Gấp tập bút ký “Trường Sa, Trường Sa” của Trương Thị Thương Huyền (do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2016), thì những dòng cuối cùng của cuốn sách này với những hình ảnh sống động của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, của biển đảo, trời mây trong mỗi bài bút ký của nó còn ám ảnh tôi mãi. Là người đã được tới Trường Sa, được tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt, luyện tập sẵn sàng chiến đấu của bộ đội ở đảo, song khi đọc tập bút ký này của Thương Huyền tôi mới lại vỡ vạc, khám phá thêm ra nhiều điều dưới góc nhìn và cách viết của chị. Thế là thêm một lần nữa, tôi lại thương nhớ Trường Sa, tự hào về Trường Sa thân yêu của tôi.

Đã có rất nhiều người viết về Trường Sa với đủ các thể tài báo chí, văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều đoàn công tác từ đất liền ra thăm, kiểm tra đảo, trong đó có nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ cùng đi thì điều kiện để viết về Trường Sa càng thuận lợi hơn. Vì thế, hình ảnh Trường Sa thân yêu càng hiện rõ hơn, gần gũi với đất liền hơn. Tuy nhiên, trong một chuyến tàu công tác, khi có rất nhiều nhà báo, nhà văn tác nghiệp, nếu không khéo các tác phẩm sẽ trùng lẫn nhau, sẽ đơn điệu, khô cứng. Biết được điều này, Thương Huyền đã chọn góc nhìn khác, cách viết khác sâu lắng hơn, trầm tĩnh hơn, khai thác những khía cạnh tâm hồn, những câu chuyện rất đời của những cán bộ, chiến sĩ ở đảo với những dòng văn lung linh, sống động đi vào lòng người, đó là bút ký văn học. 12 bút ký trong tập sách là những lát cắt cuộc sống bộ đội ở biển đảo mà dẫu chưa ra được đến đó, khi đọc lên ai cũng cảm thấy như đã được đằm mình trong đó.

leftcenterrightdel
Kéo thuyền chuyển tải vào đảo An Bang. Ảnh: Phúc Thắng. 
Đi biển ra khơi gặp những ngày biển động thì say sóng là tất nhiên rồi. Đó là trải nghiệm đầu tiên đi biển đấy. “Có những con sóng giận dữ chồm lên, hất cả tảng nước to tướng vào xuồng, trùm lên tất cả đám người đang ngồi, ướt sạch. Có lúc xuồng tụt xuống chân một con sóng lớn. Từ trong lòng xuồng nhìn lên, thấy vây bốn phía đều là tường thành nước”. Đọc chị tả cái cảnh từ tàu xuống xuồng vào đảo phải lựa theo con sóng thế nào để khỏi bị té ngã, khỏi bị kẹt chân tay dính tai nạn đã thấy rùng mình. Phải quan sát tỉ mỉ, phải thực tế trải nghiệm mới viết được như thế. Không chỉ say sóng nước, Thương Huyền còn phát hiện ra “say đất” nữa. “Cảm giác “say đất” khi lên bờ kinh hãi hơn rất nhiều. Trong cái loáng thoáng nửa mê, nửa hư nửa thực của một người nhận biết rõ ràng mình vẫn thức, rõ ràng mình đang bước đi trên đất bằng mà vẫn thấy như đang ở trên tàu, đang rung lắc, chao đảo theo nhịp điệu của sóng”.

