Tôi không còn nhớ cảm giác lần đầu tiên mình bước đi được như thế nào, vì lúc đó còn quá nhỏ. Khi nhìn một đứa trẻ tập đi, người lớn luôn khuyến khích và cổ vũ đến nỗi đứa trẻ ấy dù có ngã dúi dụi thì vẫn cố gắng để bước đi. Và dù không có sự nhiệt thành từ phía người lớn thì đứa bé cũng vẫn tập đứng dậy, bước đi theo lẽ tự nhiên. Ý nghĩa của những bước đi có lẽ đã ăn sâu vào ta từ trong tiềm thức từ khi còn là con trẻ, thế nên những đứa trẻ luôn tìm cách để đứng lên và đi được theo bản năng của mình.
Đó là bước ngoặt của cuộc đời dù những đứa trẻ sẽ chẳng nhớ được thời khắc ấy. Thật đáng kiêu hãnh khi ta có thể tự bước đi trên chính đôi chân mình mà không cần sự nâng đỡ. Chuyến đi đầu tiên của chúng ta lớn lao và ý nghĩa đến vậy. Chỉ là chúng ta không nhớ được, thật đáng tiếc.
Dải đồi thấp phía sau nhà hay con đường nhỏ ngoằn ngoèo đầu xóm không biết rồi sẽ kết thúc ở đâu từng là những nơi tôi muốn được đặt chân tới và đi hết khi mới lớn lên. Tôi không thôi nghĩ về những chuyến đi, có phải vì điều đó luôn đồng hành với những ước mơ chinh phục?
Mẹ sinh tôi tuổi ngựa. Lần đầu tiên tôi có mong muốn đi xa trong cuộc đời, mẹ bảo con đi đi, đi tìm những điều con mơ ước bấy lâu, khi nào chồn chân mỏi gối thì về với mẹ. Tôi luôn gắn mình với những chuyến đi vì cho rằng điều đó làm nên cuộc đời mình. Đi để thêm hiểu biết, thêm trải nghiệm. Đi để biết mình đang lớn lên dần theo mỗi chuyến đi.
Như những đám mây lang thang qua nhiều khung trời khác, tôi mải mê với những cuộc hành trình. Một sớm mai thức dậy, nghe lòng mình nao nức vì tiếng sóng vỗ rì rào ở một vùng quê duyên hải miền Trung. Sự bình yên như một tạo vật định sẵn cho nơi này để ta thấy yêu thương quá đỗi một dáng thuyền chài xa xa. Hình dáng quê hương canh cánh bỗng chốc nhòa đi nơi miền đất lạ hay bởi ta chợt nghĩ nơi nào lòng mình neo lại chẳng tha thiết như quê hương.
Lại một chiều trời chạng vạng tìm nơi dừng chân mới biết mình đã cheo leo tận nơi cực Bắc xa xôi với những đỉnh núi xanh xưa như một lời hứa hay sự đợi chờ từ lâu lắm. Những ngọn núi vững vàng nơi biên cương như đã gặp từ lâu trong thơ ca, âm nhạc, bức vẽ hay trong chính giấc mơ thuở bé của tôi mà khi đến đây thấy giống như sự trở về. Tiếng người mẹ Tày gọi con về ăn cơm tối thả vào trời chiều mênh mông một tiếng vọng nao lòng.
Và khi thập thững bước qua những thành phố vừa lạ vừa quen, chợt thấy mình cũng giống như đứa trẻ-luôn háo hức với những chuyến đi mới và sự khám phá nhưng cũng đầy cô đơn trên chuyến hành trình ấy của cuộc đời mình. Tôi luôn cô đơn trên những chuyến đi bởi đó là con đường của cuộc đời riêng tôi mà không phải của ai khác. Nỗi cô đơn của ta có lẽ cũng là nỗi cô đơn của kiếp người. Nó mặc định như những chuyến đi vốn đã ở trong tiềm thức mỗi chúng ta, dù có thực sự làm những chuyến đi trong cuộc đời mình hay không.
Tôi chợt nhớ một người bạn người Mông sống trên núi cao từng nói, dân tộc của bạn thường không ở yên một chỗ mà sẽ di cư khi cảm thấy một vùng đất khác phù hợp hơn. Họ cứ ở rồi đi như thế từ xưa đến nay. Mỗi nơi tôi đi qua đều để lại những nhớ thương và dấu ấn. Vậy với người Mông, họ sẽ có biết bao nhiêu nhớ thương khi mỗi vùng đất ra đi đều gắn với đời sống của họ? Có phải vì thế nên tiếng sáo của người Mông mới vời vợi trong ngày tiễn khách xa?
Tản văn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG