Nhà thơ Dương Khâu Luông tên thật là Dương Văn Phong (sinh năm 1964), quê ở bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Từ tập thơ đầu tay "Gọi bò về chuồng" (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 2003), ông đã lần lượt cho ra đời 10 tập thơ (đều đoạt giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam), trong đó có 4 tập thơ tiếng Tày và Tày-Việt: “Dám kha cần ngám điếp-Bước chân người đang yêu” (2005); “Co nghịu hưa cần-Cây gạo giúp người” (2008); “Phác noọng dú tin phạ quây-Gửi em ở phương trời xa” (2016); đặc biệt và thú vị hơn cả là tập thơ “Cỏi dằng slì bjoóc mạ-Lặng lẽ mùa hoa mạ” (2017) được nhà thơ dựa vào thơ dân gian Tày để triển khai một lối thơ mới tên là “thơ bjoóc mạ”.
Lối thơ này đã được nhiều bạn đọc hưởng ứng, yêu thích và ghi nhận. Bên cạnh việc sáng tác thơ Tày theo hướng hiện đại, nhà thơ Dương Khâu Luông còn đặt lời cho các làn điệu dân ca như then, lượn...
 |
Nhà thơ Dương Khâu Luông. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa Tày phong phú và đậm đà của vùng hồ Ba Bể, từ nhỏ, tâm hồn nhà thơ Dương Khâu Luông đã được dung dưỡng sâu sắc bởi những câu chuyện cổ và những làn điệu dân ca Tày. Cùng với vốn tiếng Tày phong phú, những bài thơ Tày của nhà thơ Dương Khâu Luông luôn hàm chứa nhiều tri thức, hiểu biết về văn hóa bản địa, ông đặc biệt chú ý đến việc khai thác vốn truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Nhà thơ Dương Khâu Luông trải nghiệm và nghiên cứu, học hỏi trong không gian văn hóa của dân tộc Tày, đồng thời kết hợp với những tri thức hiểu biết khác để sáng tạo tác phẩm.
Ông tâm sự: “Tôi nói tiếng Tày từ nhỏ cho đến khi tôi thi đỗ đại học, đi xa bản mới ít nói tiếng Tày hơn. Tuy nhiên, mỗi khi về bản tôi lại nói tiếng Tày. Tiếng Tày là máu thịt của tôi, luôn chảy trong tim tôi. Tôi thấy tiếng Tày là một ngôn ngữ rất đẹp và phong phú. Vẻ đẹp đó tồn tại trong cách giao tiếp hằng ngày, trong đời sống cũng như trong ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật dân gian”.
Những bài thơ ông viết thường dung dị nhưng đều ẩn chứa trong đó những nội dung, những triết lý nhân sinh về cuộc sống, về dân tộc. Với lối thơ ngắn trong thể thơ bjoóc mạ do nhà thơ viết, mỗi bài ba câu, hàm súc nhưng cũng đầy sinh động, ý nghĩa: “Tềnh co mạy đoóc/ Nhằng tứn bại đương chóp/ Cỏi dằng oóc dai hom", dịch thơ: "Trên thân cây gỗ mục/ Vẫn mọc lên những cánh nấm/ Lặng lẽ tỏa hương” (“Tềnh co mạy đoóc-Trên cây gỗ mục”). Hoặc những câu thơ đẹp và buồn: “Lừa mạy đeo/ Đan thân chài/ Pé kheo nặm chẳng cứ ngàu noọng quây”, dịch thơ: “Độc mộc thuyền/ Độc mộc anh/ Hồ xanh nước lặng ngắm hình em xa” (“Dú Slam pé chứ noọng-Trên hồ Ba Bể nhớ em”).
Trước tình hình thực tế ở các bản làng, xã hội hiện đại ngày nay với sự ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa và môi trường cuộc sống hiện đại khiến tiếng Tày dần mai một đi, nhất là đối với thế hệ trẻ, nhà thơ Dương Khâu Luông bày tỏ trăn trở: “Tôi nghĩ đến một lúc nào đó tiếng Tày sẽ bị mất và con cháu ta không còn biết nguồn cội của mình nữa. Tôi thấy tiếc nuối và muốn được sáng tác bằng tiếng Tày nhiều hơn để góp phần gìn giữ tiếng Tày - một ngôn ngữ đẹp mà nghìn đời nay cha ông ta đã để lại”. Đắm đuối với quê hương, với tiếng Tày, nhà thơ Dương Khâu Luông vẫn lặng lẽ sáng tác, hiện tại ông đang có 3 tập bản thảo thơ Tày, sẽ cho ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.
HƯƠNG LY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.