Đó là đánh giá của Ban tổ chức Trại sáng tác điêu khắc đề tài LLVT-chiến tranh cách mạng năm 2024, diễn ra tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

24 tác phẩm được trưng bày tại sảnh lớn Nhà sáng tác Vũng Tàu phục vụ tham quan. Mỗi tác phẩm mang một thông điệp khác nhau, thể hiện cá tính, sở trường riêng biệt của tác giả. Điển hình như tác phẩm hiện thực truyền thống “Mũi xung kích” của Nhà điêu khắc Lê Văn Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tác phẩm của anh được hình thành từ chuyến tham quan thực tế tại căn cứ rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), nơi bộ đội đặc công Đoàn 10 từng một thời chiến đấu oanh liệt lập bao chiến công huyền thoại. Tác phẩm “Mũi xung kích” của Lê Văn Tuấn không chỉ toát lên tinh thần dũng cảm tiến công kẻ thù bằng vũ khí, trang bị cá nhân mà còn có cả hình ảnh chiến sĩ đặc công chiến đấu với cá sấu-“hung thần dưới nước” khi vượt sông tiếp cận mục tiêu.

Nhà điêu khắc Lê Văn Tuấn chia sẻ: "Đến tham quan khu lưu niệm và thông qua các tư liệu lưu trữ về đặc công rừng Sác, tôi vô cùng khâm phục tinh thần dũng cảm, mưu trí và bản lĩnh của các anh bộ đội đặc công. Họ không chỉ phải chiến đấu với quân thù xâm lược mà còn phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, nhất là cá sấu, thú rừng để tồn tại. Cho nên, tôi đã nảy ra ý tưởng sáng tác điêu khắc để ca ngợi hình tượng cán bộ, chiến sĩ đặc công nước vượt mọi hiểm nguy xung kích tiến công, quyết chiến, quyết thắng".

leftcenterrightdel
Đại biểu tham quan các tác phẩm điêu khắc đề tài lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng năm 2024. 

Cũng sáng tác về bộ đội đặc công, nhà điêu khắc Nguyễn Thăng Long (Hà Nội) thể hiện sự tinh tế thẳm sâu trong tác phẩm “Đặc công rừng Sác”. Những đường nét chạm trổ tài hoa của anh vừa mới mẻ, hiện đại, vừa mang dáng dấp truyền thống, phải nhìn toàn diện, chiêm ngưỡng đầy đủ các mặt của hình khối kiến trúc mới cảm nhận hết ý nghĩa sâu xa mà tác giả gửi gắm. Anh Long tâm sự: “Hoạt động của bộ đội đặc công nước rất đa dạng, mang tính độc lập cao.

Từ cách ngụy trang, sử dụng ống thở... đến việc cơ động, xử trí tình huống dưới nước đều rất đặc thù. Nếu không có tư duy chiều sâu thì việc phản ánh sẽ rất phiến diện, hời hợt, thiếu chính xác, không lột tả hết khí chất của bộ đội đặc công. Từ suy nghĩ đó, tôi lựa chọn điểm nhấn của tác phẩm là ánh mắt sáng, toát lên thần thái, dũng khí và sự thông minh của các chiến sĩ đặc công rừng Sác anh hùng, dù dưới nước hay trên bờ, dù ban ngày hay ban đêm thì ánh mắt ấy vẫn rất đặc biệt và vô cùng ấn tượng”.

Ở các thể tài khác như: Lịch sử dân tộc, người chiến sĩ hôm nay... các tác phẩm điêu khắc cũng để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Với tác phẩm “Hai Bà Trưng”, nhà điêu khắc Đỗ Thị Hồng Hạnh (Hà Nội) muốn chuyển tải thông điệp về khí phách của người phụ nữ Việt Nam, trong mọi thời đại đều kiên trung, bất khuất. Hay tác phẩm “Mắt biển” của nhà điêu khắc Nguyễn Hoài Huyền Vũ (Bình Dương) mang đến cho công chúng một cái nhìn sẻ chia cùng niềm tự hào về những người chiến sĩ Hải quân.

Nhà điêu khắc Lưu Thị Thanh Lan (Hà Nội) giới thiệu tác phẩm “Về phép” phản ánh hạnh phúc dung dị, đời thường nhưng rất đỗi trân quý của Bộ đội Cụ Hồ bên gia đình, người thân. Khoảnh khắc yêu thương ấy như tiếp thêm sức mạnh để người chiến sĩ vượt mọi khó khăn, vững tay súng bảo vệ Tổ quốc. 

Anh Nguyễn Nam Duy, 43 tuổi, ngụ tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) tâm sự: “Đến tham quan các tác phẩm điêu khắc trưng bày tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, tôi cảm nhận được sự đa dạng trong phong cách thể hiện và tấm lòng, tình cảm, sự tâm huyết của các tác giả đối với đề tài LLVT-chiến tranh cách mạng. Hình tượng người chiến sĩ hôm nay và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam không bao giờ cũ, luôn có sức hấp dẫn đối với các loại hình nghệ thuật nói chung và hội họa, điêu khắc nói riêng”.

Theo nhận định của ban tổ chức trại sáng tác, mỗi tác phẩm mang phong cách riêng: Hiện đại, truyền thống, tượng đài...; đa dạng về chất liệu: Đất nung, gỗ, đá, nhựa tổng hợp... nhưng đều chuyển tải thông điệp rõ ràng, bám sát chủ đề, tiêu chí nội dung. Nhiều tác giả có bề dày thời gian gắn bó, cống hiến với hoạt động mỹ thuật Quân đội, từng giành nhiều giải thưởng về sáng tác mỹ thuật đề tài LLVT-chiến tranh cách mạng.

Cũng có những tác giả trẻ tham gia trại sáng tác để trải nghiệm, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm và nhiều tác giả là giảng viên các trường mỹ thuật, có thâm niên, tên tuổi trong nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc, tạo hình... Theo Đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đơn vị chủ trì phối hợp tổ chức trại sáng tác, các tác phẩm điêu khắc đa dạng về phong cách, phong phú về chất liệu, đề tài trải dài từ lịch sử truyền thống tới hiện đại. Các tác phẩm đạt chất lượng tốt sẽ được chọn tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài LLVT-chiến tranh cách mạng và được trưng bày, giới thiệu rộng rãi trong thời gian tới.

Bài và ảnh: THANH HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.