Có một người bạn kể tôi nghe câu chuyện thế này:
“Khi còn đang học ở Mát-xcơ-va, tôi tình cờ ở gần một trong những người phụ nữ tiếng tăm đáng ngờ. Đó là một phụ nữ người Ba Lan có tên Tê-rê-da, cao lớn, da ngăm ngăm, lông mày đen, rậm và một khuôn mặt lớn, thô ráp như thể được một nhà điêu khắc nào đó tạc nên bằng một chiếc rìu. Đôi mắt đen ánh lên nét suy đồi, chất giọng trầm, dáng người như một gã đánh xe và thân hình cơ bắp của một bà bán cá gợi lên trong tôi cảm giác kinh sợ.
Tôi ở tầng trên cùng và căn gác xép của cô ta đối diện phòng tôi. Tôi không bao giờ mở cửa khi biết cô ta ở nhà, nhưng dẫu sao thì cũng rất hiếm khi như vậy. Đôi lúc tôi cũng tình cờ gặp cô ta ở cầu thang hoặc trong khuôn viên tòa nhà. Cô ta thường mỉm cười với tôi, một nụ cười mà với tôi thì có cả nét tinh quái và yếm thế. Thỉnh thoảng, tôi cũng thấy cô ta say rượu, mắt lờ đờ, tóc tai bù xù, và nụ cười đặc biệt ghê gớm. Những dịp như thế cô ta sẽ bắt chuyện với tôi.
“Khỏe không, quý ngài sinh viên!”, cô ta hỏi và tiếng cười ngu ngốc của cô ta khiến tôi càng thấy ghê sợ. Lẽ ra tôi đã chuyển chỗ ở để tránh những màn chào hỏi như vậy. Thế nhưng căn phòng nhỏ tôi đang ở lại rất đẹp, có tầm nhìn rộng từ cửa sổ, và rất yên tĩnh. Tôi đành chịu.
Một sáng, tôi đang nằm dài trên đi-văng, cố kiếm một cái cớ để không phải tới lớp thì cửa bật mở. Cái giọng trầm đáng sợ của Tê-rê-da vang lên:
- Chúc sức khỏe cậu, quý ngài sinh viên!
- Cô muốn gì? - tôi hỏi.
Tê-rê-da lộ vẻ bối rối và đầy cầu khẩn... rất không bình thường.
- Tôi muốn cầu xin một ân huệ. Mong cậu giúp tôi!
Tôi nằm đó, im lặng nghĩ: "Hãy lịch sự và can đảm lên nào!".
- Tôi muốn gửi thư về nhà - cô ta nói, giọng cầu khẩn, nhỏ nhẹ và có chút rụt rè.
"Quỷ tha ma bắt cô đi!". Tôi nghĩ, nhưng cũng nhỏm dậy, ngồi vào bàn, lấy ra một tờ giấy, bảo: “Cô đọc đi!”.
Cô ta đến bên, thận trọng ngồi xuống, nhìn tôi với một cái nhìn của một người có tội.
- Cô muốn viết cho ai?
- Cho Bô-lê-xláp Kát-xpút, ở thị trấn Zvi-ép-ti-a-na, Vác-xa-va...
- Được rồi, đọc đi!
- Bô-lít thân yêu của em... Anh yêu... người yêu thủy chung của em. Xin Chúa ban phước lành cho anh! Trái tim vàng của em ơi, sao lâu rồi chẳng viết một dòng cho con bồ câu nhỏ sầu não Tê-rê-da này?
Suýt chút nữa tôi đã bật cười thành tiếng. “Con bồ câu nhỏ sầu não!”, cao lớn, có nắm đấm to bằng hòn đá tảng, da đen như thể đã sống cả đời trong ống khói và chưa từng tắm rửa bao giờ! Cố nín cười, tôi hỏi:
- Bô-lít là ai vậy?
- Bô-lít là chàng trai trẻ của tôi - Tê-rê-da nói, vẻ không vui.
- Chàng trai trẻ của cô ấy à!
- Sao cậu lại ngạc nhiên đến vậy? Tôi là một cô gái kia mà, không thể có chàng trai trẻ cho riêng mình hay sao?
- Ồ, tại sao lại không? - Tôi nói - Anh ta là bạn trai của cô lâu chưa?
- Sáu năm rồi.
- Rồi! Tiếp tục đi...
- Chân thành cảm ơn lòng tốt của cậu - Tê-rê-da nhún người - Có lẽ tôi cũng nên làm gì đó bù lại cho cậu!
- Ồ không, tôi rất cảm ơn cô.
- Tôi có thể vá lại áo sơ mi hoặc quần cho cậu được chăng?
