đường cao tốc, bao nhiêu tầng nhà cao, bao nhiêu mái ấm cho người nghèo, bao nhiêu đơn vị sản phẩm của mỗi lĩnh vực kinh tế, bao nhiêu chuyển biến trong chuyển đổi số, trong tinh gọn bộ máy, trong ngăn ngừa, chữa trị những căn bệnh cũ, mới... Bây giờ, một giờ, một phút là tốc độ của hành động, phản ứng trước những biến động chính trị, kinh tế toàn cầu... “Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi, dựng xây non nước sáng tươi muôn đời”.

Câu hát “Tiến về Sài Gòn” trong chiến tranh đang âm vang cùng kỷ niệm lịch sử. Trước thách thức mới của thời cuộc, chúng ta có thứ di sản vô địch mà cách mạng và kháng chiến tạo nên là độc lập, tự chủ, tự cường, là vận nước trong tay ta, tự tay ta. Trong mắt những người lính già chúng tôi, từng ngày, từng tháng hòa bình dựng xây đã và đang đáp đền xứng đáng với vô vàn hy sinh, mất mát mà hào hùng bất tuyệt của kháng chiến cứu nước.

Tùy bút của MẠNH HÙNG