Nghe tiếng chuông, hai đứa trẻ đi nhanh hơn. Chúng đang tưởng tượng rằng đó là tiếng chuông của trường mình và lớp học đã chính thức bắt đầu.

Khi cả hai về trường với hai chiếc chi-ghê chất đầy củi, cao quá đầu, Sang Chun hỏi thầy Doree với vẻ mặt đầy hy vọng: “Khi nào thì trường chúng ta có chuông hả thầy?”. Thầy Doree lắc lắc đầu: “Sau chiến tranh, tìm được một chiếc chuông là rất khó. Ngay cả khi tìm được thì giá cũng sẽ rất cao”.

Nghe vậy nhưng Sang Chun vẫn không sao dứt ra khỏi ý nghĩ về chiếc chuông được. Cậu chỉ nghĩ đơn giản rằng, trường học mà không có chuông thì mất rất nhiều ý nghĩa. Nhìn lũ học trò, thầy Doree bảo: “Tuyết sẽ sớm tan thôi. Chúng ta đã có đủ chất đốt rồi. Sao các em không đem củi bán ở dưới chợ Cầu Cảng lấy tiền mua chuông?”.

Thế là sáng sớm hôm sau, Sang Chun và Koo hòa vào dòng người cùng xuống chợ. Hai đứa tới một góc chợ và dựng chiếc chi-ghê xuống, lặng lẽ chờ người hỏi mua. Chờ mãi chẳng có ai tới hỏi, hai đứa quyết định chia đi mỗi đứa một ngả. Sang Chun đi về cổng phía đông, ra khỏi chợ, gặp ai cũng chào bán, nhưng người thì chẳng nói gì, người lại trả giá chỉ bằng 6 cái kẹo.

leftcenterrightdel
Minh họa: Mạnh Tiến. 
Lần lượt đi gõ cửa từng nhà, liên tục chào bán từ sáng tới chiều, nhưng kết quả vẫn là con số không. Chiều dần buông, Sang Chun quyết định đi về phía con đường chạy ven bờ biển nơi hoàng hôn thường rọi những tia nắng vàng rực rỡ lên những chiếc cột buồm. Sang Chun dừng lại trước một cửa hàng đồ cổ, định tiếp tục giao bán củi thì bỗng nhiên nó nhìn thấy một chiếc chuông bên đống đồ sứ. Không thể vào trong cửa hàng vì chiếc chi-ghê nặng trĩu củi, to hơn cả cửa ra vào, thằng bé căng mắt để nhìn chiếc chuông được rõ hơn.

Người chủ cửa hàng thấp bé đứng sau quầy hỏi: “Cháu cần gì? Còn ta thì không muốn mua mấy cành củi bé tí xíu thế kia đâu; không đủ sưởi ấm mà lại có quá nhiều tro”. Nói rồi người chủ cửa hàng bước ra định đóng cửa. Đúng lúc đó, Sang Chun hỏi: “Chú có bán chiếc chuông kia không?”.

Quên mất là mình đang đeo chiếc chi-ghê cồng kềnh, Sang Chun định đi vào cửa hàng nhưng bị khung cửa chặn lại. Thằng bé thú thật: “Trường cháu ở Songwazi sắp khai giảng. Chúng cháu cần có một chiếc chuông cho trường”.

Người đàn ông cười lớn: “Cháu không thể mua chiếc chuông nặng chừng kia với số tiền bán củi này được. Chiếc chuông này có giá 100 won đấy. Theo chú biết thì bó củi của cháu chỉ đáng 5 won thôi".

Sang Chun tính ngay, vậy là 20 bó củi sẽ đổi được chiếc chuông. Thằng bé ngập ngừng: “Chú có thể lấy bó củi này rồi cháu sẽ mang tới cho chú đủ 19 bó nữa được không?”.

Suy nghĩ một lúc, cuối cùng người đàn ông nói: “Vì các cháu cần chuông cho trường, chú đồng ý đổi; nhưng các cháu sẽ không được mang chuông đi cho đến khi nào mang đủ 20 bó củi tới đây. Nhớ đừng lấy mấy cái cành con con, bé tí tẹo thế này nữa nhé. Mang củi gỗ to hơn đến ấy, gốc cây càng tốt”.

Sang Chun ngay lập tức tháo bó củi khỏi chiếc chi-ghê, mang ra phía sau cửa hàng, rồi vội vã bước vào ngắm nghía chiếc chuông cho thật kỹ. Gõ gõ ngón tay lên chiếc chuông, rồi lại lau chùi thật sạch đám bụi phủ kín trên bề mặt, Sang Chun vui sướng khi thấy chiếc chuông vẫn còn nguyên vẹn, không một vết sứt; còn âm thanh thì uy nghiêm, trầm hùng nhưng cũng rất sắc ngọt. Không có quả lắc ở trong, chiếc chuông được thiết kế để đánh từ bên ngoài. Trên mặt chuông có trang trí nhiều họa tiết cách điệu mà Sang Chun biết rằng mình sẽ biết cách làm sạch và đánh cho chúng sáng bóng lên. Trước khi rời khỏi cửa hàng đồ cổ, Sang Chun không quên lặp lại lời hứa sẽ mang 19 bó củi còn lại tới. Thằng bé chạy vội về chợ Cầu Cảng, nơi nó biết rằng Koo đang kiên nhẫn ngồi đợi.

