Sáng tác thơ cho người lớn, trẻ em và dịch thơ, ở lĩnh vực nào chị cũng tạo được ấn tượng về một “tiếng thơ” trong trẻo, lắng đọng. Thơ chính là tiếng nói, là tâm hồn chị.

Bước vào nghiệp cầm bút, thơ Nguyễn Thụy Anh luôn là khoảng lặng chứa đựng những ngẫm nghĩ, trăn trở nội tâm mình bằng một giọng thơ riêng. Nguyễn Thụy Anh quan niệm, môi trường hay chất xúc tác để thơ sống được là cảm xúc, nhưng thơ luôn cần một tứ độc đáo, một cách mã hóa khác biệt của riêng tác giả. Nếu không có “tứ” thì cảm xúc sẽ tản mát, không trụ lại được. Ngôn từ của thơ ca không dễ dãi, không buông thả theo cảm xúc dù nó được bật ra từ cảm xúc. Đóng góp của mỗi tác giả ở chính điều này.

Với Nguyễn Thụy Anh, sáng tác cho thiếu nhi là hoạt động chị hướng tới sự chuyên nghiệp như một công việc gắn với giáo dục. Nếu nói về sự đóng góp như một tác giả thì đây sẽ luôn là mảng sáng tác quan trọng của chị. Với mảng thơ thiếu nhi, chị có điều kiện làm việc gần gũi, chia sẻ với các em nên nhiều lúc chị như hòa làm một với tư duy của trẻ. Chị như chưa từng rời khỏi tuổi thơ của mình, vẫn luôn ở lại cùng các bạn nhỏ vậy: “Mèo không chỗ ở/ Đứng run góc vườn/ Lá rơi cũng sợ.../ Thương ơi là thương!”. Không áp đặt dạy dỗ, thơ chị như tiếng cười khúc khích, nhân hậu âu yếm, hồn nhiên trẻ thơ nhưng không đơn giản, dễ dãi. Thơ thiếu nhi của chị không chỉ để chia sẻ với các bạn nhỏ mà còn làm giàu mỹ cảm trẻ thơ để tâm hồn trẻ em trở nên phong phú, tinh tế hơn.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh (bên phải) nhận giải thưởng “Sợi chỉ kết nối các ngôn ngữ” của Hội Nhà văn Nga cho tập thơ dịch “Olga Berggoltz của tôi”, tháng 2-2018. Ảnh: LÊ HẰNG 

Thơ viết cho người lớn và thơ dịch chính là thế giới chữ nghĩa văn chương mà chị gắn bó. Nguyễn Thụy Anh lựa chọn thơ để thể hiện mình, xem đó như nhịp cầu nối giữa chị với mọi người và cuộc sống. Khi sáng tác, chị hoàn toàn tin cậy vào cảm nhận của mình. Chị cho rằng, thơ đôi khi cũng là trò chơi của ngôn từ, cảm xúc và cách diễn đạt, nhưng nó nhất định là những gì thật nhất của con người mình.

Có thể chia sáng tác của Nguyễn Thụy Anh ở mảng thơ viết cho người lớn thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu chị viết chỉ để chia sẻ, kể câu chuyện thật thà của mình, giữ lại những cảm xúc mà chị có được như một mùi hương nồng nàn trong đêm; một cô gái tự ví mình như thủy tinh “rơi nhiều lần không vỡ”; cảm xúc cổ tích của mùa đông nước Nga khiến người ta choáng ngợp, thao thức; những nỗi thất vọng đầu tiên nơi xứ người... Những năm 90 của thế kỷ trước, ngôn ngữ thơ ca của chị trong trẻo và nồng nhiệt, với những câu thơ đầy đủ chủ vị, nghiêm cẩn về mặt cú pháp: “Sớm mai ra, một buổi sớm bình thường/ Tôi dừng lại trên đường, lắng nghe tiếng chim đầu xuân vui vẻ/ Thấy len lỏi trong tim một nỗi buồn khe khẽ/ Biết mình đã khác hôm qua...”.

Sau này, trở về nước sau 17 năm ở Nga, chị có ý thức hơn trong sự tìm tòi một cách diễn đạt đa tầng, đa nghĩa, gợi suy ngẫm và đưa ra thách thức cho chính mình về sự bứt phá khác biệt, tìm dấu ấn riêng của mình trong những khía cạnh của thơ ca như nhịp điệu, cách dùng từ có sức gợi, sự giản dị mà không dễ dãi, một ẩn ý gửi gắm qua hình ảnh hay vỏ ngữ âm của một từ... “Yêu hấp tấp những điều chưa kịp hiểu/ Những tượng đài chưa kịp nhớ tên/ Một chút nghẹn ngào xáo trộn dịu êm/ Con đường đá vấp nỗi buồn cổ điển”.

Đọc thơ chị gần đây, ta có thể cảm thấy chị bắt đầu muốn tìm một điều gì khác ở chính mình và ở thơ. Đó chính là những dấu hiệu để chúng ta chờ đợi giai đoạn sáng tác tiếp theo của chị.

Nguyễn Thụy Anh sinh năm 1974, tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp đại học và lấy bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm quốc gia Moscow (Nga). Chị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Các tập thơ đã xuất bản: “Olga Berggoltz của tôi” (thơ dịch, 2010); “Nhim nhỉm nhìm nhim”, “Ngày xưa, ngày nay, ngày sau”, “Mẹ hổ dịu dàng”, “Vui cùng tiếng Việt” (2014); “Phù thủy sợ ma” (2022); “Mèo con đếm tuổi” (2023).  

KIM NHUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.