Màn trời đang chơm chớm xanh, thảng hoặc điểm gợn mây xám lơ thơ... Vài giọt nắng rơi khẽ sau chái bếp, xúm lại vàng óng chỗ mẹ hay ngồi vo gạo. Nắng hoa lên ảng nước đã sứt mất một chân. Nắng đấy, mà gom hết lại cũng không đủ sưởi ấm lòng mẹ.

Hết Tết. Con đi. Bước ra khỏi cổng nhà là vùng trời phì nhiêu con khát. Tay trái cầm túi nilon, bên trong mẹ gói kỹ mấy đòn bánh tét, lá chưa kịp trở màu. Tay phải nhớm kéo va li mà không dám ngoảnh lại nhìn mẹ lần nữa, sau tiếng thưa khẽ: Mẹ, con đi! Con rời nhà lúc chiều muộn. Ráng vàng đậu trên vai bị hơi thở dài của mẹ, làm giật mình, quày quả trốn biệt. 

leftcenterrightdel
 
Con đi rồi, mang theo bếp lửa ấm nồng ba ngày Tết. Mới hôm qua thì phải, mẹ còn hì hụi băm củ hành tím ướp thịt, chờ than hừng, nóng vỉ, nướng thịt ba chỉ cho con ăn. Mẹ nhón miếng thịt nóng bằng ngón trỏ và ngón cái đã nhăn nheo, thổi phù phù trong lúc con chồm hổm há miệng chờ. Hệt năm con mới đứng ngang đùi mẹ. Cũng nắm kéo ống quần mẹ vòi bánh kẹo, áo mới. Cũng đòi ăn như chú chim nhỏ ríu rít tối ngày. Mà giờ, coi kìa, lửa không buồn nồng. Mấy que củi nấu dở lên cơn sốt mê man, vùi đầu trong đống tro từ hôm qua. Củi chưa lần cháy, mạnh đứa nào đứa nấy đứng, nằm, bất cần như đứa trẻ ngỗ nghịch không nghe lời mẹ. Lạnh lẽo. Chỏng chơ. Quanh soong nồi đã ráo Tết.

Mẹ bước chậm ra sau hè. Đám rau lởm chởm ngơ ngác nhìn mẹ. Con thích món cải ngọt nấu chua. Canh chua của con thiếu bạc hà, me tươi hay ngò tàu… nhưng nhất định không thiếu cay nồng của cải đã thành niên. Thành phố con ở thừa mứa, đâu chỉ mỗi món này. Song, con hay mơ về khóm rau mẹ chăm sóc. Con bảo chỉ có cải của mẹ, thả vào nồi canh chua mới ngon. Thứ canh lõng bõng con húp mỗi ngày lạnh như hơi thở người dưng. Cải của mẹ. Cải của lưng còng bao ngày xổm trên đất đỏ, tỉa từng lá sâu, phẩy từng giọt nước mát, làm dịu hơi nắng cuối tháng Chạp, mới thật đậm đà. Mẹ chăm chút từng cây nhỏ, gửi hết thương yêu, trông đợi, nhắc nhớ. Để con về, sà vào vườn rau mà nghe cải rủ rỉ. Con nghe, như chấp chới giữa bao la lòng mẹ. Bâng khuâng muốn dừng chân bên mẹ đời đời. Về, bải hoải lâu ngày trên mặt con nay tỉnh táo, hồn nhiên tựa đứa trẻ chưa một lần mất mát.

Rồi những ngày xuân sà trên lộc biếc, con và mẹ nếm lại mùa xưa. Kệ cho thịt thà, bánh trái mỏi mòn chờ đến lượt. Con lên giường sớm hơn ở phố, co hai gối, thu vai áp vào người mẹ. Trong giấc mơ của con, buổi sớm mai theo mẹ ra chợ bán vạn thọ thức dậy. Cô bé nhỏ con mà sạch sẽ, vẫy con lại ngồi cùng. Nhìn từ trước, mấy chậu vạn thọ che cả người hai đứa bé, chỉ lộ ra cặp ngấn cổ trắng ứ nự và hai gương mặt như hai giọt nước. Nụ cười của hai đứa bé, như màu vạn thọ, sóng sánh mật ong.

Bao nhiêu năm rồi, con hoài thủ vai người ra đi trong bộ phim “Đi, ở, nhớ, về” chưa có tập cuối. Còn mẹ, đằng đẵng bên kia con dốc đời. Mỗi năm, mỗi Tết. Một lần Tết, vài ngày mà con tưởng như có hai mùa đi qua trên mái đầu mẹ. Mùa trở về và Mùa ra đi. Mẹ vồn vã gỡ ba lô trên vai con đấy. Rồi, cũng ngay đấy, lủi thủi sửa soạn hành lý cho con lên đường về phố. Hễ thêm một “hai mùa” đi qua, tóc mẹ thêm lấm tấm bạc. Có vài sợi bạc đã rụng, thay bằng sợi bạc khác. Mẹ vo những sợi rụng, rối cả lòng con…

Ngày vui qua mau, chiều tàn con đi, ngồng cải rướn theo bóng con. Ngồng cải dài ngoẵng ra, xanh xao, bịn rịn. Ngày mai cây cải về trời, con có theo cải hay bần thần đứng giữa lam chiều, quay quắt nhớ?

Tản văn của PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG