Không biết từ bao giờ, người dân quê tôi vẫn truyền nhau câu ca dao tình tứ ấy. Chợ Bái, chợ Chằm là hai chợ nổi tiếng ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Chợ Chằm họp ngày một, ngày bốn, ngày tám, chợ Bái họp ngày hai, sáu, chín trong tháng theo âm lịch. Ngày trước, chợ quê là nơi mua nơi bán sản vật của người dân quanh vùng. Nhấp nhánh tựa sao sa là đỗ, lạc, vừng từ các thôn ven sông Hồng chuyển xuống. Gạo tẻ mộc tuyền, gạo nếp mây, nếp quýt của những thôn chiêm trũng đưa lên, trắng ngần một màu tuyết vun đầy trong thúng đại của các bà hàng xáo. Tôm, cá, cua, ốc... từ đầm Chìa, đầm Tè, sông Nhuệ theo chân những người làm nghề chài lưới về chợ. Ốc, hến im lìm chồng chất lên nhau giữa các sảo, mẹt, họ nhà cua lớn, bé ngay ngắn xếp hàng trong những xóc dài bằng cả sải tay, cá ũng oẵng trong thúng sơn đen, tôm tanh tách trong thùng tôn thật là vui nhộn. Bốn mùa rau xanh, củ, quả từ hai làng Vân, Sộp góp cái mơn mởn, căng đầy cho chợ. Nông cụ, đồ dùng bằng sắt, đồng được những nhà buôn từ vùng Guột, Lịm đưa xuống.
Quà quê nổi tiếng nhất là bánh đa vừng của làng Hòa Khê Hạ, Hòa Khê Thượng. Suốt buổi chợ chiếc chậu than hoa của cô bán hàng hồng rừng rực. Bàn tay khéo đảm của cô lật qua lật lại mấy lượt là chiếc bánh phồng lên, ngỡ như bầu trời đầy sao vừa sà xuống. Ăn bánh đa vừng, cắn thêm miếng cùi dừa bánh tẻ thì không thức quà gì mê bằng. Cái sự mê ấy theo mãi các cô gái, từ thời thơ dại ở nhà mình cho đến khi xuất giá về nhà người vẫn không hết mê. Phiên chợ ngày mồng một, ngày mười bốn sẽ có hoa từ những khu vườn mạn Du Mi (Duy Tiên, Hà Nam) chuyển đến. Mùa hạ, sen là loài hoa được nhiều người tìm mua. Người bán không nói thách, người mua không mặc cả. Hoa chưa chạm bàn tay nhau đã thắm trong ánh mắt, tỏa hương trong lòng. Dăm búp sen thơm kính cẩn dâng lên ban thờ Phật, dâng lên tiên tổ... mong được thấu tỏ thiện lành.
 |
Chợ Tết quê. Ảnh: TTXVN.
|
Chợ quê càng gần gũi, thân thương bởi chợ quê còn là nơi người quê giao tình. Bạn bè, chị em lâu ngày không gặp, kê chiếc đòn gánh xuống là rủ rỉ chuyện chồng con, đồng áng, xóm làng. Con cháu lấy vợ, lấy chồng ngoài làng lâu chưa về thăm nhà không quên gửi đồng quà, tấm bánh nhờ người làng mang về biếu ông bà, cha mẹ, họ hàng lấy thảo. Và biết bao ánh mắt tình tứ kiếm tìm của trai gái trong vùng đã thấy nhau mà nên duyên chồng vợ từ những buổi chợ quê. Để rồi trai gái đời nối đời truyền trao kinh nghiệm: “Trai khôn kén vợ chợ đông/Gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân”. Chợ quê-nỗi nhớ mong, day diết, nơi chốn đi về trong tâm tưởng của những người góc bể chân trời phiêu dạt. Cắt cứa lòng ai bóng mẹ tảo tần gánh hàng về chợ, gánh cả cơn mưa, cái nắng về nhà. Rưng rưng gói kẹo bột, chiếc bánh đa vừng mẹ trao con nơi đầu ngõ. Và chiếc áo mới phiên chợ cuối năm mà cha mẹ nhịn ăn, nhịn mặc để mua cho đàn con thơ sẽ làm mắt ai cay...
Xa quê, mỗi dịp về làng tôi thường dắt các con xuống chợ. Năm qua năm, lại thấy hồn vía chợ xưa hao vơi một phần. Người quê ít đi chợ Bái, chợ Chằm vì trong vùng dăm cái chợ cóc đã mọc lên, hàng quán dọc trục đường liên thôn, xã cũng nhiều. Không còn lá dong, lá chuối tươi gói hàng, túi nilon bay tứ tung góc chợ, nổi lềnh bềnh trong mương máng. Kẹo bột từ lâu không người bán, hiếm lắm mới gặp được người bán bánh đa vừng. Hàng ít, người thưa nên nửa chợ Chằm người ta dùng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, cả ngày khói bụi mịt mù, một góc chợ Bái có gia đình kia đã thuê làm nơi sản xuất bia mộ cho người cõi khác.
Một hôm nào đó trên đường xuống chợ, tôi đã ngồi lặng bên đám cỏ ven đường, nhìn ra bụi đỏ để tìm những dấu chân xưa.
TÂN NGUYỄN