Bà gầy lại nhiều bệnh tật trong người, rồi âm ỉ những cơn đau dạ dày hành hạ suốt mấy chục năm, nay lại thêm việc chăm cu Tý. Ban ngày bà rất nhiều việc, chăn thả bốn con bò, làm nửa mẫu ruộng, chợ búa cơm nước đợi ông đi làm về. Gà, vịt ngoài vườn cũng réo gọi bà hệt như cu Tý lúc đói, lúc ngứa, lúc gắt ngủ, lúc thèm bà bế. Bà không nhớ bao nhiêu cơn sốt đêm, bao nhiều lần trớ thuốc, bao nhiêu ngày tay bế tay bồng. Giờ cu Tý đã gần năm tuổi, đi học về đã biết khoe “con thích bạn Linh mèo ở lớp”. Tối đến biết nhắc bà “đến giờ phim Ấn Độ”. Lúc bà mệt biết lại gần thủ thỉ “có phải con nói nhiều làm bà nhức đầu không?”. Bà chỉ cần đi ra khỏi nhà là quyến luyến không rời “nhỡ ở nhà con nhớ bà thì phải làm sao?”. Rồi ông đi làm xa, cu Tý ở nhà với bà quanh quẩn với chú chó, đàn gà con... Thỉnh thoảng lại chạy ra cổng nhìn qua cửa sắt ngóng bà. Mong sọt cỏ mau đầy, con bò mau no để bà nhanh nhanh về với Tý. Căn bếp nhỏ hình như cũng chờ bà về nhóm lửa. Cháu thích ăn canh cà chua nấu trứng, thích xôi nấu gấc, thích cà bà muối xổi. Ừ, ngoan nào Tý bé bỏng của bà. Bà cháu mình vào bếp nấu cơm thôi…
 |
Minh họa: Quang Cường. |
Tý bị rụng răng mà chờ mãi vẫn chưa thấy răng mới mọc, nên ăn uống thứ gì cũng khó. Ăn thịt khó nhai, ăn rau xanh nhiều sợ thiếu chất, mà cu Tý chỉ đòi ăn cơm rưới nước mắm. Tý lười ăn lắm, bữa nào bà cũng tỉ tê dỗ dành mà chẳng hết nổi lưng cơm. Đêm nào nằm ôm Tý vào lòng bà cũng sờ những khớp xương của cháu nhô lên mà xót. Có phải bà không chịu chăm đâu, đi chợ thấy có món gì ngon cũng mua về cho cháu. Nhưng thằng bé chỉ thèm uống sữa, mà uống nhiều sữa thì đêm hay đái dầm. Mùa đông chăn chiếu giặt không kịp khô. Còn mùa hè mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc. Có những hôm hai, ba giờ sáng bà vừa bế cháu dậy vừa thay quần áo, chiếu chăn. Lúc chăn màn đã thơm tho thì cháu lại nằm ngủ ngon lành, chỉ có bà tuổi già không làm sao ngủ lại. Thỉnh thoảng lại vội vàng vỗ về đứa cháu nhỏ tội nghiệp khóc nấc lên trong cơn mơ ngủ. Tý quờ quạng tìm hơi ấm của bà, dụi đầu vào lòng bà mới yên giấc được.
- Mai này bố mẹ có nhà riêng thì cu Tý ở với bà hay ở cùng bố mẹ?
- Con ở với bà chứ. Con chẳng đi đâu cả. Con chỉ ở với bà nội thôi.
- Nhà mới có điều hòa mát rượi, có sân thượng trên cao tha hồ đón gió. Mỗi người ở một phòng rộng rãi, cu Tý có thích không?
- Vậy con đón bà về ở cùng con nhé.
