Lục lọi trong góc nhỏ ký ức mùa đông nồng đượm, yêu thương của những tháng ngày xưa cũ, tôi thấy lòng ấm áp và yên bình hơn bao giờ hết.

Tôi nhớ, có một độ thu sang, cha tôi lôi từ đáy tủ ra một chiếc bao tải đựng hai cái ruột chăn cũ xẹp lép và đón ông thợ đi rong ở xóm trên về nhà để bật lại cho ruột bông tơi xốp. Tôi thấy đồ nghề của ông thợ bật bông rất giản dị, đơn sơ. Cần cung bật bông là một thanh gỗ dài khoảng 2m, nối hai đầu là sợi dây cước to cỡ 3mm. Ông đổ bông cũ, bết từng mê nhỏ lên rồi dùng khúc gỗ cứng đánh vào dây cước như đánh đàn. Mỗi lần dây cước mắc vào mô bông cũ, ông lại cầm khúc gỗ gõ đều theo nhịp phát ra tiếng tực tực, tưng tưng, tực tưng, tực tưng... nghe vui tai đáo để. Những cục bông trắng nõn bay lên, em gái tôi khoái chí, cười khanh khách và đuổi bắt bụi bông trắng như tuyết lởn vởn trong nhà.

Ảnh minh họa: alltop.vn 

Bật bông xong, ông lấy vải màn bọc lên hai mặt bông đã trải, dùng kim chỉ khâu chăn hình ô quả trám để cố định bông trong ruột chăn rồi lồng vào cái vỏ chăn con công cũ mà mẹ đã giặt sạch sẽ trước đó mấy hôm. Thi thoảng tôi hỏi mẹ: “Cái chăn này có lâu chưa mà đuôi những chú công đã nhạt màu thế hả mẹ?”. Xoa đầu tôi, mẹ bảo: “Nó hơn cả tuổi con đấy. Bà nội mua từ khi bố mẹ cưới nhau. Đây là kỷ vật đầy ắp yêu thương, lưu giữ lửa ấm gia đình”. Đêm đông lạnh thấu xương, mấy anh em chúng tôi chen nhau trên chiếc giường gỗ rẻ quạt, nằm cuộn tròn trong chăn, cùng chơi trò giải đố, bàn tán, cười nói xôn xao. Bất ngờ cơn gió đẩy cánh cửa sổ bật mở, cái lạnh mơn trớn lên da, lên tóc, cả bọn nhìn nhau cười rúc rích. Cái chăn con công gắn bó với tôi như người bạn tuổi thơ, cả đời này tôi không thể quên được.

Tôi nhớ, cứ mỗi mùa đông đến là mẹ lại bắt tôi mặc chiếc áo len cổ chui mà bà ngoại đã đan cho tôi từ lâu để đi học cho khỏi lạnh. Tôi cứ vùng vằng không chịu mặc vì sợ bạn bè cùng lớp trêu chọc. Ngoại tận dụng len từ những chiếc áo cũ, rách của các thành viên trong gia đình để đan cho tôi một cái áo len với đủ màu sắc sặc sỡ. Dù len cũ, nhiều màu song nhờ bàn tay khéo léo của bà ngoại nên chiếc áo trông khá bắt mắt. Thấy tôi không muốn mặc áo, mẹ thoáng buồn: “Tiết trời mùa đông đang rất lạnh, mặc phong phanh thế này là ốm đó, mặc áo len vào đi con. Mùa đông năm sau, mẹ sẽ mua len để đan áo mới cho con...”. Nước mắt tôi trào ra, tôi mặc vội áo len đến trường, bỏ ngoài tai những câu bông đùa trêu chọc của đám bạn. Lúc mới mặc áo len, những đám lông cọ vào da thịt nên tôi có cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, vài bữa dần quen và chẳng muốn cởi ra để giặt dù tay áo đã đen xỉn bụi bẩn.

Lớn lên, rời xa quê hương, tôi tình nguyện nhập ngũ và gắn bó lâu dài trong môi trường Quân đội. Ở nơi núi rừng xa xăm, mỗi khi tiết trời se lạnh, lòng tôi rưng rưng hoài niệm về những mùa đông ấu thơ...

MAI HOÀNG HANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.