Chưa có một sự lý giải nào tôi thấy thỏa đáng. Duy có một lần, trong một bộ phim khoa học về loài chim di trú, tôi thấy cảnh những con chim cất bước nhẹ nhàng trên đồng cỏ, và rồi những làn gió nhẹ thổi đến, hoa cỏ rung động. Những con chim dường như lắng nghe tiếng xôn xao của thời gian, đôi cánh chúng khẽ rung lên, ngập ngừng, rồi gấp gáp. Chúng hướng về những làn gió đang thổi đến, rồi như có ai đó trên cao xanh cất lời mời gọi, một trong số những con chim bước nhanh hơn và vỗ cánh bay lên. Những con khác đầy háo hức lập tức đồng loạt bay theo nó. Chỉ trong chốc lát, đàn chim đã sải cánh trên bầu trời, hướng về nơi mà chúng sẽ đến trú đông, để rồi một ngày kia, khi những làn gió từ quê cũ thổi tới, những đôi cánh lại khẽ ngân rung rồi gấp gáp, chúng lại trở về nơi chúng từng ra đi…

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Tôi từng quay quắt nhớ quê hương chỉ bởi một buổi chiều nào đó làn khói bếp tỏa ra từ một con ngõ nhỏ giữa lòng thành phố. Tiếng một bản nhạc quen thuộc tôi từng nghe khi còn ở nhà với mẹ. Một cơn mưa đang đổ và lá đang rụng trên hè phố. Bạn tôi nói đó là vì tiềm thức của tôi đã được cài đặt sẵn những rung cảm, chỉ đợi những tín hiệu trùng hợp là bùng phát. Vì thế, có những người bỗng nhiên một lúc nào đấy do một tác động, khung cảnh, mùi vị, lời nói, hành vi mà cảm thấy nhớ quê hương, hay nhớ một ai đã từng để lại dấu ấn trong quá khứ của họ.

Bạn là một người trầm lặng, ít khi nói ra những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi cùng quê, cùng nhau xuống thành phố mưu sinh và cùng nhau trọ trong một căn phòng chật chội. Thi thoảng, vào buổi sáng, bạn lại hỏi tôi: “Cậu có nghe tiếng con chim hảo cô không?”. Hôm khác, đang uống trà sáng, bạn ngừng lại và ngẩn người: “Cậu có nghe tiếng con bắt cô trói cột không?”. Những hôm khác nữa, bạn lại thảng thốt về một tiếng chim bìm bịp nào đó. Bạn nói tiếng của chúng vọng lại từ bờ bụi bên những bờ sông, bờ hồ, ao hiếm hoi trong lòng đô thị. Và những tiếng chim đó mới buồn thương tha thiết làm sao…

Tôi không mấy tin bạn đã nghe thấy tiếng của những loài chim đó. Đơn giản, chúng là chim rừng, không thể xuất hiện ở thành phố, trừ khi bị bắt nhốt trong lồng. Và với tôi, tiếng con chim bìm bịp kêu chẳng hề buồn thương như người ta vẫn thường mô tả. Loài chim thông minh này đâu chỉ kêu đúng một điệu, chúng còn vài điệu kêu khác nữa kia… Và dù cố gắng, tôi chỉ nghe thấy tiếng ồn của xe cộ. Tiếng chim duy nhất tôi nghe được ngoài những tán cây thành phố là của lũ sẻ nâu.

Vậy nhưng đúng là những tiếng chim mơ hồ của bạn làm tôi nhớ nhà. Tôi nhớ ngọn đồi sau nhà buổi sáng lích rích tiếng chim. Tôi không biết hết những tiếng hót kia thuộc về những loài chim nào. Những buổi đi công tác vùng núi, trong ánh sáng trong veo của mặt trời chiếu rọi rõ ràng từng ngôi nhà nhỏ như những hạt đậu trên những sườn núi xa, tôi đứng dưới những tàng cây xanh thẫm hoàn toàn vắng tiếng chim kêu. Không phải cứ đến rừng là được nghe tiếng chim hót đâu! Và tôi nhớ về loài chim hảo cô mà người dân quê tôi vẫn kể cho nhau nghe truyền thuyết buồn về chúng. Câu chuyện về hai anh em lạc rừng, người em do hiểu lầm tấm lòng của anh trai, đã biến thành một loài chim, ngày đêm kêu những tiếng buồn thương tìm gọi anh mình. Những nơi tôi từng đến, dù là thành phố hay miền rừng núi xa xôi, tôi đều chưa từng nghe thấy tiếng kêu của loài chim này. Phải chăng chúng là loài chim chỉ sống duy nhất ở quê tôi, trở thành đặc quyền để chỉ những người con xa quê tôi có cớ nhớ về quê nhà?

Tôi và bạn vẫn bám thành phố. Những dự định trở về đều dần mờ phai trong lòng mỗi đứa. Nhưng bạn vẫn nhớ những tiếng chim quê hương. Bạn nói rằng trong số những loài chim nhỏ bé ấy, có một loài dù có bay đi xa đến bất cứ nơi nào, chúng cũng không bao giờ quên cánh rừng nơi chúng được sinh ra và cất tiếng hót đầu đời.

Tản văn của SONG NGƯ