Bà lẩm bẩm bảo tôi: “Các con thời nay an nhàn, Ngày Quốc tế Lao động được nghỉ ngơi, chẳng bù cho bà quanh năm đầu tắt mặt tối, có biết ngày nghỉ là thế nào đâu”. Nói rồi, mắt bà nhìn vào cái cối đá nằm chỏng chơ bên chái nhà. Vật dụng ấy là chứng nhân của một thời gian khó, xa lắc xa lơ.

Lưng bà tôi còng xuống tựa như cái cây cổ thụ có thế bạt phong, nghiêng nghiêng, xiêu xiêu. Bà đứng mà như sắp đổ, phải có gậy để chống.

 Minh họa: MINH ĐĂNG

Đó là thói quen, là biến chứng của tuổi già và cả những vất vả trong lao động. Cũng phải thôi, cả một đời bà mòn mỏi bên cối đá quay đều, quay đều những vòng tròn nhẫn nại. Cối đá nặng nề làm hao mòn sức lực, rệu rã những khớp xương nhưng cũng là "cần câu cơm", là nguồn sống của gia đình.

Giờ thì cối đá lặng im, mặc thế giới đổi thay, dòng đời xoay vần. Màu đá xám bạc. Bao đường vân, thớ đá ngấm sâu thứ màu trắng nhờ. Nó đã hoàn thành “sứ mệnh” ở cái thời chưa có điện, tất thảy đều dùng sức con người. Chính vì thế, nhìn vào cối đá là thấy sự nhọc nhằn, cũng là ấm no. Bởi có gạo, có đỗ thì cối mới xay ra dòng bột trắng làm nên bao thức quà quê ấm bụng.

Cối đá ông sắm cho bà to tựa vành thúng, có hai thớt. Thớt dưới miệng loe ra tạo thành rãnh để bột chảy xuống, ở giữa có ngõng chổng lên. Thớt trên có lỗ tra ngõng, bên cạnh có miệng nhỏ để cho đậu, gạo vào xay. Tai cối được lắp một khúc gỗ làm tay cầm.

Người xay bột đứng rướn về phía trước đẩy cối xoay vòng đều đặn. Tiếng cối nghiến gạo gầm gừ. Gạo lăn mình trong đá ứa thành nước trắng xóa, nhỏ giọt long tong.

Bà thường xay gạo buổi sáng để chiều có bột gói bánh. Những cục bột trắng nặn thành bánh nếp, bánh tẻ, bánh khoai, bánh rán. Có những hôm nhiều hàng, bà phải thức cả trưa để xay bột. Cơm chưa kịp xuôi đã vội vã những guồng quay.

Tôi cũng đã thử đẩy tay cối thế nhưng người thấp, lực không đủ nên vòng quay trật trẹo. Bà bảo muốn cối xay nhẹ, bột mịn thì tay phải đẩy đều, nhanh quá cối dễ bị trật ra mà chậm quá miệng cối xít lại, nặng như đeo đá. Kể thế đủ biết là xay bột đâu chỉ khỏe mà còn phải khéo léo, bền bỉ, nhẫn nại.

Cả xóm mỗi mình nhà bà tôi có cối cỡ đại. Cũng bởi làm bánh bán nên nhà mới có cối to như vậy. Thường vào những dịp lễ, tết, người trong xóm đến xay bột nhờ để làm bánh. Tết Nguyên đán làm bánh tẻ, Tết Hàn thực làm bánh trôi, bánh chay, Tết Trung nguyên làm bánh nếp.

Những khi ấy, mọi người phải xếp thành hàng dài mới tới lượt để vào xay, thành thử chái nhà lúc nào cũng lao xao tiếng nói cười. Cả năm hàng xóm mới nhờ vài lần, thế nên bà tôi phải thức đêm để xay bột trước. Người đến đầy sân kể cũng vui, chỉ khổ mỗi cái cối đá phải làm việc cật lực, xoay vòng chóng mặt.

Có thanh niên giúp mẹ vào xay trầy trật mãi không xong mẻ bột. Khi ấy, bà tôi phải ra tay giúp đỡ. Khéo nhất vẫn là con gái. Bà tôi vẫn bảo cứ nhìn cô nào thắt đáy lưng ong rướn người xay bột, cối xay đều bon bon như xe chạy, bột rây kẻ chỉ sánh mịn, ắt là gái đảm, lấy làm vợ sau được nhờ.

Mẹ tôi cũng là gái xóm, ngày trẻ đến xay bột nhờ được bà nội chấm điểm rồi “rấm” cho con trai. Sau về, mẹ không làm bánh mà làm đậu phụ với tương. Những người phụ nữ trong nhà tôi đã gắn cả cuộc đời bên cối đá với những vòng quay bất tận.

Cho đến ngày điện về làng, mọi thứ đều được cơ giới hóa. Cối đá không còn dùng nữa, nằm chỏng chơ bên chái nhà. Một dạo có người hỏi mua, nghe đâu về trưng bày ở phòng lưu niệm gì đó, nhưng bà tôi không bán bởi chiếc cối đã gắn bó với cả đời người, nuôi sống gia đình nên giữ làm kỷ niệm.

Cối đá là cuộc sống, là ký ức của một thời gian khó. Giờ đây, nhìn chiếc cối đá nằm yên bên chái nhà năm gian, tôi cảm thấy càng thêm trân trọng, yêu thương một thời nhọc nhằn, gian khó của bà nội.

NGỌC NAM