Thống nhất hài hòa giữa chất hùng ca và chiều sâu trữ tình
Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết về mục đích, ý nghĩa của Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Theo tôi, từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đã có nhiều thay đổi tích cực. Chúng ta đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực để đưa chủ trương, đường lối văn hóa của Đảng đi vào cuộc sống. Việc tổ chức hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất là một sáng kiến nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, tăng hiệu quả của các hoạt động văn hóa, văn nghệ; đồng thời nhằm nhìn lại và tôn vinh đóng góp của các nhà văn lão thành cho nền văn học, văn hóa, với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
 |
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp. |
PV: Thế hệ các nhà văn lão thành có những đặc điểm nào đáng chú ý, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Khái niệm nhà văn lão thành do Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra dựa trên tuổi tác (từ 70 tuổi trở lên) dành cho những nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà. Đây là tiêu chí có tính chất tương đối. Nó cũng giống như tiêu chí nhận diện nhà văn trẻ có nhiều triển vọng (không quá 35 tuổi). Rất tiếc là do điều kiện, Hội Nhà văn chỉ mới tổ chức được hội nghị đại biểu mà chưa tổ chức được hội nghị toàn thể như mong muốn.
Có thể thấy đặc điểm chung của các nhà văn lão thành là những người được sinh ra và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhiều người trong số họ đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt. Từ thực tiễn sinh động của cách mạng và kháng chiến, họ viết nên nhiều tác phẩm gây được sự chú ý của công chúng nghệ thuật.
Đóng góp nổi bật nhất của các nhà văn lão thành là họ đã cùng những nhà văn của thế hệ mình tạo nên một thời đại văn học mới khác hẳn văn học trước năm 1945, cả về quan niệm và thi pháp nghệ thuật. Niềm cảm hứng bao trùm trong sáng tác của họ là ngợi ca vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam trong những thời khắc hào hùng nhất của lịch sử. Nhân vật trung tâm trong văn học kháng chiến là quần chúng nhân dân lao động vươn lên làm chủ cuộc đời mới, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Khi nói về các nhà văn lão thành, cần nhớ là họ đã từng tham gia đời sống văn học từ khi còn rất trẻ. Nghĩa là họ đã dành toàn bộ tuổi trẻ của mình để cống hiến và đến nay vẫn đam mê sáng tạo. Điều đó có thể nhìn thấy qua sự hiện diện của họ trong thời kỳ chống Pháp. Đến giai đoạn chống Mỹ, văn học Việt Nam lại được chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ trẻ đầy tài năng và khát khao sáng tạo. Về thơ, đó là Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn... Về văn xuôi có Ma Văn Kháng, Đỗ Chu,... Chính họ, vào thời điểm ấy đã đem đến cho văn học nước nhà những tiếng nói mới mẻ, tươi tắn, tràn đầy niềm lạc quan.
 |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu nhà văn lão thành. Ảnh: THỐNG NHẤT
|
PV: Ông có thể phân tích sâu hơn về thành tựu nghệ thuật mà các nhà văn lão thành đã đóng góp cho văn học Việt Nam?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Thành tựu nghệ thuật mà các nhà văn lão thành đóng góp là toàn diện, sâu sắc. Ngay trong thời kháng chiến chống Pháp, sáng tác của Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm... đã góp phần kiến tạo nên một kiểu diễn ngôn nghệ thuật mới khác hẳn diễn ngôn nghệ thuật trước năm 1945. Tác phẩm của họ hướng về đất nước, nhân dân, vượt qua cái tôi nhỏ hẹp để ngợi ca cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Văn xuôi cũng đạt những thành tựu rất đáng chú ý với nhiều tác phẩm miêu tả sinh động cuộc sống kháng chiến lúc bấy giờ. Để có những tác phẩm thể hiện được ý chí và sức mạnh của nhân dân trong cuộc kháng chiến, nhiều nhà văn đã trải qua quá trình “nhận đường” quyết liệt nhằm thay đổi quan niệm, tư duy, bút pháp và ngôn ngữ nghệ thuật. Mô hình nghệ sĩ-chiến sĩ đã được thiết lập một cách vững chắc trong chính cuộc kháng chiến này.
Đến thời kỳ chống Mỹ, tính chất sử thi và cảm hứng lãng mạn được đẩy tới cao trào. Mỹ học về cái cao cả, cái hùng bao trùm thời đại văn học chống Mỹ. Ứng xử thông minh của các nhà văn thời kỳ kháng chiến là họ luôn biết tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa chất hùng ca và chiều sâu trữ tình. Nhờ thế mà văn học phát huy được tối đa sức mạnh cảm hóa và cổ vũ.
