"Ngày 22-5, trường mình thông báo cho các con nghỉ học để phòng, chống dịch. Vậy là mình phải chia tay sớm 30 thiên thần bé nhỏ. Bố mẹ các con nhiều người là công nhân cũng phải ở nhà, có người phải đi cách ly. Thương lắm những tâm hồn non nớt ngây thơ không được tung tăng chơi đùa, không được gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Trường đóng, các cô hối hả thu dọn đồ đạc. Chỉ nay mai thôi ngôi trường mầm non Bích Sơn của mình sẽ trở thành địa điểm cách ly những trường hợp thuộc diện F1, F2. Cánh cổng sẽ khép lại, ngôi trường thân thuộc bỗng trở nên xa cách. Nghĩ thật là buồn!
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Hường (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng nghiệp chuẩn bị các suất cháo tặng các y, bác sĩ đang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. |
Ở nhà, mỗi ngày nghe tình hình dịch bùng phát mạnh mình không khỏi lo lắng, xót xa. Nhà mình gần với Khu công nghiệp Đình Trám. Ở đây đã có ca mắc Covid-19. Nhiều công nhân thuê trọ trong tổ dân phố của mình phải nghỉ làm. Họ đến từ nhiều tỉnh khác nhau trong cả nước, vì dịch bệnh bùng phát nên không thể về quê được.
Công nhân ở lại vẫn phải ăn uống, sinh hoạt, mọi chi phí phát sinh khiến cuộc sống thêm phần bấp bênh. Nghĩ thương họ đang phải lo từng bữa ăn, mình đứng ra kêu gọi bà con trong khu phố ủng hộ lương thực, thực phẩm. Trước đây mình cũng hay đi làm thiện nguyện nên giờ mọi người rất tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ. Vậy là nhà mình trở thành địa điểm tập kết gạo, rau, trứng, mỳ… Tối đến, mọi người trong xóm cùng tới giúp đỡ chia thành từng suất quà nhỏ; sớm hôm sau mình cùng một số bạn đến từng khu nhà trọ trao quà cho công nhân.
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Hường (thứ 2 từ trái sang) tặng quà cơ sở cách ly y tế tập trung ở xã Quang Châu (huyện Việt Yên) |
Ở khu phong tỏa xã Trung Sơn (huyện Việt Yên) có một nhóm thợ xây bị mắc kẹt lại. Do đây là địa bàn xa xôi nên chưa có nhiều đoàn thiện nguyện tiếp tế. Mình biết được thông tin qua một nhóm đăng trên facebook. Nhóm lao động này ăn ở tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ. Thường ngày họ phải kiếm rau dại xung quanh công trình để nấu ăn. Hôm đến, mình trao gạo, rau, thực phẩm, giúp họ cầm cự qua đợt dịch này.
Tình hình dịch Covid-19 kéo dài, cuộc sống của người bình thường còn khó thì những người yếu thế khó khăn thêm chất chồng. Nhận được tin trong một khu nhà trọ ở tổ dân phố Đồn Lương (thị trấn Bích Động) có mấy bạn khiếm thính từ Quảng Ninh đến đây làm nghề tẩm quất, đã nhiều ngày nay không việc, không trợ cấp. Bà chủ nhà trọ cao tuổi phân trần: “Tôi đã cố gắng giúp đỡ hết mức có thể, các cô thông tin giúp chứ họ giờ kiệt quệ lắm rồi”. Khi mình trao quà, từ đôi mắt mờ đục của các bạn lăn dài những dòng nước mắt. Mình hiểu, dù họ không nhìn thấy nhưng cảm nhận được tình cảm của những người đã đến giúp đỡ họ trong lúc khó khăn.
Có những hôm đi tặng quà, chính mình cũng không cầm được nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh những cụ già đơn thân ở thôn Núi, xã Việt Tiến (huyện Việt Yên). Đằng sau lớp khẩu trang là những gương mặt già nua khắc khổ. Cả cuộc đời các cụ đã nhọc nhằn đến lúc xế chiều không người nương tựa, giờ dịch bệnh tràn về, người già như ngọn đèn lay lắt trước gió, càng nghĩ lại càng thương!