Qua được sóng gió rồi, tới đảo, gặp được cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng những sinh hoạt nơi đây, Thương Huyền đã giới thiệu cho chúng ta khá nhiều hình ảnh lạ, hiếm mà chỉ ở Trường Sa mới có. Đây là đội “vệ binh” độc đáo với những “chiến sĩ” toàn là những chú khuyển đáng yêu. “Chúng có mặt ở khắp nơi, trong doanh trại, ngoài công sự, bên cầu cảng. Chúng tham gia vào tất cả các công việc của bộ đội, từ tuần tra, canh gác, đến đuổi cá, săn tuộc và có cả đội hình đón khách quan trọng mỗi khi có khách từ đất liền ra”. Xem chị tả đội chó đón khách (“ngửa cổ, hếch mõm, nhất loạt tru trả lời, hưởng ứng tiếng kèn đón khách”, “nhào xuống nước, ì oạp bơi ra dẫn xuồng vào”), chó chia tay chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền (“Chó khắp các ngõ ngách của đảo kéo về. Con cắn gấu quần, con gác hai chân lên vai lên cổ, con chó đốm trắng nhảy hẳn vào lòng Thuận” “liệu có cuộc chia tay nào ân tình, da diết hơn thế giữa vật và người”), chó cảnh giác với kẻ lạ trước những “điểm cấm” “điểm nhạy cảm”, “cấm quay phim chụp ảnh”; chó bắt cá, chó trông coi đàn vịt… thì đúng là chỉ ở Trường Sa mới có. Chả thế mà các chiến sĩ của ta đặt tên cho từng chú chó với những cái tên thật kêu, thật hay, toàn ca sĩ, nghệ sĩ mà họ yêu thích, thần tượng. Chó ở đây là người, là bạn chứ đâu còn là chó nữa.

leftcenterrightdel
 Chăm sóc rau trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Phúc Thắng.
Cái cách trồng rau để có được màu xanh ở đảo thì cũng chỉ Trường Sa mới thế. Với đảo nổi thì “phải quây những “thửa ruộng” hơn chục mét vuông” bằng những vật liệu có thể che cát, che hơi mặn của nước biển, che gió biển và những thứ che chắn đó liên tục phải xoay theo hướng gió theo kiểu “gió chiều nào che chiều ấy” thì rau, mướp, bí, bầu mới lên được. Nước tưới cũng là một vấn đề nan giải. Phải theo đúng quy trình tiết kiệm. Vo gạo xong phải để rửa rau, rửa mặt xong phải để giặt quần áo. Ba ngày tắm một lần. Khi tắm thì “phải xoa xà phòng, dầu gội đầu rồi ra tắm biển. Từ biển lên, bộ đội đứng vào cái chậu to, ca nước đầu tiên tráng người được dồn xuống hố đào gần đó để vịt bơi lội từ biển vào sẽ bơi trong đó bớt mặn và nhanh đẻ trứng. Ca còn lại, bộ đội tráng người lần thứ hai dùng để tưới rau”. Nước ngọt ở đây quý hơn vàng. Với đảo chìm thì bộ đội trồng rau trong hộp xốp, cả vỏ đồ hộp. Đất theo các con tàu từ đất liền mang ra. Các hộp xốp đó xếp thành hàng và cũng phải che chắn gió. Khi tưới rau thì “nhẹ nhàng dùng chiếc muôi múc canh múc từng muỗng nước rồi một tay nâng nhẹ tàu lá rau cải nhỏ nhắn, tay kia lựa tưới muỗng nước vào đúng gốc cây cải”. Thật kỳ công để có được màu xanh ở đảo.

Chính vì nước ngọt quý như thế mà ở “Trường Sa này, khi trời đổ mưa là trời đem vàng đổ xuống đảo. Và dường như còn hơn cả vàng nữa. Vàng không có giá trị gì trên đảo nếu đem so sánh với nước ngọt”. “Khác với trong đất liền, người và vật vội chạy vào nhà khi mưa đến, thì ở đây, bộ đội và cả những vật nuôi ngoài đảo Trường Sa chạy cả ra sân khi những hạt nước đầu tiên rớt xuống” (Thư gửi người làng từ “mép xanh”).