Đây cũng là thời kỳ các nhà văn sử dụng hết sức linh hoạt hàng loạt biểu tượng nghệ thuật trong văn hóa và văn học truyền thống như huyền thoại về Thánh Gióng, Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Thạch Sanh hay miếng trầu, cây đa, bến nước, sân đình... để khơi thức lòng yêu nước và biểu đạt sức mạnh quật khởi của dân tộc trong cuộc đụng đầu lịch sử. Tìm về với văn hóa dân tộc như nguồn dưỡng chất nội sinh, các nhà văn đã thiết lập được chiến lược giao tiếp nghệ thuật hợp lý nhằm tạo nên sự cộng hưởng to lớn giữa sáng tạo và tiếp nhận. Trong cái nhìn của họ, hệ biểu tượng này mang ý nghĩa kết nối kỳ diệu giữa hiện tại và quá khứ, từ đó mở hướng đến tương lai.
Cũng xin lưu ý rằng, khi đánh giá về văn học kháng chiến, có ý kiến cho rằng đó là nền văn học đồng ca. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ sáng tạo cá nhân, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy sự đa dạng về phong cách, bút pháp, ngôn ngữ của các tác giả, đặc biệt là ở những cây bút thực tài. Điều đó có thể nhận thấy rất rõ khi đọc Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu...
Học tập nhân cách, phong cách các nhà văn lão thành
PV: Điều đáng ghi nhận là nhiều nhà văn trưởng thành trong kháng chiến tiếp tục sáng tạo và có đóng góp quan trọng để đổi mới văn học sau năm 1986. Ông đánh giá về điều này như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Sau năm 1975, đặc biệt từ sau năm 1986, cùng với sự thay đổi về điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội, mỹ học sử thi trong văn học dần chuyển sang mỹ học của cái thường ngày. Nhiều nhà văn lão thành vẫn tiếp tục sáng tạo và có những đóng góp quan trọng đối với tiến trình đổi mới văn học. Chuyển từ “bè cao” sang “giọng trầm”, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thân phận con người trong nhiều mối quan hệ phức tạp của đời sống thời bình. Trong thơ, người đọc nhận thấy Hữu Thỉnh nghiêng nhiều về phía suy tưởng, suy tư; Thanh Thảo tiếp tục đẩy chất trí tuệ và cấu trúc giao hưởng theo hướng cách tân... Trong lĩnh vực văn xuôi, cùng với những nỗ lực của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, nhà văn lão thành Ma Văn Kháng tạo ấn tượng sâu sắc với “Mùa lá rụng trong vườn” và nhiều tác phẩm khác viết về sự đảo lộn các giá trị trong đời sống kinh tế thị trường. Đỗ Chu vừa tiếp tục thế mạnh trữ tình vừa vươn về phía “thăm thẳm” của cõi nhân sinh và chiều sâu văn hóa... Những đổi mới về cảm hứng, giọng điệu nghệ thuật cũng được thể hiện trong sáng tác của nhiều cây bút khác như Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng...
Bên cạnh những cây bút đã khẳng định được tài năng trong thời kỳ kháng chiến là những cây bút ngày càng khẳng định được vị thế trong đời sống văn học đương đại như Nguyễn Trí Huân, Lê Minh Khuê, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Thái Bá Lợi, Trần Nhuận Minh... Điều đáng chú ý ở họ là tinh thần nhập cuộc luôn song hành với khát vọng đổi mới. Những nỗ lực không mệt mỏi và sự hiện diện của họ trên từng trang sách là minh chứng sinh động nhất về việc các nhà văn lão thành luôn đồng hành với các thế hệ nhà văn sinh ra và trưởng thành sau năm 1975.
Nói đến các nhà văn lão thành không thể không kể đến đóng góp của các nhà lý luận, phê bình văn học. Trước những yêu cầu mới của đời sống văn học, họ luôn có ý thức bám sát thực tiễn, mở rộng hệ quy chiếu, đánh giá các giá trị văn học từ tầm nhìn nhân văn, hiện đại. Nhờ nỗ lực của họ, bên cạnh việc mở rộng hướng nghiên cứu xã hội học quen thuộc là sự vận dụng sáng tạo những lý thuyết văn học mới, góp phần hiện đại hóa lý luận, phê bình văn học ở Việt Nam.
PV: Thế hệ nhà văn trẻ hôm nay có thể học hỏi, kế thừa điều gì từ cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn lão thành, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Quá trình hiện đại hóa và sự mở rộng giao lưu văn hóa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đã làm thay đổi hệ hình tư duy và diễn ngôn văn học. Công chúng văn học đương đại cũng đòi hỏi cần phải có những thực đơn tinh thần mới. Đó là biện chứng của phát triển và là nhịp điệu tất yếu của đời sống. Các nhà văn lão thành, bằng thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã trở thành tấm gương sáng về lao động nghệ thuật, dấn thân cho thế hệ trẻ. Họ xứng đáng được tôn vinh và ngưỡng mộ. Bởi đó là những nhà văn chân chính, cao đẹp cả về nhân cách và văn cách.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HÀM ĐAN (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.