Bố mẹ cu Tý đều đi làm ăn xa. Mẹ làm khu công nghiệp mãi dưới Hà Nội. Còn bố thì nghỉ việc dưới thành phố đi xuất khẩu lao động sang Nhật chắc cũng đã nửa năm. Trước kia cứ tầm nửa tháng, bố mẹ cu Tý lại thu xếp về thăm nhà. Ở chơi hết hai ngày cuối tuần chưa kịp dạy dỗ gì lại vội vã ra đi. Mà đi toàn vào lúc Tý ngủ, lúc tỉnh dậy chẳng thấy bố mẹ đâu, thằng bé khóc tức tưởi vì nghĩ mình bị lừa. Cu Tý có đôi khi nhớ mẹ ngồi thần thượi ngoài hè. Nó nhìn ra con đường cao tốc chạy qua trước nhà mà hỏi bà:
- Có phải những chiếc xe kia sẽ đi đến thành phố nơi mà bố mẹ con đang công tác không bà?
- Đúng rồi con. Để bà dặn cuối tháng xe lại đón bố mẹ từ thành phố về thăm con nhé.
- Thành phố có gì vui không bà? Có phải đó là nơi có thật nhiều ngôi nhà cao chót vót. Người ta phải đi lại bằng thang máy. Bà đã được đi thang máy bao giờ chưa ạ? Con được đi rồi đấy.
- Con được đi bao giờ?
- Con đi trong giấc mơ. Bố mẹ dẫn con vào siêu thị đi thang máy. Khi nào lớn, con nhất định sẽ đi thăm thành phố. Bà có muốn đi cùng con không?
- Chỉ sợ lúc ấy bà già quá, chân yếu mắt mờ làm sao mà đi xa cùng con được.
- Bà không được già yếu. Bà phải khỏe mạnh chứ. Con đi đâu cũng muốn có bà.
Cu Tý chạy lại ngồi gọn lỏn trong lòng bà, mắt rơm rớm nước. Thằng bé quấn quýt bà mọi lúc, mọi nơi. Sáng mở mắt ra đã chạy tìm bà nội.
- Con đã dặn bà không được đi đâu cả. Bà phải ở nhà với con chứ.
- Nhưng bà không đi làm thì lấy đâu cơm gạo. Cu Tý có nuôi nổi bà không?
Cu Tý định trả lời bà nhưng con chuồn chuồn ớt từ đâu bay đến hút ánh nhìn của nó. Nó lập tức chạy theo con chuồn chuồn vòng quanh sân rồi ra tít vườn rau. Chạy cho đến khi chỉ còn nhìn thấy một chấm đỏ lao vút lên bầu trời rồi biến mất. Thằng nhỏ quay lại thềm nhà, bà vẫn ngồi đó nhưng câu hỏi của bà thì nó đã quên mất tiêu rồi. Vì trong đầu nó đang nảy nở và tràn ngập những câu hỏi khác. "Bà ơi, tại sao chuồn chuồn có thể bay? Tại vì nó có cánh à bà? Thế bà mua cho con đôi cánh để con có thể bay như chuồn chuồn vậy. Con sẽ bay lên chào những đám mây. Con sẽ bay xuống thành phố thăm bố mẹ con mà chẳng cần phải ngồi xe cao tốc. À bà ơi, có phải đêm qua lúc con ngủ thì bầy khủng long rủ nhau đi bán răng không? Bà ơi bà, sao bà không xây công viên cho gà mà để nó cứ chạy quanh sân? Tại sao bà không để cho gà mẹ ấp trứng mà đem cho máy ấp? Vậy khi gà con nở ra nó sẽ nhận cái máy ấp là mẹ nó đúng không bà? Mà bà ơi bà, sao lâu rồi không thấy bố con về? Nhật Bản là ở đâu hả bà? Hôm nọ con nghe thấy bố kể với mẹ là bên ấy có động đất. Động đất có đáng sợ không bà?". Nhiều lúc mệt quá, bà chẳng còn hơi sức đâu mà trả lời Tý nữa. Những câu hỏi “tại sao” cứ nối dài bất tận. Đầu óc của trẻ thơ đúng là mảnh đất lành cho những hạt mầm ý nghĩ tươi tốt mọc lên.