Chợ Cầu Cảng giờ này đã trống trơn. Gió thổi tung đám giấy loại bay lả tả như lá mùa thu trong cơn lốc xoáy. Koo đang ngồi một mình, ăn khoai lang luộc. Sang Chun hào hứng bảo Koo về chiếc chuông trong khi Koo hỏi không mấy hào hứng: “Ông chủ ở đó bảo là mỗi chi-ghê chỉ đáng giá 5 won thôi sao? Sao lại thế? Hôm nay tớ bán được những 6 won cơ đấy. Tớ mua khoai đây này”. Nói rồi Koo đưa hai củ khoai lang cho Sang Chun. Còn Sang Chun thì không còn tâm trí nào nghĩ tới thiệt hơn như Koo bảo. Cậu lặng lẽ bước đi trong bóng chiều dần buông. Trong đầu Sang Chun giờ chỉ còn âm thanh ngọt ngào của chiếc chuông ban nãy.

10 ngày sau cái hôm ở cửa hàng đồ cổ bên bờ biển, Sang Chun nhận chiếc chuông từ ông chủ cửa hàng. Ông chủ cửa hàng có vẻ rất hài lòng về chất lượng chất đốt mà Sang Chun mang đến. Ông ta cũng cho Sang Chun một chiếc vồ bằng gỗ ông lùng mua được ở chợ, dùng để đánh chuông. Sang Chun cũng biết thêm câu chuyện về chiếc chuông. Ông chủ cửa hàng bảo rằng, trong Chiến tranh thế giới lần hai, lính Nhật thu gom chuông ở các đền, chùa để đúc đạn. Thế nhưng trước khi những chiếc chuông bị chuyển đi thì chiến tranh kết thúc. Đền, chùa các nơi đến lấy lại chuông của mình. Riêng chiếc chuông này không hiểu sao không ai tới nhận và nó nằm lại ở cửa hàng đồ cổ bên bờ biển mãi cho tới khi Sang Chun phát hiện ra.

Chiếc chuông khá nặng, nặng hơn một chi-ghê củi, nhưng Sang Chun chẳng hề nhận ra điều đó. Đi được nửa đường thì Sang Chun gặp Koo và mấy đứa trẻ khác. Mỗi đứa thay nhau mang chiếc chuông một quãng; không phải bởi mệt, mà do đứa nào cũng muốn góp phần mang chiếc chuông về.

Khi lũ trẻ hạ chiếc chuông xuống trước cổng trường học, thầy Doree vội chạy ra xem. Theo hướng dẫn của thầy, lũ trẻ nhanh chóng kỳ cọ, rửa sạch chiếc chuông bằng gio trộn bột ngói tán nhỏ. Sau đó, chúng dùng giấy ráp đánh sạch những chỗ rỉ sét, nhất là ở miệng chiếc chuông do nó bị đặt trực tiếp xuống đất. Cuối ngày, thầy Doree treo chiếc chuông bằng một chiếc dây gai lên chiếc cột có ghi dòng chữ: “Trường Songwazi”. Màu đồng ánh lên trong cái nắng chiều đông càng trở nên lấp lánh trước những cặp mắt long lanh. Thiết kế lạ mắt của nhà chùa khiến lũ trẻ háo hức, tò mò xen lẫn hạnh phúc.

Sang Chun không tự nhận đánh chuông mà cũng không cho bạn nào khác đánh. Thằng bé cho rằng thầy Doree là người xứng đáng làm điều đó. Thế nhưng thầy Doree lại đưa chiếc vồ gỗ cho Sang Chun, bảo nó đánh lên những tiếng chuông đầu tiên, báo hiệu với dân làng rằng chiếc chuông đã về tới trường.

Sang Chun nhắm mắt, nín thở. Thằng bé chờ một chốc, bởi bàn tay cầm vồ của nó đang run lên bần bật với rất nhiều cảm xúc. Sang Chun gõ mạnh; chiếc chuông vang lên một tiếng trầm hùng, nghiêm nghị, lan xa trong không gian. Tiếng chuông tan dần vào cái tĩnh lặng ngọt ngào. Sang Chun tiếp tục gõ thêm một tiếng, rồi một tiếng nữa. Mỗi tiếng chuông khiến Sang Chun thấy như mình đang bay bổng lên không trung. Lòng tràn đầy hạnh phúc, Sang Chun nhìn về phía ngôi làng, hy vọng tất cả mọi người đều nghe được tiếng chuông và hiểu rằng, một năm học mới sẽ sớm bắt đầu, khởi đầu cho những điều tốt đẹp.

Truyện ngắn của Kim Yong Ik (Hàn Quốc)

MỘNG ĐIỆP (dịch)