Dự tọa đàm giới thiệu tác phẩm mới của nhà văn Anh Chi có các nhà văn, nhà phê bình văn học: Ma Văn Kháng, Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Suyền, Trần Đình Việt, Phạm Ngọc Chiểu, Nguyễn Hồng Phương, cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ và bạn đọc ở Hà Nội.

Quang cảnh buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm mới.

Nhà văn Anh Chi, tên thật là Lê Văn Sen, sinh năm 1947, quê ở thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông nguyên là hội viên sáng lập Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, nguyên biên tập viên Nhà Xuất bản Công an nhân dân, nguyên chuyên viên Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật thành phố Hà Nội và Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam. Ông đã xuất bản 11 đầu sách bao gồm 4 tập thơ, 2 tiểu thuyết và 5 tập nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, trong đó có những cuốn như: "Tiểu thuyết thứ Năm: Tác giả và tác phẩm"; "Đường đời, đường văn"; "Luận về văn mạch Việt"… được đánh giá cao.            

Nhà văn Anh Chi (bên phải) giới thiệu nội dung tác phẩm mới "Văn như người, như số phận".

Tác phẩm "Văn như người, như số phận" bao gồm 20 chân dung nhà văn qua các thời kỳ, từ các tác giả trong phong trào "Thơ mới" đến các thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ đổi mới đất nước. Theo nhà văn Anh Chi, các nhà văn được viết trong tập sách đều rất trung thực mà ông đã gặp và sinh hoạt cùng nhau, cùng chung niềm say mê và trách nhiệm với văn học nước nhà, văn học cách mạng. Mỗi nhà văn đều có cuộc sống, số phận và phong cách viết riêng, được Anh Chi thể hiện sinh động, sâu sắc, như các nhà thơ: Đoàn Phú Tứ, Hồ Dzếnh, Trần Huyền Trân, Hoàng Cầm, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Đức Mậu, Lưu Quang Vũ, Dương Thị Xuân Quý và các nhà văn: Ngọc Dao, Nguyễn Dậu, Hà Minh Tuân…          

Nhà văn Ma Văn Kháng tham luận.
 Nhà thơ Bằng Việt tham luận

Các tham luận tại buổi tọa đàm giới thiệu sách đều đánh giá cao tính tư tưởng, học thuật và giá trị văn học sử của cuốn sách. Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng có những chuyến đi vào tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị năm 1974 cùng nhà văn Anh Chi, nhận xét: "Nhà văn Anh Chi đã viết bằng cả tấm lòng, tinh thần trách nhiệm và thành thật". Còn nhà phê bình văn học Trần Đăng Suyền đánh giá: "Cuốn sách có thể không gây nên những chấn động làm sửng sốt người đọc nhưng vì là một cách tiếp cận cho phép đi vào chiều sâu, vào bản chất của văn chương, về mối quan hệ mật thiết giữa nhà văn và tác phẩm, với độ uyển chuyển, tinh tường về văn chương, với một văn phong giản dị, tinh tế mà sâu sắc. Vì vậy, cuốn sách có những đóng góp đáng ghi nhận về nghiên cứu văn học, là tài liệu tham khảo tốt cho đông đảo bạn đọc, để tiếp tục đào sâu, khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn".

Nhà phê bình, lý luận văn học Trần Đăng Suyền tham luận.

Nhà thơ Bằng Việt cho rằng: "Nhà văn Anh Chi đọc nhiều, đi nhiều, hiểu rộng và luôn tìm tòi, sáng tạo để có những tác phẩm phê bình, tiểu luận, nghiên cứu văn học chất lượng. Nối tiếp với việc nghiên cứu các dòng chảy thi ca, văn mạch Việt Nam, cuốn "Văn như người, như số phận" thể hiện sinh động, có nhiều tư liệu mới, chi tiết phong phú, bất ngờ, nên hấp dẫn người đọc". Các nhà văn, nhà thơ: Phạm Ngọc Chiểu, Trần Đình Việt, Nguyễn Đức Mậu…trong những nhận xét của mình đều đánh giá cao sự nỗ lực của nhà văn Anh Chi. Với kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm và trách nhiệm qua từng trang viết, nhà văn Anh Chi đã âm thầm đóng góp cho văn học hiện đại, làm tỏa hương và sắc đẹp truyền thống văn học Việt Nam…

HƯƠNG HỒNG THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.