Hiện nay chưa có một điều tra xã hội học đáng tin cậy liên quan đến cơ cấu đọc sách nên chỉ có thể nhìn vào tác phẩm bán chạy để xem xét xu hướng đọc sách. Sách văn học những năm qua đã có sự thay đổi khi những thể loại có dung lượng ngắn là tản văn, tùy bút được người đọc quan tâm. Ở mảng văn xuôi, những cuốn sách bán chạy đều là tản văn như: “Hãy tìm tôi giữa cánh đồng” (Đặng Nguyễn Đông Vy), “Gió đời thổi mãi” (Hà Mạnh Luân), “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” (Phạm Lữ Ân), “Đong tấm lòng” (Nguyễn Ngọc Tư), “Tôi đã trở về trên núi cao” (Đỗ Bích Thúy), “Đàn bà 30” (Trang Hạ), “An nhiên mà sống” (Lê Đỗ Quỳnh Hương)…
Lý giải hiện tượng tản văn, tùy bút lên ngôi phải xét cả hai khía cạnh người đọc lẫn người viết. Đọc văn chương giúp con người sống nhẹ nhàng, lãng mạn, trau chuốt cảm xúc tinh tế nhưng khi thời gian còn quý hơn vàng, chẳng mấy người có thể ngồi mà đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn có dung lượng dài. Mặt khác, xu hướng tiểu thuyết, truyện ngắn lâu nay với chủ đích tìm kiếm thẩm mỹ, cấu trúc nghệ thuật nên người đọc cần có hiểu biết ít nhiều về văn học mới có đủ trình độ thưởng thức. Với số đông người đọc, chỉ cần một bài tản văn ngắn đủ để thương nhớ đồng quê, để nhận ra trời đã sang mùa, cây đang rụng lá, để bớt chút thời gian hoài niệm, tạm quên đi đời sống bộn bề lo toan cho lòng thư thái.
Có cung ắt có cầu và tác phẩm văn học cũng có tính chất là một loại hàng hóa. Thế nên, những cây bút mới chập chững vào nghề rất muốn được bạn đọc chú ý và với quan niệm của họ là tác phẩm hay được đo bởi số lượng tác phẩm bán chạy; tìm đến tản văn để dễ in, dễ bán, dễ thu hút người đọc là điều hiển nhiên. Khi xu hướng tản văn lên ngôi, thể loại này thu hút cả những nhà văn tên tuổi như: Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Uông Triều… Những nhà văn này viết tản văn không phải tìm kiếm sự nổi tiếng, cũng không hẳn để viết sách bán chạy mà giống như những "bài tập" viết để duy trì cảm xúc, tạo cảm hứng nghề nghiệp là chính. Mặt khác, tản văn tuy dung lượng nhỏ nhưng không người viết nào coi thường, bởi tạo dựng được tên tuổi như: Tô Hoài, Nguyễn Tuân và sau này là Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Trương Quý… cũng thật khó.
Một xu hướng đọc văn xuôi đáng chú ý khác đó là đọc truyện dài. “Ông vua” của thể loại này cũng là “ông vua” sách văn học bán chạy là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. “Bảy bước tới mùa hè”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, “Cây chuối non đi giày xanh” liên tiếp dẫn đầu không chỉ mảng sách văn học mà cả thị trường sách nói chung những năm qua với lượng tiêu thụ lần in đầu tiên là 10 vạn bản sách cho mỗi tác phẩm. Bí quyết thành công của Nguyễn Nhật Ánh là những câu chuyện dung dị cho đối tượng thanh, thiếu niên với kỹ thuật tự sự đơn giản. Đi theo con đường thành công của Nguyễn Nhật Ánh, một loạt cây bút như Nguyễn Ngọc Thuần, Huỳnh Trọng Khang, Hamlet Trương, Nguyễn Ngọc Thạch… cũng tập trung viết về các vấn đề đương đại với những niềm vui, nỗi buồn thường nhật để nhận được sự quan tâm của người đọc. Ngoài ra, còn một xu hướng đáng chú ý là tìm về lịch sử, nhà văn đặt con người hiện tại trở về lịch sử để có góc nhìn mới lạ.
Truyện dài khoảng chục năm trước tràn ngập đề tài câu khách như tiểu thuyết ngôn tình hoặc khai thác những “chuyện lạ” xã hội như chuyện người đồng tính. Nay người viết đã biết kiềm chế hơn, tập trung vào khai thác tính văn chương hơn là tìm kiếm tính câu khách của đề tài, do vậy, chất lượng truyện dài đã được cải thiện hơn.
Một bất ngờ của sách văn học những năm qua là việc thơ ca thu hút người đọc trở lại, với vai trò tiên phong của hai nhà thơ Nguyễn Phong Việt và Nguyễn Thiên Ngân. Công thức chung của hai nhà thơ này là họ sử dụng mạng xã hội để đăng tải thơ tiếp cận với độc giả trẻ. Đề tài và cách diễn đạt thơ của cả hai người phù hợp với đa số độc giả đó là đề cập đến cảm xúc muôn thuở của tuổi trẻ, đặc biệt là trong tình yêu với những say đắm, ghen tuông, cô đơn, hoang mang… Nếu ngày xưa thơ hay được bạn đọc chép tay thì ở thời hiện đại người ta thường chia sẻ trên mạng xã hội. Đôi khi giận hờn người yêu không biết nói gì, những người trẻ lại lấy những câu thơ của Nguyễn Phong Việt và Nguyễn Thiên Ngân để nói hộ lòng mình. Khi đã có lượng người đọc lớn trên mạng xã hội, không khó hiểu vì sao mỗi tập thơ của hai nhà thơ này tiêu thụ được cả hàng chục vạn bản sách.
Những nhà thơ trẻ khác như: Lương Đình Khoa, Huyền Thư… cũng tìm cách kéo dài câu thơ như câu văn xuôi chỉ khác là giàu nhạc tính, còn chủ đề tập trung nỗi nhớ quê, cô đơn nơi thành phố, tình yêu tuổi trẻ chưa có nhiều từng trải, đầy bỡ ngỡ. Nhiều người gọi thơ bán chạy hiện nay như dòng nhạc trữ tình quê hương, dễ đọc, dễ nghe nhưng chưa chắc đã dễ quên.
Sách văn học bán chạy xin nhắc lại là không hề đại diện cho toàn bộ hiện trạng của văn học Việt Nam. Nhìn qua sách bán chạy để nhìn ra xu hướng đọc chủ đạo, qua đó sẽ thấy rằng người đọc văn học Việt Nam hiện nay chủ yếu đọc sách văn học với chức năng chính là để giải trí. Giải trí mà lành mạnh tất nhiên không có gì là tiêu cực, ở bất cứ nền văn học nào cũng có văn học nặng tính giải trí. Sau bao năm, điều đáng mừng là sách văn học nặng tính giải trí hiện nay không còn những đề tài sến, sốc, câu khách rẻ tiền. Điều đó chứng minh một điều, khi sách văn học xuất bản nhiều, có vô vàn sự lựa chọn, trình độ bạn đọc đã được nâng cao, có ý thức chân - thiện - mỹ hơn trong việc chọn tác phẩm./.
VIỆT PHONG