Khởi nghĩa Lam Sơn 600 năm trước (1418-2018) có thể nói là cuộc khởi nghĩa điển hình mang đậm nét chiến tranh nhân dân. Ở góc nhìn nghệ thuật, kịch bản phim "Từ núi Lam Sơn đến hồ Hoàn Kiếm" đã phản ánh và xây dựng thành công tính chất quân sự này.
Về tính chất toàn dân của cuộc chiến tranh, thể hiện trước tiên ở hình tượng trung tâm: Lãnh tụ Lê Lợi, người xuất thân từ tầng lớp bình dân, cùng chung số phận với nhân dân (cũng bị mất vợ, mất con vì giặc cướp nước), cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân (từng phải đi phu cho quân Minh, cũng chịu đói chịu khát với nghĩa quân). Lê Lợi đã đoàn kết được toàn dân, tập hợp được nhân tài. Hội thề Lũng Nhai là một bằng chứng sinh động.
Tính chất bình dân của Lê Lợi thể hiện cả trong cách sống của một quân vương, trong những chuyến vi hành, khi việc đầu tiên ông làm là tìm gặp anh lái đò năm xưa đã chở mình qua sông để tránh quân Minh và thăm người em trai vẫn đang chài lưới ở quê nhà; tâm trạng của ông vua mới trong lần thiết triều đầu tiên là tâm trạng buồn đau vì các tướng lĩnh so đo, ganh tị nhau về chức tước. Các tướng lĩnh có người xuất thân quyền quý (như Trần Nguyên Hãn), có người xuất thân tri thức bình dân (như Nguyễn Trãi), có người xuất thân dân thường, cả nhà sư cũng tham gia cứu nước (như Trịnh Bạch Thạch)... Tất cả đều anh dũng, mưu trí chiến đấu. Lê Lễ, Lê Xí bị giặc bắt nhưng không chịu quy hàng dù bị giam, trảm. Lê Lai liều mình cứu chúa, Nguyễn Chích hiến kế chiếm thành Nghệ An...
 |
Tái hiện hình ảnh vua Lê Thái Tổ trong Lễ hội Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyên Phong. |
Nguyễn Trãi, nhân vật số hai của kịch bản, tài trí trác việt cũng hiện lên như đại diện của tính cách nhân dân. Bị giam lỏng ở Đông Quan, ông kiên quyết khước từ lời dụ dỗ của quan tướng nhà Minh nhưng cũng từ chối lời mời tham gia kháng chiến của nhà Hậu Trần vì thấy họ đã hết vai trò lịch sử với nhân dân. Nhưng khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa, ông đã từ biệt vợ bé là Nguyễn Thị Lộ để vào Lam Sơn, đồng cam cộng khổ, bày mưu tính kế cùng Lê Lợi trong suốt 10 năm.
Lê Lợi đã tiếp cận và nghiền ngẫm Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi từ manh nha khởi thủy tới thành văn và thấy đó là tập đại thành của các thư binh từ cổ chí kim, là cẩm nang chiến thắng của cuộc chiến chống quân Minh, từ tư tưởng chiến lược "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo" đến tư tưởng chiến thuật "thế trận xuất kỳ, lấy yếu thắng mạnh, dùng quân mai phục, lấy ít đánh nhiều...". Ông tôn Nguyễn Trãi là mưu sĩ số 1 của mình, với kế sách "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" của Nguyễn Trãi, Lê Lợi biết rằng đó là kế thu phục lòng dân. Chính Nguyễn Trãi đã bày kế Lê Lai cứu chúa để cứu Lê Lợi và nghĩa quân, rồi kế đánh bất ngờ khi địch đang rút quân. Lê Lợi tâm đắc với tư tưởng "mưu phạt tâm công" của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi viết thư thuyết hàng Thái Phúc, Vương Thông. Riêng với Vương Thông, Nguyễn Trãi còn dũng cảm một mình vào thành, đàm đạo, thuyết phục Vương Thông. Lê Lợi, Nguyễn Trãi trung thành với tư tưởng nhân nghĩa, kết thúc chiến tranh bằng phương cách không tổn hại sinh linh của cả hai bên và tạo điều kiện cho quân địch đã hàng về nước và sau đó là kế sách mềm dẻo trong ngoại giao để giữ nền hòa bình lâu dài.
Hình ảnh nhân dân cũng được hiện lên rất đậm nét, cảm động và được đề cao vai trò, sứ mệnh lịch sử của họ trong kịch bản, đúng như chân lý: “Chở thuyền cũng là dân, mà lật thuyền cũng là dân” và “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Cùng với những nghĩa quân chân đất, áo vải trực tiếp cầm giáo cầm gươm đuổi giặc, còn có những người như cô bán chuối đã giấu Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi dưới thuyền để chở về Lam Sơn; là anh lái đò tên Sơn đã từ biệt người vợ đang mang thai sắp tới ngày sinh để tham gia nghĩa quân, hộ vệ cho Lê Lợi, sau toàn thắng mới trở về nhà thì đứa con đã lên 8 tuổi. Còn bao nhiêu người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi xuân, cả tình yêu, thân thể để làm nội gián cho ta như nhân vật Xuân Yến. Rồi Phương Hoa (vị hôn thê của tướng Cao Khương) đã cắn răng từ biệt chồng, vào dinh giặc thực hiện mỹ nhân kế, mãi sau gần ngày chiến thắng cô mới được cứu thoát khỏi cái chết cận kề. Mơ-cô nàng hầu khi mang mật thư của cô chủ (là nội gián của ta), ra ngoài, bị giặc phát giác, đã nuốt thư, thà chết chứ không khai... Đúng như Phan Bội Châu đã viết trong “Hậu Trần dật sử”: "Dân tộc ta thời ấy (thời chống Minh), không một ai là không anh hùng". Chiến tranh nhân dân thời nào cũng là biểu hiện của khí phách anh hùng của nhân dân ta.
Sự kiện quan trọng kết thúc kịch bản phim là sự kiện trả gươm. Gươm đã hoàn thành sứ mệnh rồi thì xin trả lại cho rùa thần. Đó là tư tưởng yêu hòa bình của dân tộc ta. Chúng ta anh dũng chiến đấu hy sinh cũng vì để có hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà có sự tích hoàn gươm, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là Thành phố vì hòa bình. Đó chính là tư tưởng nhân văn sâu sắc-là nét văn hóa quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Bản chất khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc chiến tranh nhân dân. Tính nhân dân của cuộc kháng chiến ấy lại được tư tưởng của thời đại ngày nay rọi chiếu làm cho nội dung của kịch bản phim "Từ núi Lam Sơn đến Hồ Hoàn Kiếm" trở nên hiện đại hơn, đủ sức lay động lòng người và lắng đọng với thời gian.
ĐẶNG HIỂN