Ngay cái ổ gà ấp cũng khác trong đất liền. “Ở đây, giữa Trường Sa thông thốc gió, ngùn ngụt nắng, trong chiếc thau nhựa nhỏ đã cũ, dưới lớp lá mù u, lá phong ba hay những loài lá nào khác nữa có trên đảo là những chiếc quần đùi có sọc xanh hai bên đùi (loại quần lót rất đặc trưng của lính hải quân) lót thành ổ cho mẹ con gà nhà ấp ủ” (cùng trong bút ký trên). Đấy cũng là một sự lạ, khác biệt của đảo. Thì ở đảo lấy đâu ra rơm rạ mà làm ổ gà được cơ chứ? Để có được tiếng gà trống gáy trưa, tiếng gà mẹ cục tác, tiếng gà con lích chích ở đảo đâu phải chuyện dễ dàng. Lính đảo phải biết bao nhiêu sáng tạo, kỳ công chăm nuôi chúng mới có được đấy chứ. 

leftcenterrightdel
 Hải đăng trên đảo An Bang. Ảnh: Phúc Thắng.
Đến với đảo Song Tử Tây - đảo lớn thứ hai sau đảo Trường Sa lớn với nhiều “cái nhất” như: được giải phóng sớm nhất, có ngọn hải đăng cao nhất và xây dựng lâu đời nhất, đảo xa nhất (được coi là điểm cực tây của Tổ quốc trên biển), duy nhất trong các đảo Trường Sa nuôi được bò, Thương Huyền chợt nghe tiếng chuông chùa và tiếng ê a học bài của lũ trẻ khiến chị ngỡ ngàng, bâng khuâng. Chị viết: “Mỗi sáng, mỗi chiều, tiếng chuông chùa ngân nga khiến đất liền gần lại với những người lính đảo”. “Giữa cái nắng cồn cào của Song Tử Tây, giữa cái mưa xối xả của Sơn Ca, giữa thông thốc của gió biển trên Nam Yết, những ngôi chùa Việt đã thực sự trở thành nới gắn kết những cư dân trên đảo lại với nhau. Mái cong của mỗi ngôi chùa dường như trở thành nơi tụ hội của hồn Việt trên các đảo” (Hồn Việt nơi đầu sóng). Thật sâu sắc và ý nghĩa.

Cái cụm từ “giáo viên cắm biển” cùng với lớp học “3 trong 1” với cách “soạn giáo án theo những chủ đề” của giáo viên trên đảo Song Tử Tây cũng là sự phát hiện của Thương Huyền. Chị “từng có hàng chục năm theo nghề “gõ đầu trẻ” nhưng cũng phải thán phục sự sáng tạo của hai thầy giáo trẻ của trường tiểu học xã đảo Song Tử Tây”. Lớp học chỉ có 6 học sinh nhưng ở 3 trình độ khác nhau. 2 học trò lớp ba, 2 học trò lớp 2 và 2 trò nhỏ xíu đang nhảy tót vào lòng thầy. “Buổi sáng, thầy Quyết dạy toán, tập đọc cho hai trò lớp ba rồi quay sang dạy tiếng Việt, đạo đức cho hai trò lớp hai trước khi dạy hai bé mẫu giáo còn lại tập tô màu. Buổi chiều, thầy Mạnh đảm trách nhiệm vụ vừa dạy vừa dỗ tất cả các trò như kiểu quản lớp trong đất liền” (Những người “ươm mầm chữ” giữa biển khơi). Đọc bút ký này vừa thương các cháu bao nhiêu lại trân trọng và quý mến nghị lực, sáng kiến hết lòng vì học trò thân yêu trên đảo của các thầy bấy nhiêu.  