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Hường (ngoài cùng bên trái) hỗ trợ nhóm thợ xây ở xã Trung Sơn. |
Người già đã vậy, con trẻ cũng đâu tránh được sự tác động ghê gớm của “giặc” Covid-19. Có em mới lọt lòng thôi đã phải rời vòng tay mẹ. Bố, mẹ, bà nội em đều là F0, ông nội là F1 phải đi cách ly. Em mới sinh, xét nghiệm âm tính được đưa về nhà ở xóm 6, thôn Dĩnh Sơn, xã Trung Sơn. Thật khó để tưởng tượng một hài nhi bé bỏng ở trong căn nhà không có mẹ, cha. May sao có người bác họ cùng thôn vừa mới cai sữa con nhỏ đã đến nhà chăm nom em. Để hỗ trợ gia đình, địa phương cử thêm cô y tá ở xã xuống giúp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Vậy là trong căn nhà nhỏ vẫn vang lên tiếng oe oe đòi sữa, vẫn ấm lời ru à ơi đều đều. Và qua màn hình điện thoại, những giọt nước mắt người mẹ trẻ vẫn lăn dài vì nhớ con. Biết mình tặng quà, bố mẹ em đã gọi điện cảm ơn và còn nhắn nhủ: “Gia đình chỉ xin nhận những đồ sơ sinh cho bé, còn khoản tiền thì xin phép để dành tặng những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, xin cảm ơn tất cả mọi người”.
Đi tặng quà nhiều nơi, mình càng cảm nhận rõ tình cảm của bà con, thật đúng là trong hoạn nạn mới thực hiểu lòng nhau. Đồng bào mình tốt lắm. Ai cũng muốn san sẻ với tinh thần tương thân tương ái. Nơi nào thiếu thốn chỉ cần chia sẻ thông tin là có nhóm thiện nguyện đến giúp. Thật đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no! Chỉ túi gạo, bó rau, gói mỳ nhỏ thôi nhưng chan chứa nghĩa tình. Những giọt nước mắt mình chứng kiến là những lời tri ân chân thành, sâu sắc nhất.
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Hường (áo tím) cùng đoàn thiện nguyện tặng quà người già neo đơn ở xã Trung Sơn.
|
Giúp đỡ bà con trong những ngày nắng nóng khắc nghiệt, bệnh dịch hiểm nguy sẽ vất vả hơn rất nhiều những chuyến thiện nguyện bình thường. Thế nhưng không vì thế mà mình nản lòng. Có những hôm 3 giờ sáng đã lọ mọ dậy cùng các cô trong trường mầm non nấu cháo tập thể để tặng các y, bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Có những chuyến đi cùng đoàn tiếp nhận nhu yếu phẩm, vật tư y tế phân phát cho các điểm cách ly nửa đêm mới về. Đồ bảo hộ cởi ra thu gom đúng nơi quy định. Đêm muộn đặt lưng xuống lại thao thức với những dự định công việc tiếp theo.
May sao những ngày đi thiện nguyện, gia đình nhỏ của mình mọi việc đều ổn. Chồng là bộ đội cũng đang trực ở đơn vị bảo đảm công tác phòng, chống dịch, anh động viên mình cố gắng giúp đỡ mọi người và giữ gìn sức khỏe. Vâng! Em sẽ gắng làm những việc gì có thể để chung tay cùng mọi người chiến thắng đại dịch Covid-19. Em tin ngày đó sẽ không còn xa, gia đình mình sẽ sớm đoàn tụ cùng dạo bước trên con đường thênh thang của khu dân cư kiểu mẫu. Tiếng loa truyền thanh trong khu phố lại ngân vang khúc ca: “Việt Yên ánh sáng tương lai” đầy tự hào"!
Cô giáo NGUYỄN THỊ HƯỜNG (Trường mầm non Bích Sơn, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, Bắc Giang)