Tôi đỏ mặt xấu hổ. Tôi kiên quyết bảo cô ta rằng tôi chưa có việc gì cần nhờ cô ta.
Tê-rê-da ra về.
Khoảng một, hai tuần sau đó, tôi đang ngồi huýt sáo bên cửa sổ và suy nghĩ cách vượt qua bản thân. Tôi đang chán nản; thời tiết thì sụt sùi, chẳng có tâm trí nào mà ra ngoài. Và để khỏi buồn chán, tôi bắt đầu tự phân tích và phê bình bản thân, vốn cũng là một công việc hết sức buồn tẻ, nhưng tôi chẳng muốn làm bất cứ điều gì khác. Cánh cửa phòng bật mở. Trời đất ạ! Một bóng người bước vào.
- Ồ, quý ngài sinh viên, hy vọng là cậu không bận việc.
- Không đâu. Có việc gì vậy?
- Tôi muốn cậu lại viết hộ tôi một lá thư.
- Được thôi! Gửi Bô-lít phải không?
- Không, lần này là từ anh ấy.
- Cái gì cơ?
- Tôi thật là đần độn! Không phải là cho tôi, tôi xin lỗi. Lần này là gửi cho một người bạn của tôi, có thể nói là, không phải bạn mà là một người quen. Anh ta cũng có người yêu giống như tôi đây, Tê-rê-da. Vậy đó. Cậu có thể viết một bức thư cho Tê-rê-da được không?
Tê-rê-da đầy bối rối, những ngón tay run rẩy. Ban đầu tôi cũng hơi khó hiểu, nhưng ngay sau đó tôi hiểu ra vấn đề theo cách của mình.
- Nghe này, quý bà của tôi - tôi nói- Chẳng có Bô-lít hay Tê-rê-da nào hết. Cô đã dành cho tôi cả một sự dối trá. Tốt hơn hết là cô không nên đến đây nữa. Tôi không có bất cứ mong muốn làm quen nào với cô hết. Hiểu không?
Đột nhiên cô ta trở nên sợ hãi và quẫn trí đến kỳ lạ. Cô ta cứ đổi chân liên tục, lắp bắp một cách khôi hài như thể muốn nói điều gì đó mà không thể. Tôi đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra, rồi thấy rõ ràng tôi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi nghi ngờ cô ta đang tìm cách lôi kéo tôi ra khỏi con đường đạo đức. Đó là một cái gì đó rất khác.
"Quý ngài sinh viên à!" - cô ta đột nhiên phẩy tay, bước nhanh về phía cửa, đi ra ngoài. Có tiếng cửa đóng sầm... Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định sang mời cô ta quay lại và viết mọi thứ cô ta muốn.
Tôi bước vào căn hộ của Tê-rê-da, nhìn quanh. Cô ta đang ngồi trước bàn, gục đầu lên hai tay.
“Nghe tôi nói này”-tôi bảo.
Ngay cả bây giờ, và bất cứ khi nào nhớ đến thời điểm này trong câu chuyện, tôi luôn cảm thấy hối tiếc về sự vụng về và ngu ngốc của mình!
Tê-rê-da nhảy khỏi chỗ ngồi, đi thẳng về phía tôi, mắt lóe sáng, đặt tay lên hai vai tôi và thì thầm cái chất giọng trầm đặc biệt của mình:
- Nghe này anh bạn! Thế này nhé. Chẳng có Bô-lít hay Tê-rê-da nào hết. Nhưng điều đó có gì quan trọng với cậu không? Có quá khó khăn để cậu đặt bút viết vài dòng không? Cả cậu nữa! Vẫn chỉ là một cậu nhóc tóc vàng mà thôi! Không có ai, hoàn toàn không có ai cả, không Bô-lít cũng chẳng Tê-rê-da. Chỉ có mình tôi. Thế đấy, nếu điều đó làm cậu thấy vui!
- Xin cô thứ lỗi! Nhưng tất cả chuyện này là sao? Không có Bô-lít, đúng không?
- Không. Thế thôi.
- Và cũng chẳng có Tê-rê-da?
- Cũng không. Tôi là Tê-rê-da.
Tôi nhìn Tê-rê-da chăm chăm, cố gắng hiểu xem ai trong hai chúng tôi đang không hiểu vấn đề. Nhưng Tê-rê-da đã lại đi về bàn, tìm kiếm thứ gì đó. Quay trở lại phía tôi, Tê-rê-da nói với giọng đầy tổn thương: “Nếu viết cho Bô-lít khó đến vậy thì đây, cậu hãy cầm lấy đi! Sẽ có người khác viết hộ tôi”.
Trong tay Tê-rê-da là lá thư gửi cho Bô-lít tôi đã viết hộ hôm trước. Chao ôi!
