Những năm đầu với nghệ thuật của Thu Trần không chỉ là sự đam mê mà còn là quá trình khám phá bản thân và tìm hiểu những cách biểu đạt cảm xúc. Mãi sau này, nữ nghệ sĩ mới nhận ra nghệ thuật thị giác chính là ngôn ngữ mà chị có thể sử dụng để truyền tải thông điệp và cảm xúc một cách trọn vẹn nhất.
Trong sự nghiệp của mình, Thu Trần đã tạo nên nhiều tác phẩm để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng và giới chuyên môn. Một trong những cột mốc đáng nhớ nhất là vào năm 2014, với tác phẩm sơn dầu “Tôi” (kích thước 120cm x 180cm). Tác phẩm trừu tượng này đã đoạt giải nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thu Trần cho hay, bản thân cảm thấy bất ngờ khi nhận được giải thưởng lớn như vậy, dù trong lòng chị luôn mang sẵn khát vọng thành công. Tác phẩm “Tôi” đã trở thành bước ngoặt, giúp nữ nghệ sĩ có thêm tự tin để tiếp tục bước trên con đường nghệ thuật đã chọn.
 |
Một góc tác phẩm "Giăng tơ" của nghệ sĩ Thu Trần. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau thành tựu với hội họa giá vẽ truyền thống, Thu Trần bắt đầu mở rộng sáng tạo sang các lĩnh vực khác trong nghệ thuật thị giác. Sau một số dự án nghệ thuật thị giác vừa thực hành, vừa nghiền ngẫm, năm 2019, nữ nghệ sĩ trình diễn Triển lãm “Giăng tơ”, kết hợp giữa hội họa giá vẽ và sắp đặt trình diễn. Những tấm vải lụa được sắp đặt với khung sắt tượng trưng cho nghề dệt lụa, kết hợp với thiết kế thời trang để thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Triển lãm đã chinh phục giới chuyên môn và đông đảo công chúng cũng bày tỏ sự hứng thú với tư duy sáng tạo của chị.
Đối với Thu Trần, mỗi dự án nghệ thuật thị giác đều là một hành trình sáng tạo riêng biệt, yêu cầu tư duy đa chiều và sự tập trung cao độ. Nữ nghệ sĩ xem ý tưởng là yếu tố then chốt và là điểm khởi đầu cho mọi dự án. Đặc biệt, với những dự án nghệ thuật cộng đồng, Thu Trần luôn chú trọng tới sự bền vững và phù hợp với văn hóa địa phương, nhưng vẫn phải mang tinh thần sáng tạo cá nhân của nghệ sĩ. Đối với chị, hiểu biết và tôn trọng văn hóa địa phương là nòng cốt giúp nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc, lan tỏa tinh thần nghệ thuật đến từng vùng miền. Chị tin rằng một dự án cộng đồng không nên mang tính ngẫu hứng mà cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị lâu dài, kết nối với công chúng.
Niềm vui trong sáng tạo của chị đôi khi thật đơn giản, đó là sự tiếp nhận tích cực, đồng sáng tạo của công chúng. Chị kể rằng, một trong những niềm vui lớn nhất là khi chứng kiến cảm xúc chân thực từ khán giả trong triển lãm của mình. Có lần, một người phụ nữ từ Thái Nguyên đã dành thời gian đến xem triển lãm của chị và bày tỏ sự biết ơn khi có dịp gặp gỡ trực tiếp người sáng tạo ra những tác phẩm mà bản thân yêu thích. Hay khi một lớp mẫu giáo dẫn nhau tới triển lãm, những ánh mắt ngạc nhiên của các em nhỏ và câu hỏi ngây thơ của một cậu bé rằng: “Bác ơi, sao bác làm được nhiều thế ạ?”, đã khiến Thu Trần xúc động. Những khoảnh khắc này là động lực lớn lao để chị tiếp tục sáng tạo và cống hiến.
Thu Trần tin rằng nghệ thuật thị giác có tiềm năng mạnh mẽ để thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về nghệ thuật đương đại. Chị nhận định, muốn thành công trong các dự án nghệ thuật công cộng, cần có nhiều nghệ sĩ thị giác tham gia với sự tâm huyết và tầm nhìn rõ ràng. Nữ nghệ sĩ cho rằng, nghệ thuật thị giác không chỉ đơn thuần là một hình thức biểu đạt mà còn là một công cụ giáo dục, giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa, xã hội và chính mình. Để làm được điều này, trong nhiều năm qua, Thu Trần không ngừng khám phá và sáng tạo, mong muốn đem nghệ thuật tới gần hơn với mọi người, từ những người dân tới các nhà phê bình nghệ thuật.
NGUYỆT LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.