Ca dao có câu: Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng. Ấy là nói đến chợ Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi, một trong những chợ phiên cổ nhất Hà Nội. Nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Kẻ Bưởi xưa là vùng ven Hà Nội, gồm các làng: Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân… Chợ Bưởi nằm bên vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, thuận lợi về mặt giao thương trên bến, dưới thuyền. Chuyện cũ kể, xưa kia vào mùa lũ, bưởi (quả) từ các vùng mạn ngược theo dòng sông Đà, sông Hồng trôi về đây rất nhiều, dân trong vùng chỉ việc vớt lên bán, gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ vùng này cũng gọi là bến Bưởi, chợ Bưởi. 

Chợ Bưởi là một trong những chợ phiên hiếm hoi tồn tại trong lòng Thủ đô cho tới ngày nay. Chợ họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hằng tháng. Chợ Bưởi bán hoa, cây cảnh và rộn ràng nhất mỗi khi Tết đến, Xuân về. Kỳ hoa dị thảo và chim thú lạ, thứ gì cũng có.

leftcenterrightdel
Minh họa: Phùng Minh. 
Chúng tôi, những người lính cũ, những cựu chiến binh bất kể chức vụ, cấp bậc (tướng, tá, úy), “từ phương trời”, từ nhiều chiến trường, nhiều đơn vị và nhiều sắc áo... "chẳng hẹn quen nhau" (thơ Chính Hữu), cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần lại gặp nhau nơi chợ Bưởi như câu thơ của thầy giáo cựu chiến binh Ninh An: Ngày xưa mỗi đứa chiến trường/ Ngày nay về lại một phường với nhau. Hay như câu thơ đầy chất trào lộng “xuất khẩu thành chương” của tướng Thạch Sơn: Chè sen, kẹo lạc, bạn hiền/ Thi thoảng tụ tập, túi tiền bớt căng!...

Mấy năm nay, nơi này còn xuất hiện chợ phiên đồ xưa ở số 456, Hoàng Hoa Thám, đối diện với Truyền hình An Viên, Hãng phim Thời sự-Tài liệu Trung ương. Mới đầu chợ đồ xưa chỉ họp vào sáng thứ bảy hằng tuần. Mấy năm gần đây, chơ họp thêm vào các ngày 4 và 9 âm lịch theo đúng lệ xưa. Vào chợ, người ta có thể tìm thấy vô khối thứ từ đồ cổ đến đồ cũ, xuất xứ ở những thời điểm lịch sử khác nhau. Từ những món có niên đại cả trăm năm, có thứ mang về từ những vùng, miền xa xôi đến những đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp, thời chiến tranh. Độc đáo nhất có lẽ là cái sạp của anh Long. Sạp này bày bán, trao đổi toàn “những kỷ vật thời chiến tranh”, toàn đồ dùng nhà binh. Ví như những chiếc ba lô con cóc, đôi dép râu, cái bi đông nước... cùng các trang thiết bị dành cho những người lính thuộc cả hai phía; rồi thì chiếc đèn dùng trong kháng chiến chống Pháp, chiếc đèn bão mang theo xuống hầm trú ẩn những năm chống Mỹ, cứu nước, chiếc lược làm từ thân máy bay B-52… Dễ hiểu thôi, bởi chúng tôi từng là lính, mà là lính chiến, lính trước năm 1975 thực sự. Đơn vị cũ của một anh là Trung đoàn Pháo phòng không 593 thuộc Quân đoàn 3 trước đây... Và không những gặp lại, tìm thấy thời trẻ trai của mình ở chợ phiên đồ xưa mà ngay cả khi đã ra khỏi chợ chúng tôi vẫn gặp được đồng đội cũ, họ là những chàng trai Hà Nội, là sinh viên Tổng hợp, Bách khoa, Kinh tế... vào bộ đội rồi thành lính chiến Tây Nguyên. Người thì dắt cháu đi ngắm hoa, mua cây cảnh, lại có cả những người ngày nào cũng ngồi quán cà phê để trao đổi kinh nghiệm việc cho con trẻ đi trường chuyên, lớp chọn, học thêm ngoại ngữ, nhạc họa... cả về trồng hoa phong lan. Tôi gặp anh-người rất thích chơi phong lan. Anh bảo, lính Tây Nguyên không ai là không thuộc hai câu thơ: Tây Nguyên, ai một lần qua đó/ Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau. Và dường như ai cũng mê phong lan. 

Có hôm, anh hẹn nhóm chúng tôi đến nhà một cựu chiến binh ở ngõ 20, số 324 phố Thụy Khuê, kế bên chợ Bưởi. Tưởng cà phê, cà pháo gì ai ngờ cũng lại... xem hoa mà là xem hoa phong lan. Hoa phong lan là biểu tượng cho vẻ đẹp và sự quý phái với rất nhiều chủng loài khác nhau, mỗi chủng loài lại có những nét đẹp và đặc trưng riêng thỏa mãn được đông đảo những người yêu thích hoa. Chủ nhà có cái tên rất “làng xã” ven hồ là Lý Cường, nhưng lại là một cựu chiến binh! Anh vốn là một trung đội trưởng có mặt trên chiến trường Quảng Trị trong “mùa hè đỏ lửa”. Ra quân với quân hàm Thượng sĩ mang trong mình chất độc da cam. Anh không có con mà nhận Trần Ngọc Mạnh-một thạc sĩ từng học trường quân đội làm con nuôi. Anh bảo số anh là số “hữu sinh vô dưỡng”-có đẻ mà không có nuôi. Chúng tôi hỏi anh, sao không đi làm chế độ? Anh bảo anh là người may mắn hơn những người cùng nhập ngũ quá nhiều, còn đòi hỏi gì!... Và anh lấy hoa phong lan làm bầu bạn. Nhà anh không rộng lắm, nhưng là nhà ven hồ Tây, lúc nào cũng sặc sỡ, ngát hương lan và rất đông bè bạn mà phần đông là đồng đội cũ; đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ “ Những người Hà Nội yêu hoa phong lan”. Đến “biệt thự hoa phong lan” của người lính năm xưa như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh! Nhưng ai đó muốn “mua’ dù chỉ một nhành hoa thì đã lầm! Nhà Lý Cường không bán phong lan mà khách vào đây chỉ được ngắm lan, thưởng thức đặc sản trà sen Tây Hồ-một nét văn hóa người Hà Nội và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng nuôi loại hoa quý này. Chủ nhà-người lính năm xưa cho biết, vườn có nhiều thứ phong lan độc đáo như: Ngọc điểm, Kim điệp, Long xuân tu, Thủy tiên lan, Mặt hầu, Samurai... những loài lan có được phải rất mất công tìm kiếm, sưu tầm và chăm còn khó hơn... chăm con nhỏ!

Nhưng ngày sắp Tết không thể không nói tới hoa đào. Chúng tôi, những người lính năm xưa chỉ quen với rừng già, núi hiểm, nay được dạo bước trên “Phố hoa đào” thì thật bâng khuâng!

Đào Nhật Tân là nét độc đáo, là đặc sản chỉ riêng Hà Nội mới có. Làng đào Nhật Tân xưa dù nay đã thành phường, nhiều vườn đào cũ đã được chuyển sang bãi ngoài đê sông Hồng (để dành đất xây dựng khu đô thị và các công trình). Từ năm 1986, Hà Nội có thêm đường mới Lạc Long Quân bắt đầu từ chân cầu đẹp Nhật Tân chạy dọc Hồ Tây đến Chợ Bưởi-Hoàng Hoa Thám. Đây là một trong những con đường đẹp ở Thủ đô. Đẹp và độc đáo không phải vì nó là con đường ven Hồ Tây-hồ lớn đẹp nhất Hà Nội với những biệt thự nhà vườn thơ mộng, những mái chùa cổ kính có từ cả trăm năm nay cùng những khu đô thị lớn mà nó còn là phố hoa đào, phố trồng toàn giống đào quý Nhật Tân. Nếu như Hà Nội 36 phố phường xưa chỉ có chợ hoa Hàng Lược nhỏ bé và chỉ có bán đào cành, đào thế thì nay Hà Nội mới có cả phố hoa đào. Suốt chiều dài 3,5km với cả ngàn gốc đào được trồng trên dải phân cách. Tết đến, những rặng đào này đua nở hòa cùng với những dòng hoa khác nối nhau từ các làng hoa ven hồ còn sót lại ra; từ ngoài bãi sông Hồng vào khiến cả một vùng ngợp sáng sắc hoa...

Đi chợ Bưởi đầu Xuân, những người lính chúng tôi chỉ thấy hoa là hoa, cây là cây và bỗng nhiên lại ước ao gặp được người năm xưa bán bưởi!

Bút ký của NGÔ VĨNH BÌNH