- Chuyện này nghĩa là sao? Tại sao cô phải nhờ người khác viết trong khi tôi đã viết hộ cô. Và tại sao cô không gửi thư đi?
- Gửi đi đâu kia chứ?
- Đi đâu ư? Bô-lít chứ sao.
- Chẳng có ai là Bô-lít cả - Tê-rê-da dang rộng hai tay như thể ngay cả bản thân cũng không hiểu lý do tại sao - Nhưng tôi muốn có một người như thế tồn tại... Chẳng phải tôi cũng là một sinh vật sống như tất cả mọi người hay sao? Vâng, vâng, tôi biết, tôi biết, tất nhiên là tôi biết... Việc tôi viết thư cho anh ấy chẳng có gì là tai hại cho ai hết...
- Xin lỗi, cô viết cho ai chứ?
- Tất nhiên là cho Bô-lít.
- Nhưng anh không tồn tại.
- Than ôi! Không tồn tại thì sao chứ? Tôi viết thư cho anh ấy như thể anh ấy đang tồn tại. Và Tê-rê-da, là tôi đó, và anh ấy viết thư trả lời tôi, rồi sau đó tôi lại viết cho anh ấy...
Cuối cùng thì tôi cũng hiểu. Và cảm giác của tôi lúc đó là đau khổ, rất đau khổ và xấu hổ. Ở ngay cạnh tôi đây, cách không quá ba bước chân, có một “sinh vật” mà người ta gọi là “con người” không được ai trên thế giới này đối xử tốt và dành tình cảm cho “con người” ấy. Và “con người” ấy đã phải phát minh ra một người bạn cho mình!
"Giờ thì hãy nhìn xem. Cậu viết hộ tôi một lá thư cho Bô-lít. Tôi đưa bức thư đó cho một người khác, nhờ người đó đọc nó cho tôi nghe. Tôi nghe và tưởng tượng rằng Bô-lít đang tồn tại. Tôi lại nhờ cậu viết cho tôi một bức thư từ Bô-lít gửi tới Tê-rê-da, tức là gửi cho tôi ấy. Rồi tôi lại nhờ người đọc. Lúc đó, tôi sẽ tin chắc rằng Bô-lít thật sự tồn tại. Như thế, cuộc sống có phải sẽ dễ dàng hơn với tôi không?”.
“Quỷ tha ma bắt. Mình thật là ngu xuẩn”. Tôi tự xỉ vả khi nghe Tê-rê-da giải thích.
Và từ đó, cứ hai lần một tuần, tôi viết một bức thư cho Bô-lít và một bức thư từ Bô-lít gửi Tê-rê-da. Tôi đã viết rất hay... Tất nhiên là Tê-rê-da lắng nghe những bức thư đó và khóc ồ ồ. Và để đổi lại, Tê-rê-da khâu các vết thủng trên tất và các thứ quần áo khác của tôi. Khoảng ba tháng sau, Tê-rê-da bị bắt vì một lý do gì đó. Giờ thì có lẽ cô ta đã chết".
Anh bạn tôi gạt tàn thuốc, trầm ngâm nhìn lên trời, kết luận:
Đúng thế! Con người, khi đã nếm thử những điều cay đắng thì lại càng chờ mong những ngọt ngào của cuộc sống. Và chúng ta chẳng bao giờ hiểu được điều này khi bị giới hạn trong cái vỏ bọc của đạo đức, nhìn nhận về người khác qua lớp sương mù của tính tự phụ và bị thuyết phục bởi việc chúng ta không hề có khiếm khuyết nào.
Và như vậy, mọi thứ trở nên ngớ ngẩn và cực kỳ tàn nhẫn. Những con người bỏ đi, như chúng ta vẫn nói. Họ là ai kia chứ? Trước hết, họ vẫn là những con người có xương, có thịt, có máu chảy trong huyết quản và có dây thần kinh như chính chúng ta. Chúng ta đã nói thế suốt ngày này qua tháng khác. Có lẽ nào chúng ta đã trở nên suy đồi bởi chính những gì được rao giảng về chủ nghĩa nhân văn? Nếu thế, chúng ta cũng là những kẻ bỏ đi. Và, như những gì tôi có thể thấy, chúng ta đang rơi rất sâu vào vực thẳm của sự tự phụ và niềm tin rằng chúng ta không hề khiếm khuyết. Nhưng thế là đủ rồi. Điều đó đã xưa như Trái đất - quá xưa cũ đến độ thật đáng xấu hổ khi phải nói về nó. Xưa cũ! Đúng thế, thực sự là xưa cũ!
Truyện ngắn của MẮC-XIM GÔ-RƠ-KI (Nga)
HUY PHONG (dịch)