Có nhiều loại gỗ tốt hơn để làm nhà, nhưng không hiểu sao người quê tôi lại chuộng xoan lắm. Người ta không trồng xoan ở vườn, mà trồng hẳn trên những ngọn đồi. Quê tôi, mỗi nhà có ít nhất hai, ba ngọn đồi. Họ dùng đồi để trồng xoan cho những đứa con của họ.

Chính vì người ta chuộng xoan như thế, nên đám trẻ quê tôi có thêm “nghề hái quả xoan” đem bán cho người ta trồng. Vào mùa quả xoan chín vàng hoặc khô quắt lúc lỉu trên cành, những đứa trẻ dùng cái móc sắt được buộc chặt vào cây sào để hái quả xuống. Quả còn sót lại trên cây, nếu lũ chim không ăn hết, ngày nào đó gió sẽ lay chúng rụng và phần lớn hạt khô sẽ được nảy mầm ngay dưới gốc cây mẹ.

Dĩ nhiên, chẳng ai mua đắt những quả nhỏ xinh xắn ấy nhưng cứ vào mùa, đám trẻ trai lại háo hức leo đồi nhà mình hái quả từ những cây xoan được bố mẹ trồng dành cho chúng sau này lập gia đình mới.

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Ngày nọ, khi lửa đốt đồi đã tàn, mặt đất còn nóng rẫy, khói còn bảng lảng, những người trồng xoan sẽ gieo hạt đã được phơi khô, sức nóng sẽ làm vỏ hạt tách ra, tỉ lệ hạt nảy mầm sẽ cao hơn.

Sau những trận mưa thu đổ xuống, hạt xoan nảy mầm và lớn lên rất nhanh. Người ta không tách cây con ra trồng lại, mà để chúng tự cắm rễ sâu và trưởng thành, một ngày nào đó chủ đồi sẽ đi thăm đồi, tỉa bớt cây non để những cây còn lại lớn nhanh hơn.

Xoan mùa nào cũng đẹp. Tôi xếp chúng vào hàng những loài cây đẹp trên đời. Vào mùa đông, lá xoan chuyển màu, gió thổi chúng rụng và bay như những cơn mưa sắc vàng đẹp mắt. Mùa xuân, cả một vùng đồi mênh mông màu tím nhạt của hoa xoan, như cả thế gian chìm trong những đám mây hoa ấy.

Quê tôi, chuyện giúp đáp nhau ở các gia đình không chỉ đám cưới, xây nhà, mừng nhà mới, mà còn có những ngày đốn xoan. Vào một ngày đẹp trời, chủ đồi sẽ quyết định đốn những cây xoan to đẹp nhất về ngâm, chuẩn bị cho ngôi nhà mới của con trai họ. Những người hàng xóm, họ hàng, bè bạn sẽ được nhờ giúp sức. Thường những cuộc như thế sẽ vào mùa đông. Mùa đông, người ta sẽ không bị đổ nhiều mồ hôi trong lúc làm việc, nên sức làm sẽ dai hơn. Mùa đông, nước trong ao sẽ cạn, chỉ cần tát một buổi là trơ bùn, tiện cho việc ngâm xoan. Khi những cây xoan đã được đốn và chở về nhà, họ hè nhau xếp chúng thành một bè lớn trong cái ao đã cạn nước. Những cái cọc tre to, rắn chắc sẽ được đóng quanh bè cây xoan, giữ cho chúng cố định. Bùn trong ao sẽ được tát lên phủ kín đám gỗ xoan. Khi những cơn mưa mùa hạ đổ về, bè xoan ngập chìm trong nước, làm chỗ ngụ lý tưởng cho bầy cá.

Gỗ xoan càng ngâm lâu năm càng bền. Khi xoan đã được ngâm, tốt nhất là lúc nào cũng được chìm trong nước, hoặc phủ kín trong bùn, không được để phơi ra dưới mặt trời, vì chúng sẽ bị nứt, độ bền của gỗ không cao.

Tôi thích nhất là khi bố gọi người tát ao bắt cá. Khi nước cạn, đám cá tôm đã bị bắt lên bờ, người ta sẽ sục tìm trong hốc của bè xoan, ở đó thường có những chú cá chuối "cụ" cố thủ. Có những con cá chuối sống sót qua nhiều vụ tát ao, rất tinh khôn và lì lợm.

Chỉ có điều cá ở những ao có bè xoan mới thường ít, vì gỗ xoan đắng và độc. Chỉ sau một hai năm, khi đám gỗ xoan đã săn chắc lại, vỏ đắng đã mục nát, nước ao mới trở lại bình thường, cá tôm lại đua nhau sinh sôi. Quê tôi, người ta không trồng các loại cây có củ như sắn, khoai dưới gốc xoan, vì củ của chúng sẽ đắng.

Xoan ngâm dành để dựng nhà, đóng tủ, ghế, giường, chạn, nhưng người ta vẫn cho vay những bè xoan ngâm nhà mình, không có ai ngâm xoan để bán cả. Ở quê, khi xây nhà, cưới hỏi, người ta giúp nhau bằng những bè xoan ngâm, những bao gạo trắng, những con lợn béo. Họ không quy mọi thứ ra tiền như bây giờ.

Bây giờ, nhà xây kiểu ống chỉ cần xi măng, sắt thép, tủ, giường, chạn, ghế đã có gỗ cao cấp đóng sẵn, chỉ việc bỏ tiền ra là chủ cửa hàng sẽ chở về tận nhà cho khách.  

Nên đã xa rồi, xa lắm những đồi xoan. Xoan chỉ còn quanh bờ rào, để đám kiến miệt mài xây tổ. Mùa đông, những cành xoan trụi lá, chỉ còn những tổ kiến và đám quả khô bám trên cành. Khi chặt cành xoan lấy tổ kiến, người ta sẽ dựng cái tổ mới thu ấy dưới gốc xoan, để đám kiến mất tổ lại leo lên cây xoan đó và xây tổ mới.

Và tháng Ba âm lịch hằng năm, người ta trèo xoan bắt tổ kiến lấy trứng. Mùa xoan xanh quả, cũng là mùa trứng kiến./.

Tản văn của PHẠM THANH THÚY