Nếu cây được trồng ở mảnh đất dù có rất giàu dưỡng chất truyền thống mà thiếu ánh sáng và khí trời của thời hiện đại thì nó cũng còi cọc, và ngược lại. Nhìn vào mỗi cây xanh tươi tốt hay héo úa, người ta có thể đoán cây ấy được trồng ở mảnh đất văn hóa nào, quang hợp thứ ánh sáng nào. Nếu văn hóa là gương mặt tinh thần của mỗi con người thì đến lượt con người lại mang gương mặt tinh thần của mỗi dân tộc. Như vậy, mỗi cá nhân là một mã văn hóa của thời đại mình.
Chính vì vậy mà ở các nước phát triển đều coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Cũng từ quan niệm này mà hiện nay, sau bao khuynh hướng, trường phái đều chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, người ta lại quay trở về với quan điểm muôn thuở: Nghệ thuật phải bám rễ vào đời sống. Cuộc sống vừa là cái nôi, là mảnh đất màu mỡ, vừa là cảm hứng, vừa là đối tượng sáng tạo của nghệ thuật. Đây cũng chính là quan điểm của Chủ nghĩa Mác coi hiện thực là nguồn gốc của nhận thức. Thế nên hiện nay ở các nước tư bản, sách của Mác được bán rất chạy với số lượng lớn.
Điều này hoàn toàn đúng với quy luật quan hệ giữa văn nghệ và đời sống. Là một hình thái ý thức nên cây văn nghệ càng phải cắm sâu vào mảnh đất hiện thực để hút lấy chất dinh dưỡng của cuộc đời. Chỉ có từ đời sống, bắt nguồn từ đời sống mới có thể nảy nở những tài năng. Không có cách nào khác, muốn rèn luyện tài năng thì người nghệ sĩ phải trở về cái gốc của nghệ thuật là đời sống muôn màu muôn vẻ kia. Để phát hiện những năng khiếu, điều kiện cần có của tài năng, cũng phải tìm từ đời sống.
Tính người chỉ có trong đời sống nên văn nghệ muốn phản ánh hay sáng tạo, chung quy lại cũng phải mang hơi thở của cuộc sống, bám chặt vào đời sống hằng ngày.
Tâm lý học sáng tạo nghệ thuật khẳng định, trong cấu trúc tư chất ở người nghệ sĩ thì điều trước tiên cần có là giàu tình cảm, dễ xúc động và nhạy cảm. Quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm. Tình yêu là điều cốt tử của nghệ thuật. Thiếu tình yêu thì nghệ thuật sẽ không tồn tại. Tình yêu luôn tìm đến tình yêu. Người nghệ sĩ có yêu nghệ thuật hết lòng, có đam mê phục vụ công chúng thì sẽ được đáp lại bằng tình yêu của công chúng. Một nghệ sĩ đã hết tình yêu, hết động lực thì dễ đánh mất mình. Tình yêu không tự nhiên có mà do giáo dục, nuôi dưỡng xây đắp nên.
Những điều tưởng chừng như đơn giản như trên nhưng văn hóa nhân loại phải qua bao trăn trở, bao thử nghiệm, tìm tòi, thậm chí nhiều lúc loanh quanh mãi cho đến hôm nay mới nhận ra hướng đi chuẩn xác, phù hợp với quy luật phát triển xã hội.
NGUYỄN THANH