Với Trường Sa còn rất nhiều chuyện lạ nữa của lính đảo và của biển. Chuyện đón Tết của đảo nổi và đảo chìm với bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, chuyện giữ lá dong hàng tháng trời để đến Tết gói bánh, chuyện thèm rau hơn thèm cá thịt… Và đặc biệt tình người trên đảo mới thân thiết và quý trọng biết nhường nào. “Ở Trường Sa, người ta gọi đồng hương bằng một từ rất giản dị: “QUÊ”! Chưa cần biết bạn tên gì, bao nhiêu tuổi, chỉ cần biết bạn cùng quê với họ, lạp tức bạn sẽ được những người lính gọi hết sức thân mật: “Quê ơi!”. Cái tên chung thân thương ấy cứ réo rắt trên tàu, trên đảo…, kéo người xích lại với người”. Chính vì thế, “Song Tử Tây, một cuộc họp đồng hương Hải Dương rất nhanh chóng được tổ chức tại cụm chiến đấu số 3 - cụm có nhiều anh em QUÊ nhất”. Sẻ chia chung vai gánh vác khó khăn, giúp đỡ động viên nhau khi hoạn nạn, giúp nhau cùng tiến bộ, luôn kiên định nơi đầu sóng ngọn gió là bản chất tính cách của những người lính đảo. Không chỉ người với người mới thế mà cả con vật với con vật, con vật với con người cũng yêu thương, gắn bó nhau thân thiết. Bút ký “Đội vệ binh độc đáo ở Trường Sa” sẽ thấy rõ điều này. Thủ trưởng chuyển công tác sang đảo khác mấy năm trời khi quay lại thăm đảo cũ, con chó vẫn vẫy đuôi, quẩn chân mừng rối rít. Hay chuyện “bố vịt, con gà”, “chó trông coi đàn vịt” mới ngộ nghĩnh và đáng yêu làm sao. “Trường Sa đúng là mảnh đất thử thách nghị lực mỗi con người. Mảnh đất khắc nghiệt ấy cũng là nơi đo độ ấm lạnh tình người chẩn xác nhất. Và nếu tình người làm Trường Sa ấm lên, sáng lên, xanh lên thì tình người trên các đảo nổi, đảo chìm của quần đảo này neo lại với nhau, kết thành pháo đài giữ đảo, giữ biển” (Trường sa - Đất ấm tình người).

Thương Huyền còn cho ta thấy cảnh vớt cá giữa biển Đông, câu cá đêm trên biển, đuổi cá ở rặng san hô cùng những đặc sản chỉ Trường Sa mới có. “Chó Sơn Ca, gà Song Tử”, ốc vú nàng nướng, ốc nhảy luộc sả, thịt lợn cuốn lá tra biển, cà bát muối xổi, sa lát rau cải mầm… Hai bút ký “Đuổi cá ở Trường Sa” và “Đặc sản giữa trùng khơi” đọc rất thú vị. Được trải nghiệm như thế cũng đáng một chuyến đi. Bao gian khó, mệt nhọc dường như cũng tiêu tan hết. Giá như biển khơi cứ thanh bình như thế, không còn thế lực thù địch nào dòm ngó bành trướng để biển lặng, trời yên thì những tua du lịch ra đây đảm bảo sẽ hơn bất cứ đến một nơi nào khác trên đất liền.

Với góc nhìn sắc sảo, chọn chi tiết đắt, cách hành văn khoáng đạt, biến hóa, lúc thủ thỉ tâm tình trong “Thư gửi người làng giữa mép xanh”, khi rộn ràng tung tẩy với “Đuổi cá ở Trường Sa”, “Đặc sản giữa trùng khơi”, lúc lại bay bổng, phiêu diêu trong “Hồn Việt nơi đầu sóng”, khi mê mải miên man cùng “Sắc xanh nơi Tổ quốc bắt đầu”, lúc lại trầm tư sâu lắng với “Tết ở đảo chìm” và “Những người “ươm mầm chữ” ở Trường Sa”…, Thương Huyền đã đưa độc giả ra khơi đến tận miền biên viễn của Tổ quốc. Để rồi từ đó cùng chị thêm yêu quý, tự hào về Trường Sa thân yêu, khẳng định thêm một lần nữa chủ quyền thiêng liêng nước Việt.

Đã tới Trường Sa rồi, đọc tập bút ký này của chị khiến tôi càng thương nhớ Trường Sa hơn. Và những ai chưa được đến đó, hãy đến với tập bút ký này của Thương Huyền để cảm nhận về điều đó. Chúc mừng thành công mới của chị qua tập bút ký ăm ắp hơi thở Trường Sa này.

ĐỖ XUÂN THU