Không rõ vì sao Nguyễn Đình Thi đến với kịch muộn hơn các hoạt động sáng tạo khác. Mãi đến đầu những năm 60 của thế kỷ 20, gần đến tuổi tri thiên mệnh, Nguyễn Đình Thi mới “lấn sân” sang viết kịch bản sân khấu. Để rồi từ đó trở đi cho đến năm 1986, Nguyễn Đình Thi đau đáu, mê mải với kịch - hình thái diễn tả đời sống và con người một cách mãnh liệt mà trực diện đến kỳ diệu. Các tác phẩm của ông đi thẳng từ nhân vật kịch, qua diễn xuất của nghệ sĩ biểu diễn đến với công chúng trong cùng một không gian và thời gian cụ thể.
Nguyễn Đình Thi đã lần lượt cho ra đời loạt kịch bản dài như: “Hoa và ngần” (1975), “Rừng trúc” (1978), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Giấc mơ” (1979), “Trương Chi” (1979), “Hòn cuội” (1983-1986)... Thế giới nghệ thuật kịch Nguyễn Đình Thi thật đa dạng, đa chiều, vừa tiếp cận được chiều rộng của hiện thực vừa đi sâu vào cõi miền bí ẩn, khó dò đoán của nội tâm con người, vừa tìm cách chạm tới chiều cao suy tưởng của trí tuệ, của minh triết dân tộc, của tinh thần thời đại.
 |
Hình ảnh trong vở kịch “Rừng trúc”, với diễn xuất của Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú và Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh. Ảnh do Nhà hát Tuổi trẻ cung cấp |
Trong khá nhiều thành công của vở diễn thể loại kịch về đề tài lịch sử ở thời điểm hai thập niên cuối, vắt từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, tôi cho rằng thành công của vở “Rừng trúc” là trường hợp điển hình nhất của thể loại kịch lấy lịch sử làm đề tài, bởi sự hạnh ngộ của bộ ba: Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Đình Thi; đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Đình Nghi và NSND Lê Khanh (vào vai chính Lý Chiêu Hoàng).
Tôi vẫn nhớ, đầu năm 1978, Nguyễn Đình Thi hân hoan đem đến tòa soạn Tạp chí Sân khấu (nay là Tạp chí Nghiên cứu sân khấu-điện ảnh) đích thân đọc cho Lưu Trọng Lư, Xuân Trình, nhà sử học Lê Văn Lan, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Ánh, tôi và toàn thể đồng nghiệp là phóng viên tạp chí nghe. Tất cả đều choáng ngợp bởi cách viết kịch lịch sử rất quyết liệt, đáo để về cuộc chuyển giao quyền bính đầy bi kịch giữa nhà Lý (Lý Chiêu Hoàng) với nhà Trần (Trần Cảnh), trên sự thiết kế chuyển giao ngai vàng thiên tài của “kiến trúc sư” Trần Thủ Độ. Từ đó, nhà Lý mất ngôi vương, phải chuyển sang nhà Trần.
Và kịch bản không chỉ có thế, nó còn “ém nhẹm” trong đáy chữ sâu thẳm một nỗi buồn nhân thế mênh mang của chính Nguyễn Đình Thi. Riêng đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, đem lòng yêu kịch bản này, nhiều năm đối thoại và nghiền ngẫm cách dàn dựng với Nguyễn Đình Thi, nhưng phải hơn 20 năm sau (năm 1999), cùng với sự trợ giúp của đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành, kịch bản “Rừng trúc” mới lần đầu được sống thân phận vở diễn. Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn thành công, đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999.
Không chỉ Nguyễn Đình Thi có tín niệm mỹ học riêng về viết kịch lịch sử. Theo quan niệm khá tương đắc của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, kịch lịch sử bao giờ cũng buộc phải là những kịch bản về người anh hùng trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy tự hào của dân tộc Việt Nam. Vậy nên kịch lịch sử, theo ông, “trong quá trình lịch sử lâu dài hình thành tính cách riêng, dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra vô số nhân vật lịch sử đầy bản lĩnh và hết sức đáng yêu”, và chính những nhân vật kiểu này, như Lý Chiêu Hoàng, khi được tái hiện trong kịch lịch sử của Nguyễn Đình Thi, đã quyến rũ ông nảy sinh nội lực bất ngờ để dàn dựng, cho đến khi hiện hình vở diễn “Rừng trúc”.
Cách viết, cách dựng tài hoa của tác giả và đạo diễn từ đầu đến cuối vở kịch đã chan hòa vào cách diễn xuất thần nhân vật Lý Chiêu Hoàng của Lê Khanh, khiến người xem thắt lòng theo dõi những ứng xử hết sức tinh tế, sự hòa cảm thông minh và sang trọng của Lê Khanh trong vai diễn Lý Chiêu Hoàng. Bài học trình diễn nhân vật kịch lịch sử của Lê Khanh có thể được rút ra từ cách xử lý nhân vật: Diễn viên phải nương theo đúng ý đồ tư tưởng của đạo diễn. Sau này, Lê Khanh tận tâm trong từng vai diễn, học nghề đạo diễn và thành công trong nhiều vở diễn.
PGS, TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.