Đây là lần đầu tiên từ năm 1967 xuất bản đến nay, tác phẩm văn học nổi tiếng này được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh.
Sinh thời, Márquez đã nhận được nhiều đề nghị chuyển thể “Trăm năm cô đơn” thành phim truyền hình, nhưng ông đều từ chối, bởi lẽ đây là tác phẩm lớn nhiều rối ren, khó chuyển thể thành công. Lần này, con trai của Márquez quyết định đưa tác phẩm lên màn ảnh.
***
Sống trong nội chiến triền miên vào thế kỷ 19, Márquez đã nhìn thấy tương lai mịt mù của dân tộc, quốc gia và đem cảm nhận đó đưa vào “Trăm năm cô đơn”. Sau này, mỗi người đọc tác phẩm của ông đều được trải nghiệm và chia sẻ cảm giác mịt mùng ấy. “Trăm năm cô đơn” miêu tả về một huyền thoại của gia tộc bảy đời nhà Buendía và trăm năm thịnh suy của Macondo, một thị trấn nhỏ bên bờ biển Caribe, phản ánh lịch sử thay đổi khôn lường của châu Mỹ Latin, được coi là một kiệt tác của văn học Mỹ Latin. Márquez cũng mang đến cho chúng ta chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Đến nay, sách này đã bán được hơn 50 triệu bản, đồng thời được dịch sang 46 loại ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Ramos, người đảm nhiệm công tác cải biên cho rằng: “Thông qua việc mô tả sự sản sinh của chế độ thống trị và chủ nghĩa thực dân, tiểu thuyết này đã tái tạo hình ảnh đại lục”.
Trăm năm, nghe qua ta có cảm giác là một đơn vị thời gian có khoảng cách lớn, nhưng đối với lịch sử loài người thì chỉ như một khoảnh khắc. “Trăm năm cô đơn” được độc giả khắp thế giới yêu thích vì ở thời kỳ cận hiện đại, các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều trải qua những cảnh ngộ tương tự, đồng thời, theo dòng thời gian, không ngừng có quốc gia, dân tộc gia nhập vào đội ngũ ấy. Trong khi đó, thế giới thay đổi quá nhanh, các cá thể cũng phải đối mặt với hiện thực bất an. Trong tim mỗi người đều có một cuốn “Trăm năm cô đơn” của chính mình; hàng nghìn hàng vạn độc giả thì có hàng nghìn hàng vạn “Trăm năm cô đơn”.
Đại tá Aureliano không ngừng đúc cá vàng, Amaranta dệt đi dệt lại áo mừng thọ, Pilar Ternera vướng víu với đàn ông... Mỗi thành viên gia tộc Buendía vật lộn với sự cô đơn, vừa muốn thoát khỏi, vừa muốn duy trì trạng thái cô đơn ấy. Nhưng mọi nỗ lực của họ chỉ là uổng công. Đây là minh chứng cho một trạng thái nào đó của nhân loại. Thông qua minh chứng này, nỗi cô đơn của một gia tộc được nhân lên thành sự nghi hoặc của cả một thời đại: “Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sẽ đi về đâu?”. Mặt khác, lịch sử càng phát triển, văn minh càng tiến bộ thì nhân loại lại càng nhận thức được những gì thuộc về mình, nhưng cảm giác cô đơn lại mỗi ngày một lớn lên. Những cảm giác bất định đến từ tương lai có lẽ là con người không thể nhìn rõ chính mình.
***
Đọc “Trăm năm cô đơn”, chúng ta cảm nhận được niềm vui khi phát hiện ra một kho báu được chôn cất bấy lâu, dù cho niềm vui ấy được lồng ghép cùng với những nỗi đau và sự tiếc nuối: Những câu chữ khó hiểu, nay đã hóa thành nước sông cuồn cuộn chảy, từng làn sóng xô gấp gáp, phá vỡ bức tường thành của tâm hồn bạn. Phân tích “Trăm năm cô đơn”, rõ ràng là một công trình lớn, dù cho chủ đề hay đặc điểm của sáng tác, ví dụ như sự vận dụng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, thần thoại, điển cố và thủ pháp nghịch thuật, đã sản sinh ra vô số các tiểu luận văn học. Nhưng, sở dĩ “Trăm năm cô đơn” được trường tồn là ở chỗ, tiểu thuyết này có thể phá vỡ bức tường thành kiên cố của nội tâm người đọc. Mỗi một người đều có cơ hội trải nghiệm: Sự sống chưa từng thoát khỏi nỗi cô đơn mà tồn tại độc lập. Cho dù chúng ta sinh ra, lớn lên, tìm bạn đời, hay là sự thành bại, nhưng cuối cùng của cuối cùng, nỗi cô đơn giống như chiếc bóng tồn tại dai dẳng trong suốt cuộc đời.
Khi một người nào đó chưa có năng lực đối mặt với tác phẩm này, miễn cưỡng đọc cho xong, sẽ bị lạc vào những tình tiết rối ren, bị trói buộc bởi những mối quan hệ của các nhân vật trong tác phẩm, chùn bước trước thế giới rộng lớn. Cho dù bạn đọc xong, đó cũng chỉ là hình thức, thỏa mãn một chút hư vinh. Do đó, khi các tình tiết, tên người trở thành chướng ngại, nó nhắc nhở bạn chưa phải lúc đọc “Trăm năm cô đơn”, tốt nhất là cất nó lên tầng trên cùng của giá sách. Có lẽ sau nhiều năm, do những trải nghiệm trong đời, một người giả bộ cô đơn cũng trở thành cô đơn thực sự, lúc này đọc “Trăm năm cô đơn”, bạn sẽ phát hiện ra một kho báu được chôn sâu, dù cho nó lẫn lộn với cảm giác đau thương và tiếc nuối. Những dòng chữ khó hiểu nay trở thành nước sông cuồn cuộn chảy, từng đợt sóng xô, va đập vào tâm hồn sâu thẳm.
***
Tiểu thuyết khởi đầu bằng “tảng băng” và “tảng đá”, lại kết thúc bởi một cơn gió. Đây chính là sự cô đơn, trăm năm cô đơn. Trong “Trăm năm cô đơn” có hình ảnh của Márquez, cũng có bạn và cả tôi. “Nếu không có trải nghiệm thực tế làm căn cơ, tôi không thể viết nên câu chuyện”, Márquez nói.
“Sống để kể lại” là tự truyện của Márquez, ông đã kể chuyện. “Cuộc sống không phải là những ngày chúng ta đi qua, mà là những ngày chúng ta ghi nhớ, tái hiện trong trí nhớ”. Chính những chi tiết chạm vào tâm khảm chúng ta cũng như những người quan trọng trong đời đã dẫn Márquez đến với cánh cổng của “Trăm năm cô đơn”. Do đó, có thể giải mã được “Trăm năm cô đơn”, không có gì thuyết phục hơn chính là cuốn tự truyện “Sống để kể lại”. Nhân vật trong tiểu thuyết đều có thể tìm lại chính mình.
Năm 22 tuổi, cùng mẹ về quê mua nhà, đây không đơn thuần là lời nói đầu của tự truyện, mà còn là sự khởi đầu cho sức sống của “Trăm năm cô đơn”. Từ ngày đó, sâu thẳm trong ký ức tuổi thơ ông là dũng khí chống lại quy tắc sáo mòn cũ kỹ. Thế giới quỷ quái thần kỳ của bà ngoại, những câu chuyện về chiến tranh của ông ngoại, những ký ức về ngôi nhà cũ, những cuộc hội ngộ trong quá trình học tập, những khởi phát và nuôi dưỡng sự nghiệp cầm bút viết báo... Những chi tiết này đã thêu dệt nên “Trăm năm cô đơn”. Thậm chí, bạn sẽ phải kinh ngạc khi phát hiện ra rằng lời mở đầu của Đại tá Aureliano lại là sự tái hiện của ký ức tuổi thơ nhà văn Márquez.
Năm 1982, năm mà Márquez đoạt giải thưởng Nobel văn học nhờ tác phẩm “Trăm năm cô đơn”, một nhà xuất bản công bố nội dung cuộc trò chuyện giữa Márquez và người đồng nghiệp Mendoza.
Mendoza: “Lịch sử gia tộc Buendía có phải là bản sao của lịch sử châu Mỹ Latin không?”
Márquez: “Đúng vậy, lịch sử của châu Mỹ Latin cũng là một bản tóm tắt của tất cả các cuộc đấu tranh vĩ đại nhưng vô ích”.
Márquez đã dùng lịch sử gia tộc Buendía để cô đọng lại tiến trình lịch sử châu Mỹ Latin. Tại đoạn kết, ông tiên đoán trước lịch sử của châu Mỹ Latin: “Vận mệnh đã an bài, một gia tộc ở vào trạng thái cô đơn đến trăm năm sẽ không còn cơ hội thứ hai để tái hiện”.
Trong “Trăm năm cô đơn” có hình ảnh của Márquez, cũng có bạn và cả tôi.
Tiểu luận của SẦM HỒNG, PHẠM HUY QUỲNH (dịch)