Tập tiểu luận phê bình “Viết như là đồng sáng tạo” của Lê Tú Anh (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2024) là một phần minh chứng cho những vấn đề cơ bản trên. Cuốn sách chia làm hai phần: “Một số vấn đề văn học quá khứ” và “Một số tác giả, hiện tượng văn học đương đại”. 4 phương diện ý nghĩa như 4 chân cột kiến tạo ngôi nhà phê bình mang đặc trưng nghiên cứu Lê Tú Anh thể hiện trong tập sách là khẳng định giá trị nội dung yêu nước, nhân văn; những lý thuyết phê bình mới; quá trình hình thành và tư duy thể loại; phê bình cũng là nghệ thuật.

Bìa cuốn sách.

Trên cơ sở khảo sát kỹ các tác phẩm của Nguyễn Xuân Ôn, Tản Đà, Phan Bội Châu, Thạch Lam, Ngọc Giao, Nam Cao, tác giả cuốn sách khẳng định đó là những tác giả tiêu biểu, ở những khu vực nhất định, đều có công khơi mở hoặc khẳng định, nhấn mạnh phẩm chất tình yêu nước, tinh thần nhân văn-những giá trị căn bản của văn học hiện đại.

Không chỉ là lãnh tụ xuất sắc của Phong trào Cần Vương, Nguyễn Xuân Ôn còn là nhà văn, nhà thơ nửa sau thế kỷ 19. Thơ văn của ông là bài học cho văn chương hôm nay phải đồng hành với lịch sử, nói lên tiếng nói của thời đại, của nhân dân. Từ điểm nhìn tự truyện, các bài viết về Phan Bội Châu, Tản Đà tô thêm những nét son mới để hai chân dung này tỏa thêm ánh sáng về những nét riêng đời tư nhưng thật đậm đà, sâu sắc tinh thần yêu nước, thương dân. 

Để có cái mới mang tính hệ thống phải có hướng nghiên cứu phù hợp. Nắm chắc các lý thuyết về phê bình giới, văn học thị trường, tiếp cận xuyên/liên văn hóa, lý thuyết đối thoại... đặc biệt là tiếp cận liên ngành, tác giả đưa ra những phương án mới, thú vị về những vấn đề cũ (với bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”; sự tiếp biến “Truyện Kiều” với “U tình lục” của Hồ Biểu Chánh). Đồng thời đưa ra cách hiểu mới về các tác phẩm: “Mẫu thượng ngàn”, “Tro tàn rực rỡ”, “Từ Dụ thái hậu”, “Lặng yên dưới vực sâu”... khẳng định những đóng góp đáng kể của các nhà văn: Chu Lai, Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng... Đề xuất phạm trù “con người dấn thân” là vấn đề khoa học đáng chú ý của tập sách.

Năng lực nổi trội của tác giả thể hiện ở sự tìm hiểu, phân tích, khái quát quá trình hình thành và đặc trưng tư duy loại hình (tiểu thuyết, truyện ngắn, tự truyện). Mỗi dòng chảy thể loại luôn luôn có miền thượng nguồn riêng, từ đây sẽ phần nào cho thấy ý nghĩa nội dung khi chảy qua các ghềnh thác sự kiện tiêu biểu. Lê Tú Anh là một trong số ít nhà phê bình quan tâm tới mạch nguồn triết học và các dạng thức mỹ học thể loại ở cả nội dung và hình thức biểu hiện. Điều này làm bài viết mạch lạc, hệ thống, tính hàn lâm cao, do vậy cũng thường dài. Hầu hết tiểu luận trong tập đều có sức thuyết phục, gợi mở nhiều chiều, không sa vào cảm tính, ấn tượng, chung chung, nhưng kén bạn đọc.

Thể hiện vốn hiểu biết sâu về lý thuyết (tiếp cận), về nền tảng văn học sử, am tường các thao tác nghiên cứu, triển khai, tinh tế trong lời văn, cuốn sách “Viết như là đồng sáng tạo” của Lê Tú Anh sẽ là một đóng góp đáng chú ý cho lý luận, phê bình văn học hôm nay.

THANH TÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.