Paris được gọi là Kinh đô ánh sáng, nhiều thế kỷ nay như ngọn nguồn sáng tác của trường phái nhiều nhà văn giả tưởng và lãng mạn, như: Francis Scott Fitzgerald, Gertrude Stein, đương nhiên có cả Ernest Hemingway. Thành phố này để lại cho người ta cảm giác mỹ lệ và giàu sức nặng về văn hóa. Từ lịch sử, kiến trúc đến văn hóa, Paris đã trở thành nền tảng cho mọi sáng tác văn học cũng như nghệ thuật khác. Cảm hứng này như dòng nước chảy tuôn trào không ngớt. Tháng 12-1921, Hemingway cùng vợ mới cưới Hadley đáp chuyến tàu Leopoldina tới Paris. Ông thầm nhủ sẽ phải trở thành một nhà văn vĩ đại. Nhờ có chút quỹ tích cóp được của vợ, ông bắt đầu một hành trình đầy yêu thương và lạc lõng.
Những năm của thập niên 1920, dưới thời tiết lạnh như băng vào buổi sáng sớm, vợ chồng Hemingway cùng dạo bộ qua ga tàu Saint-Michel, ánh mắt chăm chú vào những hiệu sách mới. Dần dà, Hemingway đã trở thành khách quen của những chủ hiệu sách đó. Họ thường để lại cho Hemingway sách viết bằng tiếng Anh, bởi vì lúc đó ông chưa bắt đầu học tiếng Pháp.
Men theo những con ngõ hẹp, có thể thấy các hộ kinh doanh bày ra thực phẩm hấp dẫn cùng với hàng hóa mới nhất. Hemingway đi theo những con hẻm này, nhưng cố gắng tránh xa các tiệm ăn, bởi vì ông phát hiện ra rằng, đói khát là một phương thức kiềm chế bản thân, làm cho cảm hứng sáng tác ngày càng nhạy bén. Ông tin rằng, ở trạng thái đói bụng mà thưởng thức các bức họa, điêu khắc hay một kiến trúc độc đáo nào đó thì tất cả những thứ này đều trở nên đẹp và trong sáng hơn. Hemingway xuất phát từ Bảo tàng Rodin, đi theo một con phố lớn đến Công viên Luxembourg, hành trình này đã đem đến nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào cho ông. Đơn giản như cổng vòm đã biến thành khung ảnh trong đó là sự tráng lệ của Kinh đô ánh sáng. Không cần phải vận động nhiều, chỉ cần dạo bộ thôi cũng đem lại nhiều thu hoạch cho văn nghệ sĩ. Hemingway thích để những hình tượng này đi vào ký ức của ông, biến thành tư liệu sống trong các sáng tác sau này.
Sự quyến rũ vẫn ở đó, một quán cà phê vẫn luôn đợi chờ Hemingway. Ông vào đây cùng với cảm hứng sáng tác, viết liền vài tiếng đồng hồ. Khi màn đêm buông xuống, Hemingway ngồi xuống và nghĩ về những gì quan sát được lúc ban ngày. Ánh hào quang của chủ nghĩa hiện đại lấp lánh dưới ánh đèn, vẫy gọi nghệ sĩ, coi Paris là nhà, làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở, thay da đổi thịt.
Ở Paris, kiến trúc nhà nam tước Haussmann đã đem lại cho Hemingway cảm hứng sáng tác, những nhân vật trên giấy trắng mực đen có lẽ đều được nảy sinh từ đây. Những viên đá mang màu đen của hàng rào sắt, bề ngoài có vẻ bóng loáng, sạch sẽ. Khi mặt trời mọc, những tia sáng rọi vào mặt đá, tạo nên màu trắng sáng như ngọc trai. Những chi tiết nhỏ như vậy đã xuất hiện trong phong cách tản văn của Hemingway.
Ngày đông giá rét, cảnh quan ở công viên Luxembourg vô cùng đặc sắc. Hemingway cảm thấy rõ ràng một cảnh tượng tráng lệ hiện ra trước mắt. Loại bỏ những gì là hào hoa, người ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp nơi đây. Hemingway từng viết rằng, cùng với lá cây rụng rơi, kèm theo đó là sự mất dần đi của sự sống, giống như ảnh bức phù điêu “Diễn viên” cũng dần dần biến thành một con người mà bản chất không giống mình lúc ban đầu. Rất nhiều việc dồn dập kéo đến, nhiều người, trong đó có Hemingway đồng ý kiến cho rằng cuộc sống ở Paris nhiều lúc được thể hiện bằng kinh qua ở bên ngoài. Trong mắt ông, cảnh tượng thác nước đổ xuống, hay những con đường nhỏ được lát bằng xi măng hay đá cuội đều mang nội hàm sâu lắng, không kém gì những bảo tàng cỡ lớn. Hemingway cảm thấy rằng, khi ông để ý đến những chi tiết lịch sử và được gợi mở bằng cảm hứng sáng tác thì những vấn đề phức tạp tự nhiên được giải quyết.
Sống ở nơi đô thị phồn hoa, náo nhiệt như Paris, chúng ta có thể lý giải tại sao Hemingway lại cảm thấy cô độc. Tuy rằng những con phố lớn nhỏ tràn đầy sức sống, nhưng khi ta vượt lên trên những mái nhà, nhìn ra ngoài phố thì ta lại có cảm giác trống vắng lạ thường. Hemingway thường dùng góc nhìn này để xem xét, lựa chọn và thể hiện tư tưởng của mình. Bởi vì, sáng tác chung quy lại là sự nghiệp đơn độc.
Trong ngôi đền Panthéon là linh hồn của nhiều nghệ sĩ kiệt xuất của nước Pháp. Hemingway mới 22 tuổi, thường qua lại nơi đây, biết rằng trong đó có linh hồn của những nhân vật mà mỗi khi ông nghĩ đến là cảm thấy kính nể, như Émile Zola, Victor Hugo, Voltaire... Trong những năm đầu sống ở Paris, Hemingway còn chưa viết được một cuốn tiểu thuyết trường thiên nào, ông không ngừng làm việc, viết những truyện ngắn trung thực và ấn tượng. Ông chú ý đến từng chữ một, và tâm trí ông phần lớn muốn loại bỏ phong cách tản văn trong tác phẩm của mình. Nhưng ông vẫn hy vọng, nếu không có sự tự tin cần thiết, thì rất khó để sánh vai được với những anh linh nằm lại ở Panthéon.
Nhà thờ Đức Bà Paris là trung tâm của thành phố, để lại cho người ta hình tượng và cảm giác độc đáo, tạo nên sức hấp dẫn khó tả. Ban ngày, Paris bị bóng đen khỏa lấp, nhưng ban đêm lại trở nên lung linh huyền ảo. Hemingway thường trở về nhà lúc đêm khuya từ hữu ngạn sông Seine đến tả ngạn sông Seine, nơi nhà ông ở. Vợ chồng ông cùng nhau thảo luận về các tác phẩm của ông, và ông nằm trên giường đọc sách, nghe vợ chơi piano. Những lúc như vậy, vợ ông-Hadley-trở thành trung tâm của ông, giống như Nhà thờ Đức Bà Paris là trung tâm của Paris vậy.
Trong khi sống ở Paris, thông thường do các nguyên nhân khác nhau mà Hemingway sử dụng các quán cà phê khác nhau, có quán dùng để làm những việc lãng mạn, có quán dùng để sáng tác, có quán dùng để thương thảo chuyện làm ăn. Khi sáng tác ở quán cà phê Lex, ông thích ngắm nhìn đường Bonaparte, tu viện lâu đời nhất thủ đô Paris, Saint-Germain-des-Prés. Ông cho rằng, điểm hấp dẫn của Paris là sự vĩ đại của thành phố này. Ở Paris, Hemingway được nhiều nghệ sĩ nâng đỡ, bằng cách là khích lệ ông sáng tác. Khi ông chưa có danh tiếng, có lẽ trong tiềm thức của ông đã đầy ắp những chi tiết như khắc sâu vào trái tim ông.
Vào buổi sáng tại Nhà thờ Saint-Sulpice, Hemingway phát hiện ra rằng, mình đang được bao bọc bởi những gì vĩ đại nhất. Trong không gian yên lặng, ngay cả những gì mình nghĩ đều có thể được nghe thấy. Ông trải nghiệm được rằng, sáng tác có thể xoa dịu đi mọi nỗi đau đời thường. Tôn giáo của ông cũng chính là nghệ thuật của ông. Có được ý niệm ấy trong đầu, Hemingway ra khỏi nơi tráng lệ và thiêng liêng này, bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình.
Rất nhiều lần, khi Hemingway vượt qua nhiều cây cầu bắc qua sông Seine, thì ý nghĩa của những cây cầu này đã đi vào tác phẩm của ông như một sự tiến hóa của sự sống. Hemingway đưa hình ảnh của các cây cầu vào đa số các sáng tác của ông, bao gồm sáng tác văn học cũng như ý nghĩa tượng trưng khác.
Về cảm hứng sáng tác, Hemingway tin rằng ở Paris, cảm hứng sáng tác có thể nảy sinh ở bất kỳ nơi nào. Từ con sông lớn Seine cho đến những cây cầu với kiến trúc độc đáo, và cả những kiến trúc khác thường đều tiềm ẩn nguồn cảm xúc dồi dào cho nhà văn. Paris có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với những ai dù chỉ một lần đến đây.
Tiểu luận của Robert Wheeler (Mỹ) PHẠM HUY QUỲNH (dịch)