Thách thức trong quá trình bảo tồn

Sự ra đời của tranh dân gian đến nay vẫn là chủ đề quan tâm của nhiều nhà chuyên môn. Các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra tranh dân gian là một di sản có từ lâu đời, theo đà phát triển của nghề in, khắc gỗ, việc sản xuất tranh dân gian ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của cư dân mọi miền đất nước. Dần dần, việc sản xuất các loại tranh dân gian đều dựa trên nguyên tắc cơ bản là in, vẽ màu trên các bản khắc. Nội dung chủ yếu có thể chia thành 4 nhóm: Tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và tranh minh họa lịch sử, song ở mỗi miền việc thể hiện có những “đặc sản” riêng.

leftcenterrightdel
 Trình diễn làm tranh dân gian tại triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. 

Khi dòng chảy thời đại có nhiều biến động, ký ức về bức tranh như: “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa”, “Gà trống hoa hồng”… nhộn nhịp sắc màu trên tay các bà, các mẹ ở phiên chợ Tết dần phai nhạt. Khoảnh khắc mộc mạc ấy chỉ còn trong ký ức, bởi tranh dân gian không còn vị thế như trước. Đáng buồn hơn, nghề làm tranh truyền thống đang ngày càng bị mai một: Tranh Hàng Trống (Hà Nội) chỉ còn họa sĩ Lê Đình Nghiên với kho lưu giữ khoảng 50 ván in, cổ nhất có tuổi gần 200 năm. Tranh làng Sình (Huế) là dòng tranh dân gian mộc bản, đã trải qua hơn 400 năm, đến nay chỉ còn những bản khắc gỗ là hiện vật quý giá còn lưu giữ ở nhà ông Kỳ Hữu Phước. Nghề tranh vải gói ở Nam Bộ, còn duy nhất nghệ nhân Hồ Văn Tai tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, ông là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh tạo hình nổi trên lụa hay còn gọi là tranh vải gói. Tranh thờ của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Cao Lan... được vẽ bằng màu bột trên giấy dó bồi dày cũng mất dần. Thậm chí có những dòng tranh được cho là đã “chết” như tranh Kim Hoàng (ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) khi không còn nghệ nhân theo nghề.

Phục dựng dòng tranh của dân tộc là điều ai cũng mong muốn nhưng không hề đơn giản. Ngoài vấn đề kinh tế, bản thân các dòng tranh đã mang nhiều thử thách. Nghệ nhân là thế hệ truyền nghề nhưng khi họ đa phần đều tuổi cao sức yếu thì việc khôi phục gần như là con số 0. Bên cạnh đó, theo như PGS, TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Do tập quán chơi tranh, sử dụng tranh không còn phổ biến như trước; nghề làm giấy dó ở Yên Thế (làng Bưởi, Tây Hồ) cũng đang mai một nên nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu để làm tranh bị ngưng trệ. Việc sử dụng màu vẽ công nghiệp, thay đổi vật liệu làm giấy cũng biến đổi về chất đối với các loại tranh truyền thống. Chính vì vậy, việc kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và sẽ là thách thức cho việc bảo tồn các di sản văn hóa này”.

“Cải tử hoàn sinh” cho tranh dân gian

Trước những thách thức không hề nhỏ trong việc hồi sinh dòng tranh truyền thống, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nhận được sự ủng hộ của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) ở nhiều tỉnh, thành phố, các bảo tàng, đặc biệt là nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, người đang sở hữu 12 dòng tranh dân gian tổ chức triển lãm. 200 hiện vật, trong đó có 50 hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và những dòng tranh ít được biết tới hoặc đã thất truyền như: Tranh thập vật, tranh làng Sình, tranh kính Nam Bộ vừa ra mắt công chúng đã minh chứng cho những nỗ lực “cứu” tranh dân gian.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (một trong hai nghệ nhân nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ) khẳng định: “Tôi sẽ làm sống lại dòng tranh Đông Hồ!”. Trong tay ông hiện có khoảng 150 bản khắc gỗ tranh và 100 hình ảnh chụp bản in quý về dòng tranh này được một nhà sưu tầm Pháp tặng, mà theo ông Chế, sẽ tiếp tục đầu tư để khắc gỗ toàn bộ số tranh được tặng này. Bên cạnh đó, dự án trị giá 45,2 tỷ đồng với diện tích gần 20.000m2 đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ thuộc đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030” do Sở VH,TT&DL Bắc Ninh là đơn vị tư vấn lập dự án, đang giúp nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hồi sinh dòng tranh Đông Hồ. Với kỹ thuật, tư liệu quý trong tay, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng mạnh dạn vực dậy dòng tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội). Để phát huy giá trị của dòng tranh quý, nhiều năm nay gia đình ông Nguyễn Đăng Chế đầu tư, đổi mới phương thức hoạt động sản xuất tranh Đông Hồ, kèm theo các dịch vụ như tham quan, ẩm thực, in tranh trên lịch… tạo không gian thưởng thức cho du khách, tiến xa hơn là xuất khẩu trực tiếp tranh sang các thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, một số nước châu Âu… Xưởng tranh của ông đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các học sinh về tham quan, thực hành làm tranh.

Việc tìm kiếm người nối nghiệp tâm huyết được cho là mầm sống phục hồi tranh dân gian. Và ta bắt đầu nuôi hy vọng khi các làng nghề đã có thế hệ chân truyền như dòng tranh Hàng Trống có họa sĩ Lê Hoàn; hay tín hiệu vui cho dòng tranh ở miền núi phía Bắc khi nhiều nhà nghiên cứu trẻ như Thạc sĩ Nguyễn Sinh Phúc đã tỉ mỉ tìm kiếm, sưu tầm các tài liệu để phục hồi lại dòng tranh thờ, từ đó tạo nền tảng kiến thức, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ của địa phương làm theo.

Dẫu có nhiều khởi sắc, nhưng để dòng tranh dân gian có thể đủ sức “vẫy vùng” trong đời sống nghệ thuật đương đại có lẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng cho dòng tranh truyền thống dân tộc, bởi trước bao biến động của thời cuộc, tranh dân gian vẫn tồn tại ở vị trí đặc biệt trong tâm thức người Việt.

Bài và ảnh: HOÀNG NHUNG