Chuông điện thoại reo vang, từ đầu dây bên kia, mẹ nói: “Con nhớ mang đồng hồ Ba ra tiệm xem họ có làm cho nó chạy lại được không nhé”. Cầm trên tay chiếc đồng hồ úa màu thời gian mà Ba mua cách đây hơn 25 năm, từ thông tin của đồng nghiệp, tìm đến ông cụ sửa chữa đồng hồ cũ trong con hẻm nhỏ nằm khuất sau những dãy nhà cao tầng. “Cái đồng hồ là kỷ vật của Ba còn sót lại, ông cố gắng làm cho nó chạy lại giúp con”, ta nói giọng đủ to để ông nghe được. Ông ngước nhìn, rồi nhận lấy chiếc đồng hồ. “Ừ để đấy, mai lấy nhé chú bộ đội”. Và rồi, những hoài niệm về Ba cứ ùa về, thổn thức, bồi hồi…

Ngày ấy, cũng như bao gia đình khác, Ba sinh ra trong một gia đình có đến 9 người con. Năm Ba lên 12 tuổi, để có cơ hội đi học, ông bà đã gửi Ba ra Đà Nẵng ở cùng cậu mợ, mơ về một tương lai tương sáng. Ngày ngày Ba theo cậu cầm cờ lê, mỏ lết, quần áo lấm lem dầu máy, tối về lại chăm chỉ đọc sách… Sáng dạ, lại siêng năng, Ba trở thành thợ máy lành nghề khi còn rất trẻ. Ba không chọn ở lại thành phố mà trở về quê, làm tổ trưởng tổ vận hành máy bơm nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất nội đồng. Cứ mỗi mùa vụ, Ba đưa lúa về, không những bảo đảm lương thực cho cả gia đình mà còn cưu mang được các con, cháu, họ hàng trong tộc.

leftcenterrightdel
 Tranh minh họa.

Nhớ về Ba, mẹ nói, ba dáng người nông dân, đen nhẻm, gặp mẹ nhỏ nhắn, lại xinh, nên ưng ngay từ lần gặp đầu tiên. Mẹ ưng Ba vì mẹ biết người đàn ông áo quần ám mùi dầu máy sẽ là bờ vai vững chắc cho mình sau nay. Thế rồi, Ba và mẹ thành chồng thành vợ, chị em tôi lần lượt ra đời, lớn lên trong tình yêu thương, che chở của Ba và mẹ. Lúc bọn tôi còn bé, nghề thợ máy mang lại thu nhập khấm khá, giúp Ba xây được nhà, mua được xe... Khi chị em tôi lần lượt vào cấp 3, thì nghề của cha không còn thịnh như xưa nữa. Với tâm niệm bằng mọi giá lo cho các con được ăn học đến nơi, đến chốn, những thứ gì có giá trị Ba dần dần bán đi, và làm đủ các nghề, khi thì theo bạn bè lên rừng tìm trầm, vàng, hay xuống sông buôn gỗ và cả công việc cưa bom lấy phế liệu bán lấy tiền… Ba làm nghề chi, mẹ đều theo cùng, vất vả là vậy, mà không một lời than vãn. Không phụ Ba, chị em tôi đều cố gắng vượt khó, chăm học. Thời gian nghỉ hè đều theo chân Ba lên rừng, xuống biển…

Đêm Đông năm ấy, tôi và anh theo Ba bè cây chuyển gỗ về xuôi để bán lấy tiền trang trải Tết, gần đến điểm thu mua, nhận tin có lực lượng chức năng tuần tra trên sông, ngay tức khắc Ba nói to: “Chặt dây xả gỗ các con ơi”. Dứt lời, Ba liền nhảy ra khỏi phà (để xác định vị trí gỗ chìm). Anh tôi thay Ba cầm lái, lên ga, chiếc phà lao nhanh về phía trước, chạy được khoảng khá xa… Không thấy tín hiệu từ Ba, anh tôi quyết định quay phà trở lại. Từ xa đã thấy Ba đang chới với giữa dòng, bám được vào be phà, tôi phụ kéo Ba lên. Ba nói, nước lạnh quá, lại chảy mạnh cố mãi mà chẳng vô bờ được, các con không tới chắc chết mất. Nghe Ba nói khi đang run cầm cập, anh em tôi chẳng thốt lên được lời nào, thương Ba quá quá chừng…

Ngày tôi trúng tuyển vào trường quân đội, Ba mượn xe máy người bà con, đưa tôi ra ga để vào Nam nhập học. Trước khi tôi qua cửa soát vé bước lên tàu, Ba nói “Quân đội là trường học tổng hợp, con phải cố gắng lên và hãy thực hiện hoài bão, ước mơ mà ngày xưa Ba chưa làm được”. Khi đoàn tàu nổ máy rời ga, tôi nhìn thấy trong mắt Ba ánh lên niềm vui và đầy tự hào. Ánh mắt đấy là động lực giúp tôi nhanh chóng hòa nhập vào môi trường quân ngũ; từng bước, vững vàng trên con đường binh nghiệp mãi đến bây giờ và mai sau.

62 tuổi sau 2 lần làm xét nghiệm, Ba biết mình mắc bệnh Ung thư. Nhắc đến bệnh đó ai cũng sợ và người bệnh thì coi như “cầm án tử hình” mà không biết khi nào sẽ thực thi. Hơn 2 năm chống chọi với căn bệnh quái ác đó, Ba đã ra đi trong đớn đau của thể xác do tác dụng ghê gớm của những lần chạy hóa chất vào cơ thể. Chu toàn mọi thứ cho Ba. Tôi như người vô hồn, rơi xuống vực thẳm sâu. Để lẩn tránh ngôi nhà đầy hình bóng Ba, tôi lại ra Hà Nội tiếp tục con đường học tập. Học cho tôi và cho cả phần đời của cha còn dang dở…

Hơn 5 năm Ba về “phía bên kia của cuộc đời”, giờ đây, chị em tôi đã ổn định cuộc sống, kinh tế dần khấm khá, chỉ là thiếu vắng bóng hình Ba. Mỗi lần về nhà, nhất là trong những ngày giáp Tết, lại hoài niệm về những bữa cơm gia đình có Ba, được uống bia, rồi say sưa tranh luận về thơ, nhạc, chuyện đời, chuyện người và cả chuyện vợ con… Tấm gương vượt khó, ham học hỏi, giỏi giang, đức độ và tình cảm bao la của Ba là những bài học quý giá, giúp chị em tôi nhắc nhớ, dạy bảo con cháu sống có hoài bão, ước mơ và hơn cả là phải đứng vững trên đôi chân của chính mình.

LÊ NGUYÊN