Về những “chuyện ấy”, thơ phương Đông hàn lâm và lễ giáo/phong tục phương Đông truyền thống không coi là “thanh”; nhưng trong bốn câu vừa dẫn, chúng cũng chưa “tục”, vì ông Trứ tránh hết được những tiếng/từ “tục” trong câu ca dao gốc, vốn xuất phát từ những “bù khú” bình dân: Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma/ Hai tay quan lớn gian tà/ Tay xoa cát phẩm tay sà hạ chiêu!
Trong câu ca dao gốc, giới bình dân “chế” để giễu, để hạ thấp cái uy của quan lớn (cũng gần đồng nghĩa với cái mơ tưởng tự nâng mình lên), giống như nhiều người thích dùng truyện Trạng Quỳnh để giải tỏa cái sự uất ức/ức chế/lép vế của mình trước những ông quan bất tài nhưng tham lam. Và, vì là ca dao nên nó có quyền dùng “xoa cát phẩm”, “sà hạ chiêu”-tuy là nói chữ mà vẫn “tục”-nhưng tới Nguyễn Công Trứ, thì vì là thơ, lại là thơ của “cụ Nghè”/“cụ Thượng”, chúng được ông đẩy ra xa khỏi cái “tục”, một cự ly đáng kể, để nó bớt “tục”, dù chưa hẳn đã là “thanh”.
Có thể nói, ở đây Nguyễn Công Trứ đã “nhuận sắc” ca dao, đã “thanh hóa” ca dao, để thay các quan lớn đối đáp lại với giới bình dân. Ông không bác bỏ cái chuyện, các quan lớn cũng chỉ là người phàm. Ông chỉ nói nhẹ đi để hai giới gần nhau lại mà thôi. Nguyễn Công Trứ “thanh” hơn bình dân, thơ Nguyễn Công Trứ “thanh” hơn ca dao, là như vậy, chứ “biết nhau cả” ấy mà!
Xa hơn với Hồ Xuân Hương và gần hơn với Tú Xương, Yên Đổ..., ta có thể lấy thêm nhiều ví dụ nữa, cho thấy sự khác nhau giữa thơ hàn lâm và ca dao bình dân để nghĩ thêm về vẻ “thanh” cũng như nét “tục” trong thơ bây giờ, giống như thấy sự khác nhau giữa thơ “bút lông” với thơ “bút tre” vậy.
Nói cho cùng, trong đời sống, “thanh” và “tục” chả luôn luôn loại trừ nhau. Thơ “bút lông” và thơ “bút tre” cũng không so “công”/“tội”. Nhưng đặt chúng ở đâu? Dùng chúng thế nào? “Dạy” và “phổ biến” chúng khác nhau ra sao? Màn bạc, màn hình và sân khấu xử lý “tục” thế nào? Có nên đưa “tục” vào sách giáo khoa để “dạy” cho cả những người dưới 18 tuổi hay không?... Đó mới là việc cần nghĩ. Và, đó chính là việc của các nhà phê bình-lý luận văn học/mỹ học và các nhà giáo dục ta.
Nói đến giáo dục, xin chớ hiểu rằng chỉ là nói đến ngành giáo dục!
Có “danh hài”, khi trả lời báo chí, còn điềm nhiên “tổng kết”: Hài mà không tục thì hay làm sao được (!).
Nhiều trích đoạn sân khấu, để đỡ mang tiếng là “âm lịch”, bèn “cải biên” ra, để chỉ xoay quanh “nõ nường” và “chày cối”, nhằm tìm những tiếng cười hô hố của khán giả! Mà cười hô hố thì có bao giờ sâu sắc không?
Nhiều báo viết, báo mạng lại quá say sưa với chuyện “tự sướng” mà đi quá xa tôn chỉ mục đích!...
Tất cả những cái đó đều “có mặt” trong việc giáo dục con trẻ và văn hóa công dân. Nếu không cẩn trọng, e rằng lại có ngày ta phải tái tranh luận với nhau như hôm nay nhưng mãnh liệt hơn rằng, “có nên” hay “không nên” lập các “phiên tòa lưu động” để xét xử tội “ấu dâm” (!).
Không “tục”, nhưng nhiều người đọc bây giờ chê thơ cổ điển nhiều điển cố quá! Khó hiểu quá! Khổ chưa, không hiểu điển cố là lỗi ở mình, ở đâu các cụ? Vả lại, đọc chú giải điển cố cũng là học, chứ nhà trường thì dạy được bao nhiêu? Vả lại, cái gì nổi tiếng đương thời mà không dần dần hóa thành điển cố? Ví dụ, khi ta nói “Điện Biên Phủ trên không” tức là ta đã dùng điển cố “Điện Biên Phủ” rồi, còn đến giờ thì toàn bộ “Điện Biên Phủ trên không” cũng lại đã là điển cố.
Cho nên, trừ việc lạm dụng điển cố thì không nói, còn những điển cố đắc địa thì vừa giúp nâng cao tri thức, lại vừa giúp thơ sâu sắc và súc tích hơn, chứ có làm sao?
Bất an về tinh thần, tâm lý, xã hội; hạ cấp về văn hóa-văn nghệ; thiếu minh bạch về thu nhập/thuế khóa; phiền hà về hành chính; thiếu gương mẫu trong lối sống... đều là “tục” cả và đều có tội trong việc làm mỏng “nhân”, “đức” và “thanh”, “mỹ”-những yếu tố tạo gốc thơ cộng đồng!
Nói “cộng đồng”, vì tất nhiên với các tác giả lớn, đời có “tục” thì họ vẫn “thanh” và càng có nhiều điều để viết, như Nguyễn Du chẳng hạn.
ĐỖ TRUNG LAI