* * *
Cu Tý giờ đã tám tuổi, chuẩn bị lên lớp ba trường làng. Bố đi xuất khẩu lao động về được một thời gian đã mua đất cách nhà bà nội hai cây số. Mẹ cũng chuyển về khu công nghiệp mới mở gần nhà, sáng đi tối về không còn ngược xuôi xa xôi nữa. Nhà làm xong, cu Tý chuyển về ở cùng bố mẹ. Bà đỡ vất hẳn, không phải lo từng bữa ăn giấc ngủ cho cháu nữa. Đi đâu cũng không phải vội vàng nhớ giờ đón đưa cháu đến trường. Nhưng vắng cu Tý buồn lắm, nhà cửa chẳng có tiếng nói cười con trẻ. Đến con chó, con mèo còn nhớ cậu chủ nhỏ huống hồ bà cháu ôm ấp nhau từ khi cu Tý còn đỏ hỏn trên tay. Bà nhìn đâu cũng thấy hình ảnh cu Tý. Chỗ góc sân này Tý hay ngồi mát xa cho chó. Góc sân kia Tý thường ngồi mê mải với bộ đồ chơi xếp hình, thỉnh thoảng lại giơ thành quả lên hỏi “bà thấy có đẹp không?”. Chỗ đầu hè Tý thường ngoan ngoãn đứng chờ bà ra vườn nhổ cỏ, cho gà ăn, quét dọn chuồng bò. Bước vào nhà là thấy Tý đang chạy nhảy khắp nơi. Xuống đến bếp là gặp Tý nhoẻn cười, ngồi bẻ củi lạch cạch nhóm bếp giúp bà. Tý nhúp nháp củ sắn, bắp ngô vừa luộc còn nóng hổi, bỏ vào vạt áo nhảy tưng tưng. Tý nhặt rau cùng bà, gọi “bà ơi, nồi nước sủi lâu rồi”, “bà ơi nồi cá kho thơm mùi tương quá”. Những hình dung đó khiến bà ứa nước mắt vì nhớ, vì thương. Có hôm bà đang ngồi trôi theo miền nhớ thì thằng Tý về thăm. Nó nhón những bước chân nhẹ nhàng như một con mèo nhỏ lại gần bà, ú òa từ phía sau:
- Òa. Bà nghĩ gì mà để củi cháy hết ra ngoài vậy ạ?
- À… Là bà nhớ thằng Tý đấy mà.
- Thì ngày nào cháu cũng vào thăm bà đấy thôi.
- Ấy thế mà bà vẫn thấy nhớ lắm. Hôm nay có ở lại ăn cơm với ông bà không nào? Có món cá bống kho mà cháu thích nhất đấy.
- Thế thì cháu phải ăn ba bát cơm mới được.
- Bố anh chứ, lần nào cũng háo hức mà có bao giờ ăn được hai lưng bát cơm đâu.
Ông đi cất vó tôm dưới ao mới về, giục bà dọn cơm cho thằng cháu còn ăn. Cu Tý chạy đi pha nước chấm cho ông, thả vào vài giọt chanh, vài lát ớt thái mỏng đủ để xuýt xoa. Cơm nóng, canh ngọt, món cá bống kho khô ngon tuyệt cú mèo. Chiều quê êm đềm từ cọng cỏ ngoài sân, lá chuối trong vườn đến đồng lúa xa xa có cánh cò bay lả bay la hệt như trong bài hát. Nhà chưa cần bật điện mà trải chiếu ra ngoài hè ăn cơm cho mát. Con chó, con mèo luýnh quýnh bên thằng nhỏ nhặt nhạnh từng miếng xương cá bống. Bà thỉnh thoảng lại buông bát gắp cho cháu miếng thịt, đũa rau rồi hỏi có ngon không? Tý ngước đôi mắt đen láy nhìn bà, nhoẻn miệng cười thủ thỉ:
- Cơm bà là ngon nhất. Cơm bà nuôi cháu lớn từng này…
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG