Lửa nghề vẫn cháy

Hơn 600 nghệ sĩ của 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thể hiện 20 vở diễn tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc-2021 tại Nhà hát Tháng Tám (Hải Phòng) đã thực sự khuấy động bầu không khí nghệ thuật sau nhiều tháng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Dù có những gấp gáp do thời gian giãn cách quá dài, không nhiều cơ hội luyện tập cùng nhau, nhưng bằng tinh thần tận tụy cống hiến với nghề, rất nhiều nghệ sĩ đã đầu tư hơn 100% sức lực, trí tuệ, sự sáng tạo, tinh thần và thời gian cho vai diễn.

Liên hoan thể hiện sự đa dạng đề tài sân khấu, từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, nông thôn đến thành thị...

Mỗi góc nhìn, mỗi khía cạnh phản ánh từ sự việc có tầm cỡ quốc gia đại sự, bài học cho người cầm quyền được đúc rút qua lịch sử hàng ngàn năm như các vở: “Thiên mệnh”, “Làm vua”, “Lau trắng”... cho tới những góc khuất tinh tế trong tâm hồn con người, như: “Đường tới chân trời”, “Ngược chiều gió”.... hay những khía cạnh gai góc, vấn đề nóng của xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, vấn nạn tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, đền bù đất đai, như: “Trái tim thành phố”, “Tình bạn và công lý”, “Hố đen”... đều được nghiêm túc đầu tư thể hiện. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Thường trực, Trưởng ban Sáng tác Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định: “Những tác phẩm tham dự liên hoan năm nay đã chứng tỏ ưu thế của thể loại sân khấu tiên phong khi khai thác trực diện nhiều vấn đề của thời cuộc. Tất cả đều cố gắng gửi gắm những thông điệp đầy tính nhân văn, để lại cho người xem nhiều bài học về ứng xử giữa con người với con người, thái độ đối với gia đình, cộng đồng và đất nước”.

Cảnh trong vở “Điều còn lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam, tác phẩm giành huy chương vàng tại liên hoan. Ảnh: HỒNG THẮM

Đáng chú ý, bên cạnh các đạo diễn đã khẳng định được tên tuổi, như: Lê Quý Dương với “Làm vua”; NSND Lê Hùng với “Con đò của mẹ”, “Thị Nở-Chí Phèo”, “Tình bạn và công lý”; hay Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đỗ Kỷ dàn dựng vở “Thiên mệnh”... có một số đạo diễn tuy trẻ tuổi nghề nhưng đã thành công ngoạn mục, như: NSƯT Kiều Minh Hiếu với “Điều còn lại”; NSND Trung Hiếu qua vở “Làng song sinh” khi tìm tòi và xử lý theo những cách làm mới mẻ để giành giải thưởng cao.

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của liên hoan nhận xét: “Một trong những yếu tố làm nên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này là nghệ thuật đạo diễn.

Hội đồng nhận thấy có hai dòng chủ lưu: Đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng tiếp cận trực tiếp vào thị giác (cách dàn dựng của các đạo diễn sân khấu như: NSND Lê Hùng, NSND Trung Hiếu, Lê Quý Dương, NSND Trần Ngọc Giàu) và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm (như: NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến)”.

Đội ngũ diễn viên là điểm sáng của liên hoan kỳ này. NSƯT Tạ Tuấn Minh với vai Trần Thủ Độ chững chạc, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi thể hiện vai diễn rất chuyên nghiệp qua những lời thoại dài, hoặc phải thoại trong tâm trạng phức tạp ở những phân đoạn cao trào khiến người xem kinh ngạc.

Vai diễn thứ chính-người cha, người chồng đầy bất lực vì nghèo khó, thương tật-của NSƯT Hoàng Tùng trong “Tình mẹ” giúp anh nhận được huy chương vàng danh giá... Rất nhiều nghệ sĩ đã tập trung tinh lực vào vai diễn. Điều đó không chỉ góp phần đem lại sắc màu tươi sáng cho kịch nghệ Việt Nam, mà còn cho thấy lòng yêu nghề của những người làm sân khấu vẫn còn cháy bỏng, vẫn yêu “thánh đường” của mình, đó là sàn diễn.

Tìm sự “an toàn”, sân khấu kịch khó hút khán giả

Liên hoan kết thúc, giới nghề vui mừng với hàng loạt tấm huy chương lấp lánh, nhưng còn có những nuối tiếc như kịch bản, các vở diễn vẫn hướng tới những đề tài có tính “an toàn” cao như lịch sử, hậu chiến, chuyển thể, phóng tác từ các tác phẩm văn học kinh điển như vở: “Hoạn Thư ghen”, “Thị Nở-Chí Phèo”... mà quên rằng, mũi nhọn của sân khấu kịch nói là các tác phẩm về đề tài hiện đại nóng hổi, thậm chí chưa có lời giải thỏa đáng từ hiện thực đời sống, để từ cảm quan nhạy bén, sắc sảo của các nhà viết kịch, các nghệ sĩ, những vở diễn đưa ra được dự báo, định hướng dư luận.

Các tác giả chưa có những “đào bới” từ thực tại, chưa cảm nhận đúng và trúng vấn đề của ngày hôm nay để viết kịch; hoặc lãnh đạo các đơn vị chưa dám chấp nhận các tác phẩm “có vấn đề”. Vẫn còn tình trạng một đạo diễn dàn dựng tới 5 vở, với cùng một cung cách xử lý; rồi có đạo diễn “photocopy” kịch bản từng làm cho một đơn vị để dự thi ở kỳ liên hoan trước, năm nay cho một đơn vị khác dựng lại; hay việc đầu tư cho âm nhạc, vốn phải rất cẩn trọng, nhưng vẫn dựa vào lý do kinh phí hạn hẹp để lấy nhạc phim, nhạc nước ngoài cho vở.

NSND Trần Minh Ngọc thẳng thắn chỉ rõ: “Có vở sử dụng nhạc cụ chưa đúng với bối cảnh lịch sử như đưa đàn đáy xuất hiện từ thế kỷ 18 vào vở diễn có bối cảnh ở thế kỷ 10...”.

Tuy vậy, nhìn tổng quát, như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông: "Liên hoan để lại trong lòng khán giả một dư âm lạc quan, tin tưởng vào hoạt động của giới sân khấu một cách tích cực, hiệu quả trong dịp kỷ niệm tròn một thế kỷ sân khấu kịch nói Việt Nam".

CAO NGỌC